Chủ tịch nước gặp gỡ chuyên gia KT-XH

Chiều 5-2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp gỡ nhân dịp đầu năm mới cùng các chuyên gia kinh tế, xã hội.

Chiều 5-2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp gỡ nhân dịp đầu năm mới cùng các chuyên gia kinh tế, xã hội. 

Tại buổi gặp gỡ TS. Trần Du Lịch nhận định: "Tình hình kinh tế đất nước đã nhẹ đi rất nhiều. Những thách thức kinh tế vĩ mô năm 2012 cơ bản đã được cải thiện.

Nhưng năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015 mà trọng tâm trong giai đoạn này là tái cấu trúc nền kinh tế, do đó cần những biện pháp, giải pháp dài hạn thay vì lâu nay chúng ta luôn phải ứng phó mà không có giải pháp căn cơ để giải quyết gốc vấn đề, trong đó, giải pháp hàng đầu là tái cơ cấu nền kinh tế".

Vị chuyên gia này cũng đồng tình với quan điểm của Chủ tịch nước rằng trước những bất cập về quản trị kinh tế, chúng ta chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và nếu chỉ cố gắng như những năm vừa qua thì không thể đủ nữa, mà phải đổi mới quyết liệt để theo kịp bước tiến thời đại, phải tiến hành những giải pháp đồng bộ trong mọi lĩnh vực.

Đồng thời với việc tái cơ cấu nền kinh tế, thì tuy phải chấp nhận tăng trưởng GDP thấp nhưng vẫn phải giữ khoảng 5%/năm, phấn đấu dần đưa tốc độ tăng trưởng lên 7-8%/năm và ổn định kinh tế vi mô. Vì nếu để GDP thấp hơn nữa thì nguy hiểm, thất nghiệp sẽ cao...

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay: "Để vực nền kinh tế lên, thì hiện nay, chúng ta đang triển khai thực thi một loạt giải pháp với tinh thần là phải chấp nhận hy sinh nếu có những tác động ngược chiều. Nhưng bù lại chúng ta có được thành quả rất lớn, đó là có thể tạo ra một nền kinh tế ổn định bền vững hơn".

Trong các bài viết và trả lời báo chí thời gian gần đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng khẳng định: "Chúng ta phấn đấu để trong một tương lai gần, năm 2020, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có trình độ phát triển trung bình; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn, nhanh hơn, vững chắc hơn trong các giai đoạn sau".

Trước đó, vào ngày 25-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng có cuộc gặp tương tự với các chuyên gia, tư vấn về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1-2013 và các giải pháp, chính sách thực hiện mục tiêu năm 2013.

Tại cuộc gặp này, Thủ tướng có nhấn mạnh những vấn đề nổi lên cần sớm phải được giải quyết như việc cụ thể hóa các chính sách còn chậm, tổ chức thực hiện và phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương chưa tốt, giá cả tăng cao, tăng trưởng tín dụng chậm, số doanh nghiệp phá sản lớn...

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng những mục tiêu, giải pháp chủ yếu mà Chính phủ đưa ra thể hiện quyết tâm chính trị để nỗ lực phấn đấu đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Theo Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung, các Nghị quyết cũng như các giải pháp điều hành của Chính phủ đều đã rất rõ ràng, nhưng bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước có bước chuyển biến tích cực hay không, còn phải phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp thực hiện của các bộ ngành.

Chẳng hạn, với Nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã được ban hành kịp thời với những giải pháp hợp lý, tương đối đồng bộ, đúng địa chỉ.

Nghị quyết này cũng vẫn nhấn mạnh giải pháp ưu tiên phân bổ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp xuất khẩu cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn... Đây là những lĩnh vực nền tảng, tạo công ăn việc làm cho đông đảo lao động. Thực hiện giải pháp này còn giải quyết nhiều vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, xét trên thực tế thời gian qua, chúng ta cũng vẫn nói là ưu tiên phân bổ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng doanh nghiệp vẫn phản ánh là chưa tiếp cận được những gói tín dụng ưu tiên này.

Như vậy, cách thực hiện của chúng ta chưa thực sự hợp lý, ngân hàng và doanh nghiệp chưa "tin nhau", chưa có tiếng nói chung. Nếu điều này không được cải thiện, thì dù Nghị quyết có hay đến mấy, cũng khó đi vào cuộc sống.

Các tin khác