Đó cũng là nguyên tắc theo tôi nên áp dụng cho chính sách chống dịch Covid-19. Chúng ta không nên gây thêm tổn thương cho người dân với bất kỳ chính sách chống dịch nào.
Không gây thêm tổn thương hiểu như thế nào?
Là khi người dân rất cần nhận được hỗ trợ phải hỗ trợ ngay, chần chờ là gây hại cho họ. Khi người dân phải ở nhà, không thể đi làm, mất thu nhập, họ cần được hỗ trợ. Điều này đặc biệt đúng với những người khó khăn về kinh tế, có bệnh nền, bệnh tâm lý. Lo âu, trầm cảm, mất ngủ là bệnh nhiều người khỏe mạnh ở châu Âu đã gặp phải trong quá trình giãn cách xã hội chặt chẽ.
Trong bối cảnh đó, những gói cứu trợ kinh tế cần thiết hơn bao giờ hết. TPHCM đang xin 28.000 tỷ đồng để tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp, hơn 142.000 tấn gạo để cứu đói cho khoảng 4,7 triệu người đang lâm vào cảnh khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài. Trì hoãn gói cứu trợ này chính là gây thêm tổn thương.
Nhưng có tiền, có gạo rồi sẽ phát cho ai, phát như thế nào? Có người sợ sẽ phát sai người. TS. Trương Minh Huy Vũ và TS. Phùng Đức Tùng có cùng quan điểm về vấn đề này: “Đừng lo phát nhầm, chỉ sợ phát thiếu”. Sợ phát sai nên trì hoãn phát tiền, phát gạo là gây tổn thương. Thà phát nhầm còn hơn phát thiếu hay trì hoãn phát là cách tiếp cận “không gây tổn thương”.
Thực tế, từ Mỹ đến châu Âu, Nhật Bản đều có trường hợp cố tình gian lận để nhận hỗ trợ. Tất cả đều có ít nhất một vài trường hợp được đăng lên báo về chuyện gian lận để nhận tiền hỗ trợ vốn không dành cho mình, thậm chí cả những đại công ty ở Mỹ còn ăn “tranh phần” của công ty nhỏ hay người khó khăn. Với trình độ quản lý và công nghệ của những nước đó còn như vậy, không thể kỳ vọng Việt Nam tránh được hoàn toàn tình trạng trục lợi.
Nhưng chúng ta có thể giảm thiểu nó qua hệ thống chỉ tiêu chi tiền minh bạch và đơn giản nhất có thể. Người dân có thể khai báo thông tin qua ứng dụng thống nhất trên điện thoại di động (hoặc với sự hỗ trợ của các cán bộ phường cho người không có điện thoại thông minh để sử dụng ứng dụng). Từ đó dựa vào những tiêu chí đơn giản và minh bạch nhất, chính quyền có thể xác định số tiền mỗi người được nhận hỗ trợ.
Chúng ta phải hoạt động trên tiêu chí tin tưởng đa số người khai báo sẽ không trục lợi và có đủ tự trọng để không tranh phần của người nghèo. Bên cạnh đó, chúng ta có thể chế tài qua công tác hậu kiểm. Người khai sẽ tự chịu trách nhiệm về các thông tin của mình. Theo đó, khi tiến hành hậu kiểm nếu thông tin khai báo sai, họ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, kể cả đưa ra mức xử phạt hình sự.
Với cách làm này, những gói hỗ trợ kinh tế sẽ được giải ngân sớm hơn (nếu tiền được duyệt) và có độ bao phủ rộng hơn với những tiêu chí đơn giản, đáp ứng nguyên tắc “không gây thêm tổn thương”, vì tránh được tiến trình giải ngân chậm có thể tạo ra những sự việc đáng tiếc. Cái giá phải trả cho việc giải ngân chậm có thể là mạng người, do đó nó sẽ đắt đỏ hơn hệ quả của những khoản chi sai.
Một khu cách ly tại con hẻm ở TPHCM.
Bớt những đề xuất “đột phá” thiếu cơ sở khoa học
Một cách khác để thực thi nguyên tắc không gây thêm tổn thương, là không đưa ra những đề xuất khi chưa biết tác động đánh đổi của nó như thế nào. Chẳng hạn, gần đây có đề xuất cần tiến hành “thiết quân luật” để ngăn chặn và khống chế dịch bệnh. Những đề xuất như vậy xuất phát từ nhận định người dân vô tư vi phạm Chỉ thị 16 nhưng biện pháp răn đe chưa nghiêm. Song cần lưu ý nếu “thiết quân luật” đồng nghĩa với siết chặt giãn cách xã hội hơn nữa sẽ gặp những rủi ro phải đánh đổi khác.
Thứ nhất, siết giãn cách xã hội quá chặt khiến điều kiện đi lại thiết yếu và hợp lý của người dân bị ảnh hưởng, sẽ xảy ra tình trạng có người bị bệnh không phải Covid-19 không được chữa trị kịp thời và tử vong. Chết vì Covid-19 hay chết vì bệnh khác cũng là chết.
Thứ hai, không có gì đảm bảo với tình trạng F0 tồn tại trong cộng đồng hiện tại sẽ giảm nhanh nếu thực hiện “thiết quân luật” trong thời gian ngắn. Phương pháp này chỉ có thể hiệu quả cao khi số ca còn thấp và chưa lây nhiễm cộng đồng phức tạp. Khi số ca F0 trong cộng đồng lớn, giải pháp này chỉ là ván cược mà cái giá phải trả có thể cũng là mạng người. Ngoài ra, chi phí giãn cách xã hội vốn đã cao sẽ còn cao hơn.
Cũng có ý kiến cho rằng do người dân đi lại đông đúc dẫn đến số lây nhiễm tăng nên cần “thiết quân luật”. Đây chỉ là giả định chưa được kiểm chứng không phải bằng chứng khoa học. Có nhiều lý do để số ca tăng, bao gồm các đợt xét nghiệm đại chúng dẫn đến tập trung đông đúc, điều kiện sống với mật độ dân cư cao và thói quen sinh hoạt cộng đồng trong một gia đình đông người, dẫn đến khó thực hiện 5K hiệu quả. Nói cách khác, khi có nhiều lý do giải thích hiện tượng số ca bệnh tăng và khi chưa biết rõ đâu là nguồn chính, không nên vội vã bốc thuốc kiểu chữa theo kinh nghiệm, thầy lang vườn mà không có bằng chứng khoa học cụ thể.
Theo nguyên tắc không gây thêm tổn thương, khi chúng ta chưa rõ nguyên nhân cụ thể, tốt hơn nên tập trung vào thứ chúng ta hiểu rõ: cố gắng điều trị, hạn chế tình trạng trở nặng và tử vong của bệnh nhân, đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine và vẫn phải điều trị những bệnh ngoài Covid-19 có tỷ lệ tử vong cao. Chúng ta không muốn cảnh người bệnh không thể nhập viện và tử vong tái diễn.
Sáng kiến trạm y tế lưu động và tổ phản ứng nhanh rất cần thiết và tương thích với kinh nghiệm chăm sóc y tế từ xa các nước đã bị bùng dịch trước đó áp dụng. Những giải pháp như vậy nên được khuyến khích vì đã chứng minh được tính hiệu quả của nó. Còn với những giải pháp có tính đặt cược, trước khi quyết định cần phải nghĩ về nguyên tắc “đừng gây thêm tổn thương” trước khi thử vận may.
Cái giá phải trả cho việc giải ngân chậm, hay những đề xuất “đột phá” thiếu cơ sở khoa học, có thể là mạng người, do đó nó sẽ đắt đỏ hơn hệ quả của những khoản chi sai. |