Nghị quyết nêu rõ trong giai đoạn 2017-2020 sẽ ưu tiên đầu tư trước 11 dự án thành phần dài 654 km, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng vốn nhà nước). Trong đó có 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); 3 dự án đầu tư công.
Theo kế hoạch, trong tháng 7-2018, toàn bộ 11 dự án của cao tốc Bắc - Nam sẽ được phê duyệt thiết kế kỹ thuật; chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Các dự án này sẽ hoàn tất thủ tục đầu tư trong năm 2018 và chính thức khởi công trong năm 2019 để “vẽ nên xương sống” mới của đất nước, kết nối thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TPHCM, mở ra cơ hội mới phát triển 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi của các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn vẫn rất chậm so với yêu cầu. Theo đó, báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam đoạn Ninh Bình - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45- Nghi Sơn và Dầu Giây - Phan Thiết phải được trình lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt trong tháng 3, nhưng đến nay báo cáo vẫn chưa xong với lý do cần rà soát thêm số liệu về địa hình, lưu lượng giao thông nên đơn vị tư vấn phải thực hiện lại.
Với dự án Dầu Giây - Phan Thiết hiện vẫn đang cập nhật để điều chỉnh lại số liệu giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch đã phê duyệt.
Trước tình hình này, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát lại tiến độ, tăng nhân lực để từ tháng 5 đến hết tháng 7-2018 phải phê duyệt được toàn bộ dự án. Phải làm rõ những gì đã làm được, phần việc nào còn chậm, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Nếu ban quản lý dự án nào vẫn còn để xảy ra tình trạng chậm trễ, lãnh đạo Bộ sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo đúng quy định.
Không chỉ các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông bị chậm trễ trong thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi, nhiều tuyến cao tốc đã khởi công cũng đang ở trong tình trạng thi công ì ạch. Đơn cử, suốt 8 năm kể từ khi thông xe đường cao tốc TPHCM - Trung Lương vào năm 2010, việc triển khai xây các đoạn cao tốc nối với Cần Thơ (Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ) vẫn như… rùa bò.
Dự kiến đến năm 2021, tuyến đường cao tốc này mới kết nối tới Cần Thơ. Nhưng với tiến độ đang diễn ra với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, xem ra đường về miền Tây - vựa lúa, vựa cây trái và tôm cá của quốc gia - vẫn còn mờ mịt. Và người dân 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL phải tiếp tục chờ đợi tuyến cao tốc sẽ đóng vai trò lớn trong bối cảnh toàn vùng rất khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực. Đặc biệt, sự chậm trễ của tuyến cao tốc này sẽ khiến vai trò của 2 công trình quan trọng là cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ khó phát huy.
Tại dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài gần 54km tình hình còn tồi tệ hơn. Dự án khởi công năm 2009 và đình trệ đến năm 2012 thì dừng hẳn vì nhà đầu tư rút khỏi dự án. Đến năm 2015 dự án được khởi công lại với liên danh 6 nhà đầu tư mới. Thế nhưng trong suốt 3 năm qua dự án vẫn loay hoay với thủ tục vay vốn ngân hàng, đến nay mới thi công khoảng 3% khối lượng công trình, dù công trình đã chi 1.270 tỷ đồng đền bù giải tỏa đạt đến 97% khối lượng.
Hay như tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chiều dài 140km, qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, với tổng vốn đầu tư gần 28.000 tỷ đồng, khởi công tháng 5-2013 và dự kiến thông xe toàn tuyến cuối năm 2017. Thế nhưng suốt 4 năm qua mới hoàn thành và đưa vào khai thác 65km đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ. Đoạn còn lại Tam Kỳ - Quảng Ngãi hơn 70km có 5 gói thầu từ A1-A5 và hầu hết đều chậm tiến độ so với kế hoạch. Với thực trạng này, việc thông xe toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến vào tháng 6 tới rất khó khả thi.
Dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện ý chí quyết tâm rất cao, nhưng để triển khai xây dựng và đưa các dự án vào khai thác còn rất nhiều thử thách đang chờ phía trước. Người dân mong rằng đừng để cao tốc leo lên lưng rùa, chậm trễ vô hạn định.