Theo đó, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Hóc Môn xuất hiện nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các Văn phòng Thừa phát lại nhằm mua, bán những căn nhà “ba chung” (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà) đã phát sinh nhiều trường hợp tranh chấp, mất nhà.
Việc mua bán này được thực hiện nhiều lần, chuyển nhượng qua nhiều người, chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa đúng quy định, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý. Thậm chí, một số trường hợp chủ sở hữu tài sản vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất trong khi đã thế chấp tài sản ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác (bằng giấy tay), dẫn đến phát sinh tranh chấp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc, gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân.
Theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Phòng Công chứng); sau đó đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện.
Như vậy, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, thông qua hình thức lập vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên trong giao dịch (đặc biệt là bên mua). Bởi lẽ giá trị của vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Cụ thể trong các trường hợp này là ghi nhận hành vi, sự kiện giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất giữa các bên, nên vi bằng không có giá trị thay thế văn bản (hợp đồng) công chứng, chứng thực, tức vi bằng không phải là cơ sở để thực hiện sang tên đổi chủ cho bên mua.
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng chỉ có giá trị khi đã thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định.
Theo Điều 25 Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày 18-10-2013 của Chính phủ, Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Một số trường hợp cụ thể có thể lập vi bằng để xác nhận, như tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình; tình trạng nhà trước khi cho thuê; tình trạng nhà khi mua nhà; tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm; việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật; tình trạng tài sản trước khi ly hôn, thừa kế; hàng giả bày bán tại cơ sở kinh doanh, thương mại; việc giao hàng kém chất lượng; hành vi cạnh tranh không lành mạnh…
Thực tế, hiện nay một số người môi giới BĐS sử dụng thuật ngữ “vi bằng công chứng thừa phát lại”, “công chứng Thừa phát lại” để tư vấn cho khách hàng. Đó không phải là một thuật ngữ pháp lý. Đây là một cách dùng từ sai và tùy tiện nhằm mục đích thuyết phục khách hàng rằng đã có sự đảm bảo về mặt pháp lý của giao dịch BĐS mà họ tham gia.