Chính phủ phải vay tiền để kích cầu

(ĐTTCO)-Đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa là một trong các yêu cầu quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển trong đại dịch Covid-19. Nhưng tiền đâu để kích cầu là bài toán đặt ra. ĐTTC đã trao đổi với TS. TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, về vấn đề này.
Có hay không có dịch bệnh người dân vẫn phải tiêu dùng. Do vậy muốn kích cầu tiêu dùng nội địa thì giá cả phải thấp và người dân có tiền để mua.
Có hay không có dịch bệnh người dân vẫn phải tiêu dùng. Do vậy muốn kích cầu tiêu dùng nội địa thì giá cả phải thấp và người dân có tiền để mua.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có ý kiến cho rằng lúc này nên tạm thời ưu tiên chống dịch hơn là phát triển kinh tế, song cũng có ý kiến nói cần vực dậy kinh tế bằng kích cầu tiêu dùng nội địa. Quan điểm ông thế nào?
TS. TRƯƠNG VĂN PHƯỚC: - Đại dịch Covid-19 đang đe dọa cả thế giới, không riêng quốc gia nào. Vì thế, việc chống dịch để bảo vệ sức khỏe người dân của chính phủ các quốc gia là mục tiêu tối thượng.
Tuy nhiên, dù dịch bệnh con người vẫn phải sinh sống, vẫn cần có tiền chi tiêu. Tức họ phải làm việc, không thể đóng cửa ở nhà để tránh virus lây lan. Cho nên, việc thúc đẩy kinh tế của mọi quốc gia cũng là điều đương nhiên. Nhà nước phải lo bảo vệ sức khỏe người dân, tránh lây lan dịch bệnh để người dân làm việc. 
Ở đây cần hiểu rằng làm việc không phải vì tăng trưởng GDP mà để tránh thất nghiệp, mất công ăn việc làm của người dân. Vì vậy theo tôi chống dịch và thúc đẩy kinh tế phát triển không mâu thuẫn nhau, cũng không có chỉ số định lượng nào như phải chống dịch 80%, thúc đẩy kinh tế 20%, hay chống dịch 60%, thúc đẩy kinh tế 40%... 
Tăng trưởng kinh tế của mọi quốc gia thông thường dựa vào 3 trụ cột chính là tiêu dùng, đầu tư công và xuất khẩu ròng. Trước hết nói về xuất khẩu, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nhưng các quốc gia đối tác đang lâm vào đại dịch nên chắc chắn xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia đó sẽ khó khăn. Như vậy chỉ còn 2 yếu tố là đầu tư công và tiêu dùng. 
Ngày 21-8, Thủ tướng đã có cuộc họp với các bộ, ban ngành trực tuyến với các địa phương, yêu cầu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong 4 tháng cuối năm. Muốn giải ngân sớm, các bộ, ban ngành ở Trung ương cũng như các địa phương phải giải quyết các vấn đề như giải phóng mặt bằng, thủ tục nhanh gọn…
Tôi đề xuất hàng tháng Thủ tướng cùng với các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đến các địa phương để đốc thúc vấn đề này, nếu giải ngân tốt đầu tư công sẽ giúp cho tăng trưởng. 
Vấn đề còn lại là kích cầu tiêu dùng nội địa. Phải nói rằng có hay không có dịch bệnh, người dân vẫn phải tiêu dùng. Nhưng thời điểm này muốn kích cầu nội địa cần có 2 yếu tố. Thứ nhất, giá hàng hóa phải thấp.
Thứ hai, người dân phải có tiền để mua hàng hóa với giá cả thấp đó. Muốn giá hàng hóa thấp, chính sách tài khóa rất quan trọng. Bởi hàng hóa Việt Nam phụ thuộc rất nhiều loại thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu… Có nghĩa chính sách tài khóa phải đảm đương nhiệm vụ giảm giá thành hàng hóa. 
Còn để người dân có tiền chi tiêu phải bao gồm cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Như vừa rồi đã có gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng trợ cấp, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Đồng thời, chính sách tiền tệ phải điều hành theo hướng tạo điều kiện cho tín dụng tiêu dùng phát triển, để người dân có thể mua sắm nhiều với chi phí thấp.
- Kích cầu tiêu dùng nội địa nhưng ngân sách lại thiếu tiền, vậy ông có hiến kế nào để có tiền kích tiêu dùng, cũng như bơm tiền vào nền kinh tế nhưng kiềm chế lạm phát?
 Muốn kích cầu nội địa giá hàng hóa phải thấp và người dân có tiền để mua hàng hóa với giá thấp đó. Vì thế, chính sách tài khóa phải đảm đương nhiệm vụ giảm giá thành để kích cầu tiêu dùng nội địa.
- Trước hết phải nói trong vòng 5-7 năm trở lại đây, chính sách tài khóa của Việt Nam đang đặt mục tiêu tiến tới cân bằng ngân sách, thu bằng chi và tiến tới thặng dư. Nhưng do Việt Nam là quốc gia đang phát triển, chi phí đầu tư rất lớn, nhất là đầu tư công, nên ngân sách vẫn bội chi. Năm 2019, bội chi ngân sách ở mức 3,44%.
Năm nay nếu không có dịch bệnh, bội chi có thể ở mức 3,5-3,7%. Song trong bối cảnh dịch bệnh, nguồn thu thuế bị hụt do doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn trong kinh doanh, trong khi phải trợ cấp 62.000 tỷ đồng, mức bội chi phải được nâng lên. 
Theo tôi, bội chi năm nay có thể vượt quá 5%, từ mức 5-5,5% là chấp nhận được. Khi bội chi như thế tiền chi ra nhiều, vậy tiền đâu ra? Chính phủ phải vay tiền trong thị trường, trong đó gồm người dân và những nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn vào đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp.
Chúng ta có thể huy động nguồn vốn đó để ngân sách có tiền chi tiêu. Trần nợ công là 65% GDP, năm 2019 tỷ lệ nợ công hơn 58% GDP. Tôi cho rằng năm nay chúng ta có thể đạt đến 60% GDP, thậm chí 62% GDP cũng chưa chạm trần nợ công.
Nói tóm lại, chính sách tài khóa rất quan trọng và chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ chính sách tài khóa trong việc hỗ trợ các nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân. 
Năm nay cả thế giới rơi vào khủng hoảng và suy thoái, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo âm 6-7%, tổng cầu thấp xuống nên lạm phát của thế giới sẽ rất thấp.
Tương tự, lạm phát của Việt Nam cũng sẽ thấp vì chúng ta muốn kích cầu nhưng chưa được. Vì vậy, giá hàng hóa sẽ rất thấp, giá lương thực thực phẩm cũng không tăng nhiều. Đồng thời, giá dịch vụ công như y tế, giáo dục, giao thông vận tải có lẽ không điều chỉnh nhiều để có thể kích cầu.
Vì vậy, lạm phát năm nay chỉ khoảng 2,75-3% và lạm phát năm 2021 cũng không tăng quá cao, khoảng 3,8-4%. Mối lo ngại về lạm phát nằm ở các năm 2022-2025. Đây cũng là lo ngại của thế giới khi nhiều nước đang bơm tiền ra rất nhiều. 
- Ông nhìn nhận thế nào về gói hỗ trợ lần 1 cho người dân bị ảnh hưởng đại dịch và việc chuẩn bị gói hỗ trợ lần 2?
- Thực chất, gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng đã phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, phải thông cảm là nền tài chính của chúng ta rất phức tạp. Trong các năm gần đây, việc xem xét hành vi của cán bộ công chức cũng làm cho họ lo ngại, do đó việc xác minh đối tượng được hỗ trợ chặt chẽ, nên một số đối tượng không tiếp cận được. 
Còn trong 4 tháng tới vẫn còn nhiều yếu tố quan trọng, như bầu cử Tổng thống Mỹ, việc sản xuất vaccine trị Covid-19, Việt Nam có kiểm soát được dịch bệnh trong tháng 8 và 9 không, các nước kiểm soát dịch bệnh như thế nào… sẽ được theo dõi sát sao và Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác