Lãi suất USD 0% có còn hợp lý?

(ĐTTCO) - Trong 2 tuần gần đây tôi nhận được nhiều câu hỏi về lãi suất USD ở mức 0% trong nhiều năm qua. Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên tôi được hỏi như vậy, mà vì chuyện này đang được NHNN “mổ xẻ”.


Lãi suất USD 0% có còn hợp lý?

Mỗi nước mỗi khác

Ngày 17-7, tại Hà Nội, NHNN đã tổ chức họp với các chuyên gia kinh tế để trao đổi về chính sách ngoại tệ và lãi suất tiền gửi bằng USD dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà. Tại cuộc họp này, các chuyên gia đánh giá cao NHNN về các biện pháp chống đô la hóa cũng như chính sách lãi suất USD ở mức 0% đã và đang phát huy hiệu quả; qua đó góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, giảm tỷ lệ đô la hóa, tăng dự trữ ngoại hối và tác động đến luồng kiều hối cũng như dòng vốn FII và FDI.

Như vậy, bản thân chính sách giữ lãi suất USD 0% được xem là một cấu phần trong bộ công cụ chống đô la hóa nền kinh tế. Thế nhưng, liệu rằng chính sách của NHNN đang hợp lý, và liệu các nước khác có làm như vậy để tránh đô la hóa không? Đi ngược lại thời gian, trước khi áp dụng mức lãi suất 0% vào năm 2015, lãi suất USD trung bình khoảng 2%/năm. Thậm chí, năm 2011, trần lãi suất tiền gửi USD đối với cá nhân và tổ chức lên đến 3%/năm. Thực tế này cho thấy các nhà băng trên thế giới có cho phép tiền gởi USD trên 0%.

tuan.jpg

Lấy dẫn chứng từ nước Anh, hiện hầu hết các NH lớn đều có các dạng tài khoản tiết kiệm bằng ngoại tệ, nhưng lãi suất không giống với lãi suất ở các nước phát hành đồng ngoại tệ đó.

Ví dụ lãi suất tiền gửi USD hiện tại ở một số NH đang ở mức từ 0,5-4,5%, tùy theo loại sản phẩm và NH, và thường thông qua con đường các tài khoản NH hải ngoại (offshore account).

Thủ tục không quá phức tạp, nhưng cũng không hề đơn giản như một tài khoản tiết kiệm thông thường. Theo đó, các tài khoản này thường được “đẩy” qua chi nhánh quốc tế của tập đoàn ở những vùng đất hải ngoại như Gibraltar hoặc những nơi không còn thuộc Vương quốc Anh nữa như Guernsey.

Khi trị “bệnh” đô la hóa không nên nâng tầm công dụng quá mức, để rồi “phác đồ” nào sau này cũng không dám loại bỏ, ngay cả khi phát hiện nó có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Thực tế, Việt Nam ở mốc thời gian trước 2015, và ở nhiều nước trên thế giới, có tài khoản USD hay ngoại tệ khác, và tiền gửi trong tài khoản USD nhận lãi suất trên 0% là hết sức bình thường. Với chủ trương chống đô la hóa nền kinh tế, trong đó có việc giảm nhu cầu găm giữ ngoại tệ của người dân, lẫn giảm tỷ lệ tài sản bằng USD trong NH thì rõ ràng NHNN có động lực để đảm bảo rằng nắm giữ VNĐ có lợi hơn USD.

Đây là một phương châm điều hành nhiều năm qua. Nếu nhìn vào chống đô la hóa nền kinh tế, thì NHNN đã thành công giảm tình trạng đô la hóa. Chẳng hạn như hạn chế niêm yết giao dịch bằng USD, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán. Hơn hết, chính sách lãi suất USD 0% đã hạn chế đáng kể việc người dân giữ USD quá nhiều.

Một trong những thước đo tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế là tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức trên 11% năm 2014 xuống khoảng 6,05% tính đến tháng 6-2024 và tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng có xu hướng giảm.

Theo thông tin được đăng tải trên website NHNN, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhận định: “Việc áp dụng chính sách lãi suất USD 0% là một trong các giải pháp đồng bộ mà NHNN triển khai để ổn định thị trường ngoại hối, neo kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế VNĐ. Nhờ chính sách này, tỷ giá và thị trường ngoại hối duy trì được sự ổn định”.

Cũng không nên “thần thánh” hoá công cụ lãi suất

Rõ ràng, quan điểm của NHNN xem “câu chuyện” này là một cấu phần thiết yếu của chính sách chống đô la hóa nền kinh tế và góp phần ổn định tỷ giá. Về mặt lý luận, giữ lãi suất tiền gửi đồng USD thấp khiến người “găm giữ” USD chịu một chi phí đầu cơ là lãi suất bằng 0 trong khi lãi suất VNĐ cao chắc chắn có vai trò trong việc chống đô la hóa.

Tuy nhiên, có cần duy trì ở mức 0% hay không hay giao cho thị trường tự quyết một phần với một trần lãi suất USD như trước đây có thể là một cách tiếp cận cần thảo luận kỹ hơn và có những phản biện ở cả hai chiều.

Đầu tiên, lãi suất USD không phải là công cụ duy nhất ảnh hưởng tới nhu cầu gửi tiết kiệm USD. Những thủ tục liên quan, cũng như sự suy giảm của quan hệ tín dụng bằng USD trong NH cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu mở tài khoản bằng USD khó khăn, đồng thời tỷ trọng doanh nghiệp không vay USD nhiều, thì NH huy động USD với lãi suất cao làm gì?

Thứ hai, NHNN hiện đang giám sát chặt chẽ rủi ro hệ thống, cộng với các quy định về tài khoản tiết kiệm bằng USD và vẫn duy trì một cái “van” đóng mở ở thông qua trần lãi suất USD. Từ đó có thể nhận định NHNN đã không còn quá lo về chuyện đô la hóa quay trở lại. Vì vậy, giữ lãi suất USD ở mức cứng 0% có thể không còn là công cụ quan trọng trong chính sách chống đô la hóa nữa.

Tôi đồng quan điểm với nhiều chuyên gia rằng thay đổi chính sách lãi suất USD trong điều kiện hiện tại có thể là chưa thật cần thiết, đặc biệt có thể tạo ra nhiều đồn đoán không hay. Thị trường vốn dĩ không chỉ hoạt động dựa trên thông tin đúng, mà có khi còn dựa vào tin đồn và những thuyết âm mưu.

Đây là điều mà nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra những năm gần đây, đặc biệt là trong thời đại tin giả và tin đồn lan rộng trên mạng xã hội. Vì vậy, trong bối cảnh lúc này, thay đổi chính sách về lãi suất USD 0% có thể là không mang lại nhiều lợi ích, nhưng có rủi ro bất ổn nhất định.

Tuy nhiên, về dài hạn, đặc biệt là về mặt cách tiếp cận chính sách về bộ công cụ chống đô la hóa, không nên “thần thánh” hóa công cụ lãi suất USD 0%, và gán cho nó sứ mệnh quá lớn, theo kiểu không có thì sẽ bất ổn hay USD hóa quay lại. Nói cách khác, chúng ta cần nghiêm túc đặt câu hỏi: Nếu thay đổi thì khi nào là phù hợp?

Để trả lời được câu hỏi này, cần có những hội thảo và thảo luận chính sách rõ ràng để “mổ xẻ” vấn đề từ mặt lý luận cho đến các vấn đề thực tiễn, để mở đường cho những trường hợp cần thay đổi lãi suất tiền gửi USD sau này.

Nói nôm na, không có “bài thuốc” nào là không có tác dụng phụ cả. Nghĩa là khi trị “bệnh” đô la hóa không nên nâng tầm một loại thuốc quá công dụng thực tế của nó, để rồi “phác đồ” nào sau này cũng không dám loại bỏ, ngay cả khi phát hiện nó có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Các tin khác