Chủ nghĩa bảo hộ có thực sự bảo hộ?
Có thể thấy đây là biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ (CNBH) trỗi dậy ở Mỹ từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền tổng thống. Mục tiêu chủ yếu của nó không nằm ở việc giành lại lợi ích thương mại “hợp lý” đã mất trong giao thương với các nước, mà nhằm “đòi” lại vị thế to lớn vốn có của các ngành sản xuất trong nước, trong đó thương mại là công cụ hữu hiệu.
Và vì sự trở lại của CNBH trong nền kinh tế lớn nhất thế giới này, ảnh hưởng thực sự của nó đã lan ra toàn cầu, tác động sâu sắc đến các quan hệ thương mại đa phương và dòng lưu chuyển vốn quốc tế.
Ngoài ra, động thái áp đặt thao túng tiền tệ được đưa ra dưới chính quyền Donald Trump còn xuất phát từ các nỗ lực kiềm hãm “con hổ” Trung Quốc mà nhiều đời tổng thống Mỹ cố gắng thực hiện.
Có thể nói, sự kình địch kinh niên của 2 ông lớn này đã “vô tình” lạc đòn sang nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Việt Nam. Thao túng tiền tệ chỉ là “tiếng gầm” trước những màn “đớp mồi” bằng trừng phạt thương mại Mỹ dành cho đối phương.
Tưởng chừng như tốt, nhưng những hành động trừng phạt này đã phần nhiều khiến chính phủ Mỹ nhận nhiều sự phản đối, làm những lời hứa hẹn ban đầu không còn mấy ý nghĩa.
Từ khi bắt đầu ngồi vào phòng Bầu dục, Tổng thống Trump và chính quyền của ông đã gấp rút tiến hành đàm phán lại hàng loạt hiệp định thương mại ở cấp khu vực, như CPTPP và USMCA.
Điển hình nhất, Trump đã rút Mỹ khỏi TPP sau thời gian tái đàm phán không thành công với lý do bảo vệ việc làm cho người Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận thấy TPP thực chất sẽ giúp thắt chặt mối liên kết giữa Mỹ và các quốc gia châu Á nhằm khống chế Bắc Kinh.
Việc thiếu vắng Mỹ trong TPP (sau này là CPTPP), các nước châu Á có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và ngày càng hạn chế sức ảnh hưởng của Mỹ.
Thao túng tiền tệ chỉ là “tiếng gầm” trước những màn “đớp mồi” bằng trừng phạt thương mại Mỹ dành cho đối phương. Bởi động thái áp đặt thao túng tiền tệ xuất phát từ các nỗ lực kiềm hãm “con hổ” Trung Quốc mà nhiều đời tổng thống Mỹ cố gắng thực hiện. Và “vô tình” lạc đòn sang nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. |
Xác định Trung Quốc là mối đe dọa chính nhưng lại không thể kiềm hãm được nước này đang ngày càng tỏa sáng ở châu Á. Để bảo hộ lợi ích của mình Mỹ đã tung ra các đòn trừng phạt thương mại với Trung Quốc.
Tổng thống Trump còn yêu cầu doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài phải chuyển sản xuất về nước. Ông tuyên bố sẽ đánh thuế lên bất kỳ doanh nghiệp nào không đáp ứng được nhu cầu này. Hành động này trên thực tế đã làm dấy lên nhiều sự phản đối của giới doanh nghiệp. Nguyên nhân nằm ở cách tiếp cận mang tính kỹ thuật của Trump.
Việc áp đặt thuế và các biện pháp hành chính khác nhằm ép doanh nghiệp Mỹ quay trở lại đất nước thực chất là chữa bệnh ở phần ngọn. Các doanh nghiệp không muốn đưa dây chuyền sản xuất về nước, bởi lý do chi phí sản xuất trong nước lớn hơn nhiều việc đi thuê ngoài (outsourcing).
Thí dụ ở Trung Quốc, nơi có đầy đủ ngành công nghiệp phụ trợ và một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, những gì doanh nghiệp Mỹ cần đều có tại đây. Từ nhân công giá rẻ, nguyên phụ liệu, vật liệu, phụ kiện, thiết bị cần thiết cho sản xuất/lắp ráp, đến thị trường rộng lớn để tiêu thụ sản phẩm. Điều này tạo ra một lợi thế cạnh tranh then chốt cho hầu hết doanh nghiệp - lợi thế về chi phí.
Vẫn biết có nhiều rủi ro khi làm ăn tại quốc gia tỷ dân này, như quyền sở hữu trí tuệ không được đảm bảo, nhưng so với việc chuyển sản xuất ra khỏi “công xưởng của thế giới” chi phí cơ hội cho việc này vẫn còn... khá rẻ.
Ông Trump và các cộng sự đã không tiếp cận vấn đề ở phần gốc rễ. Đó là cải thiện môi trường kinh doanh trong nước đang có chi phí sản xuất đắt đỏ. Chừng nào chưa thể thay đổi được điều này không thể lôi kéo doanh nghiệp mang công việc trở về.
Nói cụ thể, người Mỹ sẽ không sẵn sàng làm việc tối đa 12 giờ như người Trung Quốc, nhưng lại yêu cầu được trả mức lương trung bình cao hơn khoảng 6 lần so với mức 800USD/tháng lao động sản xuất ở Trung Quốc nhận được. Có nghĩa, nếu là Apple, việc chuyển sản xuất về Mỹ đã làm chi phí bị đội lên khoảng 15%, điều này khiến doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh về giá cả sản phẩm bán trên thị trường.
Hành động bảo hộ như vậy, bên được cho trực tiếp thụ hưởng chính sách này sẽ là bên trực tiếp phản đối nó. Di sản của chính quyền Trump có thể lại là bộ CSBH nửa vời không ai hoàn toàn được lợi, kể cả Mỹ.
Việt Nam cần làm gì?
Không phải ít quốc gia trên thế giới đã vi phạm đủ cả 3 tiêu chí Bộ Tài chính Mỹ đặt ra để xác định là thao túng tiền tệ. Nhưng tại sao lại chỉ Việt Nam (và Thụy Sĩ) bị đưa vào “danh sách đen” này, đặc biệt lại xảy ra vào lúc quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đang tốt dần lên?
Trong khi đó, Việt Nam có quy mô nền kinh tế rất nhỏ so với Mỹ. Chính sách tiền tệ của Việt Nam hướng đến mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô.
Đối với Việt Nam, các công cụ chính sách tiền tệ được triển khai nhằm bảo đảm dự trữ ngoại hối đạt chuẩn theo thông lệ quốc tế (tối thiểu 5 tháng nhập khẩu) để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia. Việt Nam cũng không trục lợi tỷ giá để xuất khẩu bởi trong cơ cấu xuất khẩu, xuất siêu chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Dù bị gán mác thao túng tiền tệ nhưng Việt Nam không có khả năng đe dọa lợi ích chiến lược của Mỹ. Do đó việc làm này của Bộ Tài chính Mỹ nhiều khả năng để “dằn mặt” các đối thủ thực sự của họ và Việt Nam chỉ là bên bị vạ lây, không phải mục tiêu chính.
Vì thế, chúng ta không hoang mang mà cần có cách tiếp cận khéo léo nhằm hóa giải vấn đề, đặc biệt với chính quyền mới của Mỹ từ sau ngày 20-1-2021.
Việt Nam cần bình tĩnh quan sát và có những bước tiếp cận thận trọng, khéo léo về mặt ngoại giao để tháo từng nút thắt. Căng thẳng thương mại này chỉ mang tính nhất thời hơn là chủ trương lớn của bộ máy chính trị Mỹ, và Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua. |
Đồng thời, liên tục đưa ra các bằng chứng để chứng tỏ sự trong sạch trong các chính sách điều hành của Chính phủ cũng như của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường tài chính tiền tệ, giúp chính quyền mới của Mỹ có căn cứ để xem xét và dỡ bỏ định danh này của Việt Nam trong tương lai.
Thứ hai, việc bị định danh thao túng tiền tệ diễn ra trong lúc quan hệ song phương Việt-Mỹ rất tốt. Hành động này của Mỹ phần nào mang những ẩn ý chính trị, không đơn thuần vì những lý do thương mại.
Việt Nam cần tích cực thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm tiếp cận với mối quan tâm thực sự của chính phủ Mỹ trong bối cảnh quan hệ tốt của đôi bên là nền tảng.
Ngày 20-1-2021 chính quyền của ông Biden sẽ chính thức bước vào nhiệm kỳ của mình. Việt Nam cần triển khai các chính sách ngoại giao hướng đến những mục tiêu và tác động đến những mối quan tâm của chính quyền Biden, tăng cường quan hệ song phương, tạo thêm nhiều dư địa cho quá trình đàm phán về quan hệ kinh tế của 2 nước.
Thứ ba, người lao động và giới doanh nghiệp Mỹ đã bày tỏ sự không hài lòng với cách hành xử CSBH không thực chất của ông Trump. Họ cũng kỳ vọng vào sự thay đổi diễn ra theo hướng có lợi cho mình dưới chính quyền ông Biden.
Bản thân chính quyền ông Biden cũng muốn tận dụng mạng lưới sản xuất rộng khắp của giới doanh nghiệp để củng cố các chiến lược quốc tế của mình, nên việc quan tâm đến tiếng nói của các công ty Mỹ sẽ là mục tiêu hàng đầu.
Do đó hướng tiếp cận ngoại giao của Việt Nam nên bao gồm việc “lôi kéo” doanh nghiệp Mỹ hiện có gắn kết lợi ích kinh tế tại thị trường Việt Nam cùng góp tiếng nói đến chính phủ Mỹ, tạo thêm lợi thế trên bàn đàm phán để dần dỡ bỏ định danh thao túng tiền tệ.