Chênh lệch huy động và cho vay đang ở mức cao

(ĐTTCO)-Giảm lãi suất huy động là tiền đề để giảm lãi suất cho vay. Nhưng thực tế, tốc độ giảm nhanh phía đầu vào và giảm chậm phía đầu ra đang diễn ra khiến mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn ở mức cao so với kỳ vọng.
Chênh lệch huy động và cho vay đang ở mức cao
Đầu vào giảm nhanh
Lãi suất huy động tại các NHTM đang giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của NHNN, thời điểm đầu tháng 3-2020, lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến 0,2-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.
Nhưng hiện nay lãi suất tiền gửi các kỳ hạn này giảm lần lượt còn 0,1-0,2%/năm, 2,9-3,8%/năm, 4-6%/năm và 5,6-6,8%/năm.
Ghi nhận cụ thể trên thị trường, ở nhóm NHTM có vốn nhà nước, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đang ở mức 2,9-3,1%/năm, 6 tháng ở mức 3,8-4%/năm, 12 tháng ở mức 5,5-5,6%/năm. Như vậy, sau 1 năm lãi suất huy động tại các NHTM có vốn nhà nước đã giảm 1,3-1,7% tùy theo từng kỳ hạn.
Ở nhóm NHTMCP quy mô lớn và có uy tín trên thị trường, lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1 tháng 3,1-3,45%/năm, kỳ hạn 6 tháng 3,9-5,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng 5-6,8%/năm.
Nhóm NHTMCP quy mô nhỏ hoặc đang tái cơ cấu đang có lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trong hệ thống NH, nhưng lãi suất tiền gửi 1 tháng cũng dao động quanh mức 3,5-3,95%/năm. Kỳ hạn 6 tháng 5,6-6,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng 6,9-7,1%/năm.
Khảo sát tại một số NH cho thấy đa số đều áp dụng lãi suất huy động tại quầy theo biểu lãi suất niêm yết, hiếm có các ưu đãi cộng thêm lãi suất như trước.
Xu hướng giảm lãi suất huy động xuất hiện từ quý II-2020 và kéo dài cho đến nay. Nguyên nhân do năm 2020 hoạt động cho vay của các NH không thuận lợi và dự kiến tình hình còn kéo dài đến hết quý I-2021.
Ngoài ra, sự tăng trưởng của kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng kéo giảm một phần nhu cầu tín dụng. Kèm theo đó, NHNN đã lùi thời hạn giảm mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, làm giảm áp lực huy động vốn của các nhà băng.

Lãi vay đủng đỉnh giảm
Từ lãi suất huy động, kỳ vọng lãi suất cho vay cùng nhịp giảm để hỗ trợ DN vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2021. Đây không chỉ là mong muốn của khách hàng mới, còn của khách hàng đang có khoản vay tại NH.
Tuy nhiên, khi lãi suất huy động đang giảm gần như thấp nhất trong lịch sử, nhà băng tiết giảm được chi phí nhưng lãi vay thực tế vẫn còn neo ở mức cao. Điều này thể hiện trên hệ số NIM (chỉ số phản ánh mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng) ngành NH đạt được trong năm qua. 
Cụ thể, trong quý II-2020, tỷ lệ NIM của các NHTM giảm còn 3,28% do các NH phải giảm, miễn trả lãi các khoản vay được tái cấu trúc. Từ quý III, NIM phục hồi đáng kể, lên mức 3,67%, cao nhất trong 12 quý liên tiếp. Đó cũng là thời điểm lãi suất huy động bắt đầu giảm nhanh hơn, nguồn vốn không kỳ hạn dần được cải thiện và các gói vay có lãi suất cho vay ưu đãi đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dần kết thúc.
Kết thúc năm 2020, phần lớn nhà băng vẫn duy trì được tăng trưởng dương đối với phần thu nhập lãi thuần, lợi nhuận cũng tăng trưởng khả quan. Một số dự báo đưa ra gần đây cho rằng NIM trung bình năm 2021 cũng vẫn ở mức cao, khoảng 3,56%, đồng nghĩa với việc, kéo giảm khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn không nhiều.
Tìm hiểu trên thực tế, nếu dựa trên thông tin giới thiệu của các NHTM, hiện nay lãi suất vay có thế chấp theo các gói tín dụng ưu đãi chỉ khoảng 6,6-8,8%/năm. Tuy nhiên, đó là mức lãi suất ưu đãi có thời hạn.
Khi trực tiếp đến NH đề cập vấn đề vay vốn, nhân viên tín dụng của một NHTMCP cho biết, thời điểm này cá nhân có đăng ký hộ kinh doanh (có đủ tài sản đảm bảo theo quy định và có khả năng trả nợ hàng tháng) có thể tham gia vay gói ưu đãi thời hạn 24 tháng với 2 mức lãi suất ưu đãi 6,95%/năm trong 3 tháng đầu, hoặc 8,95%/năm trong 9 tháng đầu.
Hết hạn ưu đãi, lãi vay được tính bằng lãi suất huy động 13 tháng cuối kỳ + biên độ tối thiểu 4%/năm. Lãi suất huy động 13 tháng cuối kỳ tại NH này đang ở mức 6,65%/năm. Như vậy, lãi vay tính bình quân sẽ ở mức 10,65%/năm. 
Trước đây, trong bối cảnh không có dịch bệnh, biên độ (chênh lệch huy động và cho vay, tức khoản lợi nhuận của NH) của các gói tín dụng thường ở mức 3-3,5%. Song trong bối cảnh các NH đang áp dụng mọi biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, việc các NH công bố áp dụng biên độ 4-4,5% được đánh giá quá cao.
Có thể nói, chính biên độ này khiến việc chờ đợi giảm lãi vay của khối DN cũng không như mong muốn. Với các NH, việc giữ lãi vay ở mức như vậy cũng không ảnh hưởng đến vấn đề tăng trưởng tín dụng năm qua, nên kéo giảm lãi suất có thể sẽ không diễn ra mạnh.
Bởi ngoài khách hàng là DN, các NH còn có những đối tượng khách hàng chịu được lãi suất NH đang cho vay, như cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng hay các nhà đầu tư. 
Theo nhiều chuyên gia, NH đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ kích thích được tổng cầu nội địa, nhưng cũng có rủi ro do thu nhập người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Còn ở mảng cho vay đầu tư, chẳng hạn như cho vay đầu tư chứng khoán, khi DN đang gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, hút vốn đầu tư cũng tiềm ẩn rủi ro. 

Các tin khác