PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, công nghệ cao và công nghệ bán dẫn là những lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam đặt trọng tâm trong thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới. Vậy theo ông Việt Nam cần làm gì để hấp dẫn những dự án trong các lĩnh vực này hơn?
Ông HONG SUN: - Từ năm 1992, Tập đoàn Samsung đã đứng số 1 tại thị trường nội địa Hàn Quốc. Khi ấy doanh thu của Samsung có 95% từ nội địa và chỉ 5% từ xuất khẩu. Nhưng sau đó, Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee đã thay đổi chiến lược, đặt trọng tâm vào xuất khẩu ra toàn cầu.
Nhờ có cuộc cải cách này, Samsung đã trở thành một tập đoàn lớn mạnh, và là một trong những gã khổng lồ về công nghệ lớn nhất thế giới như hiện nay. Giờ đây, doanh thu của Samsung có tới 95% từ thị trường quốc tế và chưa đến 5% từ nội địa.
Câu chuyện này cho thấy, muốn phát triển cần vươn ra thế giới, hướng đến xuất khẩu. Tôi cho rằng Việt Nam cũng vậy, các DN FDI đang đầu tư vào Việt Nam vì lợi thế lao động giá rẻ, kỹ năng của người lao động, thời kỳ dân số vàng, nhưng nếu giai đoạn này qua đi, các DN FDI tìm đến những quốc gia mới như Myanmar, Bangladesh hay Ấn Độ để chuyển dịch nhà máy.
Với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Việt Nam vẫn hấp dẫn do có sự gần gũi về văn hóa, nhưng với các quốc gia khác cần có chiến lược để giữ chân nhà đầu tư. Để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao trong những lĩnh vực như chất bán dẫn, Việt Nam cần tận dụng giai đoạn này khi vừa có lợi thế về nhân công, vừa đưa ra các ưu đãi thu hút các nhà đầu tư.
Các ngành công nghệ cao họ quan tâm nhiều hơn đến ưu đãi về thuế hơn là giá lao động, bởi đặc trưng của các ngành này sử dụng ít lao động nhưng sử dụng nhiều trang thiết bị. Với mỗi dự án họ đầu tư hàng tỷ USD, nên nếu không có ưu đãi đặc biệt rất ít doanh nghiệp lựa chọn đầu tư.
- Về vấn đề lãi suất và tiếp cận tín dụng hiện nay của các DN Hàn Quốc thì sao, thưa ông?
- Lãi suất và tín dụng là một trong những điều kiện không thể tách rời của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. So với các nước phát triển như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, lãi suất liên ngân hàng (NH) của Việt Nam luôn cao hơn. Tuy nhiên, nhiều DN Hàn Quốc vẫn đang sử dụng vốn tín dụng ở Việt Nam.
Về tiếp cận tín dụng ở Việt Nam, chúng tôi thấy ngày càng gần gũi, hiệu quả hơn. Hiện nay, nhiều NH lớn đã thành lập “Korea Desk” - khu vực riêng để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ NH chuyên biệt và hỗ trợ tư vấn cho khách hàng DN Hàn Quốc. Trước đây, phần lớn DN Hàn Quốc ở Việt Nam chỉ sử dụng dịch vụ tại NH Hàn Quốc, hiện nay họ đã sử dụng và quan tâm hợp tác với nhiều NH Việt Nam. Tôi cho rằng, các NH Việt Nam cần nghiên cứu để hiểu thêm về văn hóa và tập quán tài chính của Hàn Quốc, để tăng hơn nữa khách hàng DN Hàn Quốc tại Việt Nam.
- Được biết trước đó, đại diện cho KOCHAM đã từng kiến nghị NHNN xem xét việc nâng trần lãi suất tiền gửi đối với đồng USD. Cụ thể như thế nào?
- Hiện nay Chính phủ Việt Nam chưa có Nghị định quy định cụ thể về ưu đãi dành cho các DN. Chúng tôi cho rằng Việt Nam nên học hỏi các chính sách ưu đãi của các quốc gia như Mỹ hay Hàn Quốc trong thu hút đầu tư chất lượng cao, không chỉ là thuế thu nhập DN, mà còn là các biện pháp hỗ trợ bằng tiền mặt trong các lĩnh vực bán dẫn hay công nghệ cao.
Đây là một trong những điều kiện cần thiết để hấp dẫn nhà đầu tư. Quy mô của một dự án ngành bán dẫn không chỉ là một vài tỷ USD, mà còn lên tới hàng chục tỷ USD.
Gần đây Samsung đang mở rộng một nhà máy chất bán dẫn tại Mỹ, với số vốn dự kiến ban đầu chưa đến 20 tỷ USD, nhưng do lạm phát tổng mức đầu tư của dự án này đã đạt trên 20 tỷ USD. Ở Việt Nam chưa có DN nào từng đầu tư dự án lớn tới vậy, nên với các nhà đầu tư nước ngoài rủi ro khi đầu tư cũng rất lớn. Do đó, nếu chưa có sự đảm bảo về khuôn khổ pháp lý, ưu đãi, hỗ trợ chắc chắn cho các DN, rất khó để họ đưa ra các quyết định đầu tư.
Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng bên cạnh việc tiếp tục cải cách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, Chính phủ Việt Nam cũng có những chính sách thu hút trợ lực tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Chúng tôi đề nghị bãi bỏ quy định về lãi tiền gửi USD (lãi suất tối đa 0%) đối với các DN đang gửi USD hoặc đầu tư trực tiếp (FDI) từ tiền gửi USD ở một quy mô nhất định, nhưng vẫn tuân thủ nền tảng và mục đích của các quy định liên quan.
Hiện nay, quy định lãi suất huy động USD của NHNN có hiệu lực từ tháng 12-2015 với mức 0%, các công ty hoạt động tại Việt Nam liên tục chịu chi phí cơ hội liên quan đến tiền gửi USD. Trong khi đó, các công ty sản xuất của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam thường nhập khẩu nguyên liệu thô từ bên ngoài Việt Nam, và sau đó xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài.
Do đó việc giữ một mức ký quỹ nhất định bằng USD là điều cần thiết. Trong khi đó, những năm gần đây, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cao (ở mức 0,25 đến 4,5% vào năm 2022 và các đợt tăng tiếp theo vào năm 2023) trong một khoảng thời gian dài, như vậy đã khiến chi phí cơ hội của tiền gửi USD đối với các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang tăng nhanh, trở thành gánh nặng cho hoạt động kinh doanh.
Thực tế, hầu hết các quốc gia vẫn quy định lãi suất tiền gửi đối với USD, nhưng tại Việt Nam lãi suất đối với USD là 0%. Chúng tôi thường giao dịch bằng tiền USD, tiền USD nhàn rỗi gửi NH ở Việt Nam không được hưởng lãi suất.
- Xin cảm ơn ông.
Hy vọng NHNN sẽ cân nhắc về lãi suất USD để có thể tận dụng được nguồn tiền USD các nhà đầu tư Hàn Quốc, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài nói chung đang gửi tại các NH Việt Nam, qua đó cũng giúp giảm bớt áp lực cho DN FDI.