Lời khuyên này được ứng dụng trong mọi chuyện liên quan đến con người, từ chính trị, kinh tế, xã hội và cả du lịch.
Chừng 10 năm trở lại đây, các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc nước ta thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong nước và quốc tế. Những cánh rừng, đồi núi, sương mù, cùng hoa ban, hoa mận, hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang, con nước, thịt trâu gác bếp - những sản vật có từ bao đời nay - nhờ có truyền thông chính thống và mạng xã hội, đã trở nên hấp dẫn lạ thường.
Người dân ở dưới xuôi kéo lên làm du lịch, trong khi người dân bản địa cũng nhanh nhạy lập ra hàng trăm điểm du lịch, lớn thì thành làng du lịch cộng đồng, nhỏ là các home stay, quán cà phê kết hợp lưu trú. Nhờ đó, không khí lạnh giá và đời sống buồn tẻ của các huyện, thị trở nên sôi động, và khởi sắc như ở Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Yên (Lào Cai); Mù Cang Chải, Mường Lò, Nghĩa Lộ, Tú Lệ (Yên Bái); Bản Lác - Mai Châu (Hòa Bình); Tà Xùa (Bắc Yên - Sơn La), Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ (Hà Giang)…
Vậy nhưng, bên cạnh những thay đổi tốt đẹp, đã bắt đầu xuất hiện những hạt sạn làm hỏng bữa tiệc. Những chuyện không hay đó vốn dĩ không phải là sản phẩm ở vùng đất của những người sống thật thà chất phác, nó được chuyển từ những nơi khác đến có thể ở thị thành, có thể từ bên kia biên giới.
Điều đầu tiên nói đến là mùi kim tiền ám vào. Vẫn biết mở làng du lịch cộng đồng, home stay phải thu tiền, phải có lãi. Nhưng khách du lịch vào cổng làng phải mua vé, đứng chụp hình trước nhà trình tường hay ruộng bậc thang phải mất tiền, chụp ảnh với mấy đứa trẻ mang gùi phải trả tiền…
Tóm lại cái gì cũng mất tiền, dù chỉ 10, 20 ngàn đồng nhưng nó làm mất đi cái hồn nhiên, trong trẻo của văn hóa vùng cao. Cái kiểu tận thu này, chắc hẳn là mô hình từ các điểm du lịch, hội chợ ở dưới xuôi mang lên.
Khách nước ngoài đến vùng này muốn sống với cái văn hóa bản địa gốc. Khách xem người Mông, người Dao dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong trên vải nhưng đó chỉ là diễn, còn sản phẩm họ mua như váy, áo, túi xách lại là dệt bằng máy công nghiệp mang từ bên kia biên giới qua.
Rồi những gói lá thuốc dùng để tắm, chữa bệnh được giới thiệu là hái từ trong rừng sâu, núi cao, nhưng kỳ thực được nhập về hàng xe tải từ các nước làng giềng. Rất nhiều làng du lịch bị biến tướng đến mức khiến một bộ phận du khách thấy giống như bị lừa.
Ở Sa Pa, Lào Cai có một ngôi làng người Mông được mệnh danh là ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc. Đó là bản Cát Cát, nơi đang trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Lào Cai. Đến đây lẽ ra du khách được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, trải nghiệm cùng với trang phục sặc sỡ, đồ trang sức độc đáo của các cô gái Mông, Dao, Hà Nhì hoặc Tày, Nùng, lại thấy giăng mắc rất nhiều trang phục của người Mông Cổ, Tây Tạng, của các tộc người Trung Quốc như người Miêu, người Hán ngay từ cổng ra vào.
Với mức giá 1-1,3 triệu đồng, du khách sẽ nhận được dịch vụ trọn gói từ trang điểm, làm tóc, thuê trang phục và thợ đi theo chụp hình, trở thành các cô gái, chàng trai Mông Cổ, Tây Tạng, hay Vân Nam với đầy đủ mũ, áo, giày, cung tên, kiếm, nỏ, kiềng, vòng, các loại dây dợ... Hiện tượng này còn có cả ở những điểm du lịch trên sông Nho Quế, Hà Giang và đang có nguy cơ lan sang các điểm du lịch khác.
Chuyện các home stay, làng du lịch cộng đồng bị bê tông hóa quá mức không còn là chuyện hiếm. Những ngôi nhà trình tường, mái ngói bị thay thế bằng nhà ống cao tầng, mái tôn xanh đỏ, trước cửa ra vào có cặp sư tử đá, cầu qua suối bằng gỗ, bằng tre mương bị thay bằng những cây cầu xi măng sơn đỏ chót như kiểu cầu trong phim giả trang trong Hồng Lâu mộng.
Ở các chợ tràn ngập hàng Trung Quốc từ váy áo đến đồ ăn thức uống, đồ chơi, còn hàng hóa, ẩm thực địa phương tỏ ra yếu thế. Thậm chí, các nhạc cụ như sáo trúc, sáo mèo, khèn, đàn môi hay đồ trang sức bằng bạc được mang từ bên kia biên giới qua không những lấp lánh mà còn rất rẻ. Những thợ thủ công địa phương cũng gò, dệt, rèn nhưng chủ yếu biểu diễn. Hiện tượng “giả cầy” này có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến.
Chưa kể đâu đó còn những chuyện làm ăn gian dối làm phiền lòng khách nước ngoài, như chuyện các đoàn khách nước ngoài phải trả giá một tour du lịch gấp 3 lần người dân trong nước, nhưng lại nhận được dịch vụ rất tệ không như trong cam kết. Trên mạng còn lan truyền chuyện một công ty du lịch phải bồi hoàn một phần tiền cho vợ chồng du khách người Thụy Điển vì sự bất tín, không đúng với hợp đồng.
Tour du lịch Hà Giang 4 ngày của cặp vợ chồng này được hướng dẫn bởi hướng dẫn viên không biết tiếng Anh, ở chung phòng tập thể, trong khi họ trả tiền phòng đơn, và do không nhận được những thông tin cần thiết trong việc đi lại, họ bị cảnh sát giao thông phạt làm mất vui.
Đã từng có năm Phú Quốc đón hơn 4 triệu khách du lịch, nhưng nó chỉ là “vụt sáng” trong thời gian ngắn, sau đó rất nhanh chóng thoái trào. Một trong số các lý do khách nước ngoài giảm nhanh do Phú Quốc là bản sao vụng về các phong cách kiến trúc của châu Âu và Địa Trung Hải.
Khách du lịch bỏ tiền ra, mất thời gian để đi tìm cái “độc nhất vô nhị” cho dù cái độc nhất ấy không phải “cao lương mỹ vị”, không hề là “kỳ hoa dị thảo”, càng không phải “hoành tráng nhất thế giới”, mà đôi khi chỉ đơn giản là ngồi ngắm những thửa ruộng chìm trong sương, tay cầm ly trà nóng và tâm tĩnh lặng.
Trên FB, một nữ du khách đến từ Canada cho biết họ đến đây để tìm hiểu văn hóa của người bản địa, có thể nó còn sơ khai, nhưng chính cái giản dị, thuần khiết đó tạo nên sự độc đáo, khác biệt. Còn đến tận mảnh đất cực Bắc Việt Nam để gặp văn hóa Hán, văn hóa thảo nguyên Nội Mông, thì cất công lặn lội đến đây làm chi.
Du lịch vùng cực Bắc Tổ quốc muốn phát triển bền vững đừng ăn xổi, đừng ăn gian, đừng “giả cầy”. Làm được điều này biết là không dễ, nhưng phải tìm cách làm. Còn nếu cứ ăn xổi, chém đẹp, mãi mãi nhìn người Thái làm du lịch rồi tự hỏi tại sao họ làm tốt.