Chiến lược với ngoại lai của Trung Quốc
Trong chuyến thăm 3 nước châu Âu gần đây là Pháp, Serbia và Hungary của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã cho thấy một sự lựa chọn kỹ càng các điểm đến để gửi đi các thông điệp của mình.
Điểm đến đầu tiên là Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của châu Âu. Giới quan sát nhận định đây là một lựa chọn “tinh quái” vì Pháp luôn so kè với Đức. Nếu Đức được Trung Quốc ưu ái hơn trong lĩnh vực xe ô tô, thì các doanh nghiệp của Pháp bị hạn chế hơn trong việc tiếp cận thị trường cả tỷ dân, lấy thí dụ như rượu mạnh của Pháp, nên mới có câu chuyện “ngoại giao Cognac” khi Tổng thống Pháp tặng rượu này trong số các món quà của mình. Thêm vào đó, Pháp là nước muốn EU cứng rắn hơn với Trung Quốc trong thương mại, đầu tư và cả vấn đề với Nga trong cuộc chiến Ukraine.
Không chỉ cố ý tạo chia rẽ giữa giữa Đức với Pháp, mà Trung Quốc còn muốn tạo thêm những bất đồng giữa các nước thành viên EU khi chọn Hungary, một quốc gia Đông Âu, để tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư. Việc chọn Hungary như là một biểu tượng Đông Âu với Tây Âu, gợi lại những ký ức về chiến tranh lạnh, và từ Hungary lấy đó làm bàn đạp để đi vào thị trường 27 nước EU.
Hungary là nước EU đầu tiên ký kết sáng kiến Vành đai Con đường, và là Đối tác Chiến lược Toàn diện với Trung Quốc từ năm 2017. Trao đổi thương mại giữa Hungary và Trung Quốc tăng gấp đôi từ 2012 đến nay gần 14 tỷ USD. FDI của Trung Quốc vào Hungary cũng chiếm một tỷ trọng lớn, đặc biệt là lĩnh vực pin cho xe điện.
Với Serbia, bên cạnh những hợp tác chặt chẽ về thương mại và đầu tư, chuyến thăm lần này lại “trùng hợp” với kỷ niệm 25 năm NATO ném nhầm bom vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, cũng là một thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi đến NATO, Mỹ, EU rằng Trung Quốc không quên và cũng không muốn những điều tương tự xảy ra thêm nữa.
Cùng với việc tìm tiếng nói chung với EU, ngay sau chuyến công du trở về, ông Tập Cận Bình đã tiếp đón Tổng thống Nga Putin, cho thấy Trung Quốc vẫn muốn duy trì một mối quan hệ chặt chẽ với Nga, không dấu giếm tham vọng thiết lập lại một trật tự thế giới mới. Dĩ nhiên, nhiều người cũng biết Trung Quốc là “ngư ông đắc lợi” khi Mỹ và EU cấm vận Nga, trong việc có được nguồn dầu mỏ giá rẻ và xuất khẩu được hàng hóa sang Nga.
Lo lắng từ nội tại
Mặc dù có những sức ép đáng kể từ bên ngoài, như căng thẳng thương mại vừa mới phát sinh thêm với Mỹ, đòi hỏi của Pháp nói riêng và EU nói chung trong việc bình đẳng hơn trong cán cân thương mại khi Trung Quốc là bên xuất siêu tuyệt đối, thì một số vấn đề nội tại của Trung Quốc cũng có thể khiến lãnh đạo nước này lo lắng.
Vấn nạn lớn nhất của Trung Quốc lúc này vẫn là thị trường bẩt động sản chưa có dấu hiệu hồi phục. Chính phủ Trung Quốc mới đây đã thăm dò việc mua lại các bất động sản bỏ trống và sử dụng một phần trong số 138 tỷ USD trái phiếu phát hành để giải cứu thị trường bất động sản.
Cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản là sức mua của người dân Trung Quốc vẫn còn yếu, tình trạng thiểu phát vẫn chưa thoát ra được. Bởi vì nền kinh tế Trung Quốc đã phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản, nên khi gặp khó khăn, hệ lụy của hiệu ứng domino là vô cùng to lớn.
Mặc dù Trung Quốc không thừa nhận vấn đề sản xuất dư thừa của mình, nhưng nhiều chính sách kích cầu gần đây cũng cho thấy thực trạng của vấn đề. Từ xe điện cho đến các thiết bị điện tử tiêu dùng ở một số địa phương lớn của Trung Quốc, người dân được nhiều ưu đãi khi đổi đồ cũ lấy đồ mới. Hàng hóa Trung Quốc với giá rẻ được đẩy đi khắp thế giới, dù có bị các hàng rào thuế quan cản trở.
Đã vậy, một khía cạnh quan trọng đó là đồng Nhân dân tệ bị định giá thấp so với giá trị thực của mình. Theo một số ước tính, lẽ ra đồng tiền này phải được điều chỉnh tăng 10-20% mới phản ánh đúng sức mạnh của nền kinh tế, cũng như sự thay đổi trong cán cân thanh toán của Trung Quốc những năm gần đây.
Một Trung Quốc khó lường
Là một trong những trục quan trọng của địa kinh tế chính trị toàn cầu, Trung Quốc đã rất khôn khéo khi chủ động đặt ra các vấn đề thương mại quan trọng đối với Mỹ và EU. Trong khi đó các vấn đề liên quan đến các điểm nóng xung đột, Trung Quốc lựa chọn đứng ngoài và chỉ tác động gián tiếp. Bởi vì ai cũng biết, nếu các đối thủ phải vướng bận nhiều lo toan thì Trung Quốc sẽ được rảnh tay và hưởng lợi.
Biết khai thác những bất đồng trong nội bộ giữa các nước EU, chẳng hạn trong nội bộ Mỹ (giữa 2 đảng) đã giúp cho Trung Quốc thực hiện được việc trao đổi thì cứ trao đổi, lấn tới thì vẫn lấn tới. Nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã và đang thiết lập được vệ tinh của mình ở châu Âu và Mỹ, khi đó sức mạnh của Trung Quốc và tham vọng tạo dựng một trật tự thế giới mới là một điều rất đáng quan tâm.
Ý thức được sức mạnh và tầm ảnh hưởng của một cường quốc, nên câu chuyện bên lề khi Tổng thống Pháp tặng nhiều quà quý cho ông Tập Cận Bình, biểu hiện trên khuôn mặt của ông Tập là rất bình thản, thậm chí nói lời cảm ơn bằng tiếng Trung Quốc.
Thế giới vẫn còn nhớ triết lý “mèo trắng, mèo đen” của Trung Quốc, cũng như khả năng giấu mình mai phục chờ thời của Trung Quốc qua lịch sử hàng ngàn năm. Do vậy nếu có điều gì phải quan ngại cho sự trỗi dậy của Trung Quốc thì đó là tư tưởng Đại Hán, là sự ổn định thịnh vượng của cả thế giới chứ không chỉ của một quốc gia.
Thế giới vẫn còn nhớ triết lý “mèo trắng, mèo đen” của Trung Quốc, cũng như khả năng giấu mình mai phục chờ thời của Trung Quốc qua lịch sử hàng ngàn năm. Do vậy nếu có điều gì phải quan ngại cho sự trỗi dậy của Trung Quốc thì đó là tư tưởng Đại Hán, là sự ổn định thịnh vượng của cả thế giới chứ không chỉ của một quốc gia.