Danh sách các nền kinh tế mới nổi tham gia cuộc đua cắt giảm lãi suất ngày càng dài ra: Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Pakistan, Ukraina, Srilanka, Chile, Nam Phi… Thậm chí, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn sa thải thống đốc NHTW vì không đồng ý cắt giảm lãi suất. Cho dù lãi suất hiện nay đang ở mức âm, các NHTW châu Âu, Nhật Bản vẫn đang miệt mài bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Nhưng đó chỉ là những hành động của các NHTW trên thế giới trước khi NHTW Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm qua. Sau động thái cắt giảm lãi suất mới đây của FED, danh sách các nước cắt giảm lãi suất sẽ còn dài ra và cắt giảm sâu thêm nhiều lần nữa.
Donald Trump còn thề sẽ tìm mọi cách thức, mọi công cụ có thể để chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trump đã làm đủ điều khiến giờ đây tính độc lập của FED bị nghi ngờ ở mức chưa từng có. Hàm phản ứng chính sách của FED từ đặt mục tiêu ổn định giá cả và tạo công ăn việc làm, đã thay đổi sang xem xét các diễn biến của kinh tế toàn cầu. FED không muốn cắt giảm lãi suất trở thành một trào lưu. Nhưng xem ra, Trump không cho phép FED có quyền lựa chọn.
Hai mục tiêu đầu tiên của FED, cũng như của hầu hết NHTW trên thế giới, là thứ ông Trump không thể tác động trực tiếp một sớm một chiều. Vậy là ông tìm cách khác hoàn toàn nằm trong tay của mình để kiểm soát FED nhanh nhất. Trump áp thuế hầu như toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Kinh tế toàn cầu sụt giảm, thị trường chứng khoán thế giới rực đỏ, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ càng thêm đảo ngược (lãi suất dài hạn thấp hơn lãi suất ngắn hạn sau quyết định áp thuế toàn bộ mới đây). Tất cả đều tác động ngược trở lại kinh tế Mỹ. Nếu FED không hành động bằng cách giảm và thậm chí giảm lãi suất thật sâu trong các lần sau, Trump càng có cớ để kết tội FED là tội đồ khiến kinh tế Mỹ đi xuống.
Bây giờ mới phát hiện ra các NHTW hiện đang thiếu nghiêm trọng các công cụ chính sách tiền tệ để ứng phó với các diễn biến chưa từng có tiền lệ trong thương mại thế giới. Thậm chí ngay cả NHTW có bề dài và sự thông thái như FED đã thừa nhận họ còn thiếu kinh nghiệm trong đối phó với các căng thẳng thương mại toàn cầu.
Nhưng hành động trước để đón đầu trước các cú sốc lạ lùng như thế vẫn là điều các NHTW phải thực hiện. Họ sẽ không có bất kỳ lý thuyết, đặc thù nào để biện minh cho việc không thể cắt giảm lãi suất. Các lý thuyết cao xa của chính sách tiền tệ không bao giờ thuyết phục được thị trường, doanh nghiệp vì sao NHTW không thể giảm lãi suất trong lúc này.
Cắt, cắt, cắt… giảm lãi suất khắp mọi nơi đã diễn ra từ lâu. Giờ Việt Nam cũng mới bắt đầu tham gia cuộc đua này. Các doanh nghiệp và người dân vừa nghe thông báo bắt đầu từ ngày 1-8 nhiều ngân hàng thương mại nhà nước sẽ giảm 0,5% lãi suất cho các “lĩnh vực ưu tiên và khởi nghiệp”. Thế giới đang tìm mọi cách thức, mọi công cụ kể cả phi truyền thống để ứng phó với khả năng sụt giảm kinh tế toàn cầu chưa từng có.
Những cú chấn động liên tiếp trong thương mại quốc tế và thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu tác động đến mọi lĩnh vực kinh doanh và đầu tư của nền kinh tế. Theo đó, cứ ngỡ điều đương nhiên là mặt bằng lãi suất, chí ít, cũng phải hạ thấp ở mức đủ sâu rộng để ai cũng có quyền tiếp cận, thì Việt Nam cũng chỉ mới đáp ứng cho “lĩnh vực ưu tiên và khởi nghiệp”. Khó đến thế sao?
Việt Nam luôn tự hào có những đặc thù riêng để đi ngược trào lưu thế giới. Các ngân hàng thương mại nhà nước những năm gần đây đều tự hào thông báo lãi hàng chục ngàn tỷ đồng. Chẳng lý nào Ngân hàng Nhà nước không tìm ra công cụ phi truyền thống hay đặc thù nào của thể chế, để buộc hệ thống ngân hàng phải chia sẻ khó khăn hơn nữa với nền kinh tế. Trong khi cũng chính điều phi truyền thống và đặc thù đó đã làm nên sự lớn mạnh của họ ngày hôm nay.