Đã đến thời điểm phải 'quay xe' với lãi suất USD 0%?

(ĐTTCO) - Để hiểu rõ về chủ trương duy trì mức lãi suất tiền gửi USD 0%, báo ĐTTC có cuộc trao đổi với GS. Trần Thọ Đạt, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Đã đến thời điểm phải 'quay xe' với lãi suất USD 0%?

PHÓNG VIÊN: - Có ý kiến cho rằng nên tiếp tục duy trì lãi suất 0% đối với tiền gửi tiết kiệm bằng USD, nhưng cũng có ý kiến ngược lại để huy động nguồn lực USD từ người dân và doanh nghiệp cho phát triển kinh tế thì lãi suất tiền gửi USD nên điều chỉnh. Quan điểm của GS. thế nào?

GS. TRẦN THỌ ĐẠT: - Trước hết, cần nhìn lại bối cảnh ra đời của việc áp dụng quy định trần lãi suất tiền gửi USD 0%/năm đối với tổ chức và cá nhân. Trước khi có quy định này, ở thời điểm từ năm 2010, để ứng phó với VNĐ chịu sức ép phá giá lớn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quy định trần lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức là 1%/năm, nhằm giảm việc găm giữ USD.

Tiếp đến từ năm 2011, NHNN đã giảm 5 lần trần lãi suất tiền gửi USD phù hợp với diễn biến giảm lãi suất VNĐ, và đến tháng 10-2014 trần lãi suất tiền gửi USD đối với tổ chức chỉ còn 0,25% và cá nhân là 0,75%/năm.

TRAN-THO.-A.jpg

Tháng 8-2015, khi Trung Quốc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, đồng thời lúc đó có kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất, tình trạng găm giữ ngoại tệ quay trở lại, tỷ giá USD/VNĐ tăng sát trần. Nếu không có giải pháp mạnh khó ổn định được thị trường ngoại tệ. Trong bối cảnh đó, để hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, NHNN đã áp dụng quy định trần lãi suất tiền gửi USD 0%/năm từ năm 2015.

Chính sách lãi suất USD 0% là một trong các giải pháp đồng bộ mà NHNN đã triển khai để ổn định thị trường ngoại hối. Chính sách này là trụ cột chính của chủ trương chống đô la hóa, hỗ trợ tích cực cho ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và kinh tế vĩ mô, cùng với các giải pháp khác đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế VNĐ.

Nhờ đó, tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế đã giảm mạnh, nguồn lực USD trong dân được chuyển thành nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, thị trường ngoại tệ được quản lý hiệu lực và hiệu quả hơn, thực hiện chuyển điều hành tỷ giá trung tâm cho phép tỷ giá biến động linh hoạt, hấp thụ tốt hơn các cú sốc và phản ánh tốt hơn quan hệ cung-cầu thị trường.

Trong thời gian đại dịch và biến động địa chính trị vừa qua, kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường ngoại tệ Việt Nam khá ổn định, VNĐ mất giá ít hơn so với nhiều đồng tiền khác. Do vậy tôi cho rằng hiện tại chưa có dấu hiệu nào “căng” đến mức để chúng ta phải “quay xe” trong việc áp dụng quy định trần lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, và “lùi thời gian trong quá trình chống đô la hóa”.

- Vậy giả sử nếu như đẩy lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng USD lên một mức khuyến khích nhất định, theo GS. có những tác động gì?

- Tuy chính sách lãi suất USD 0% đã đạt được kết quả quan trọng trong việc ổn định thị trường ngoại hối, neo kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế VNĐ, nhưng hiện tại nền kinh tế đang tiếp tục đối mặt với triển vọng tăng trưởng khá bất định của kinh tế thế giới, nhiều yếu tố vẫn đang tác động gây áp lực đến thị trường ngoại tệ và tỷ giá.

Hiện tại chưa có dấu hiệu nào “căng” đến mức để chúng ta phải “quay xe” trong việc áp dụng quy định trần lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, và “lùi thời gian trong quá trình chống đô la hóa”.

Trong bối cảnh Fed vẫn duy trì lãi suất ở mức cao, chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn liên tục duy trì âm, nhu cầu nắm giữ USD để hưởng chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền, nhu cầu chuyển ngoại tệ trong tương lai về hiện tại vẫn cao, khiến cân đối cung-cầu ngoại tệ vẫn đang gặp nhiều thách thức.

Tóm lại áp lực lên tỷ giá vẫn đang cao và tiềm ẩn tác động đến các luồng vốn vào Việt Nam, nhất là luồng vốn FII (vốn đầu tư gián tiếp). Để tháo gỡ phần nào áp lực này, NHNN đã phát hành tín phiếu nhằm điều tiết lượng tiền VNĐ dư thừa, đồng thời bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Trong bối cảnh còn đang nhiều thách thức này, nếu “đảo chiều” chính sách lãi suất USD 0% hoặc “lùi thời gian chống đô la hóa”, nhiều khả năng sẽ kích hoạt động cơ găm giữ ngoại tệ đối với người dân và doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến tâm lý tái khởi động một kênh đầu tư “đã nguội” trong bối cảnh dòng tiền đang “trực chờ” các kênh sinh lời.

Việc này sẽ gây thêm áp lực lên cung-cầu ngoại tệ, tiềm ẩn tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát và các luồng vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời cũng tác động tới việc ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá và tác động ngược trở lại đến lãi suất VNĐ. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trong việc chống đô la hóa nền kinh tế, cần xem mục tiêu này là quá trình lâu dài và kiên định trong chính sách thực hiện.

-Nhưng giữ nguyên chính sách lãi suất USD 0% cần phải có thêm những giải pháp gì để hỗ trợ, thưa GS.?

- Để chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% là trụ cột chính của chủ trương chống đô la hóa, như trên đã nói cần kiên định trong lộ trình thực hiện. Và nhất quán coi chính sách này là công cụ hỗ trợ tích cực cho ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và kinh tế vĩ mô. Đồng thời cần thực thi tổng thể các chính sách giảm sự "hấp dẫn" của việc nắm giữ đồng USD qua ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, từ đó nâng cao vị thế của VNĐ.

Phương châm duy trì nắm giữ VNĐ có lợi hơn USD cần được kiên định thực hiện lâu dài, xuyên suốt trong điều hành lãi suất và tỷ giá. Và cần nhất quán thực hiện chuyển quan hệ huy động-cho vay sang mua-bán ngoại tệ.

Đồng thời, có các biện pháp cụ thể tăng cường khung pháp lý về quản lý ngoại hối theo hướng hạn chế sử dụng ngoại tệ trong lãnh thổ, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ; hạn chế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai, chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại.

Bên cạnh đó là kiểm soát chặt chẽ hơn hiện tượng “lách” trần lãi suất tiền gửi USD thông qua tăng cường thanh tra, giám sát, tăng cường kỷ luật thị trường, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng…

- Xin cảm ơn GS.

Các tin khác