Chưa yên tin nhắn rác

(ĐTTCO)-Gần Tết Nguyên đán, tin nhắn rác lại dồn dập “đổ” vào số di động của người dân, đủ nội dung trong tin nhắn rác, từ chào bán bất động sản, cho vay vốn, đến xả hàng tồn kho, rồi các chương trình ca nhạc, hài...

(ĐTTCO)-Gần Tết Nguyên đán, tin nhắn rác lại dồn dập “đổ” vào số di động của người dân, đủ nội dung trong tin nhắn rác, từ chào bán bất động sản, cho vay vốn, đến xả hàng tồn kho, rồi các chương trình ca nhạc, hài...

 

Nếu như nửa đầu năm 2015, tình trạng tin nhắn rác, lừa đảo tạm lắng, thì nửa cuối năm và nhất là dịp gần Tết Nguyên đán này, tất cả lại bùng phát. Một thuê bao di động, hàng ngày phải nhận cả chục tin nhắn rác.

Bộ TT-TT thừa nhận, việc quản lý thuê bao di động trả trước còn nhiều khó khăn, tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn còn nhiều, gây bức xúc cho nhân dân. Hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng các công ty cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động có thu cước nhưng không thông báo đầy đủ cho người tiêu dùng. Đó không còn là tin nhắn rác nữa mà là “giăng bẫy” và “lừa đảo” khách hàng.

Liên quan đến hoạt động chống tin nhắn rác và thư rác, thông qua hệ thống tiếp nhận thông tin báo tin nhắn rác trên đầu số 456, trong năm 2015, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã tiếp nhận hơn 600.000 phản ánh về tin nhắn rác, góp phần giúp VNCERT đánh giá thực trạng tin nhắn rác Việt Nam, phối hợp với các cơ quan tổ chức xử lý, ngăn chặn tin nhắn rác và kịp thời phát hiện các loại hình tin nhắn rác mới.

VNCERT đã điều phối xử lý hơn 500 trường hợp phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Đồng thời, VNCERT đã tham gia vào công tác thanh, kiểm tra 3 doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, MobiFone, VinaPhone) về hoạt động phòng chống, ngăn chặn tin nhắn rác và cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng di động, từ đó phát hiện các sai phạm lớn của các doanh nghiệp này trong việc cung cấp các dịch vụ gây thiệt hại cho người sử dụng như: phần mềm tích hợp trên sim, nhắn tin phản cảm, tự động kích hoạt sử dụng dịch vụ…

Bộ TT-TT cho biết, năm 2015 các doanh nghiệp viễn thông đã chặn được gần 1 triệu thuê bao phát tán tin nhắn rác, tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với 361 đầu số, cắt dịch vụ đối với 52 đầu số. Thế nhưng, chừng đó chưa đủ, bởi tin nhắn rác, lừa đảo vẫn đang tiếp tục hoành hành, khiến người tiêu dùng vô cùng bức xúc.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của Bộ TT-TT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đối với việc quảng cáo qua dịch vụ nhắn tin, hay là tình trạng tin nhắn rác chính là hai mặt của một vấn đề. Một mặt là yêu cầu đầu tư kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp, một mặt là quyền lợi của người tiêu dùng. Trong những năm qua, do nhu cầu phát triển thị trường, thuê bao di động trả trước đã phát triển nhanh. Một người sở hữu tới 4 - 5 thuê bao di động, nhờ đó mà số lượng thuê bao điện thoại của Việt Nam tăng tốc rất nhanh. Nhưng đã đến lúc cần phải đặt nặng hơn quyền lợi riêng tư của người dân, phải dần dần chuyển theo hướng bảo vệ quyền của khách hàng sử dụng dịch vụ. Vấn nạn xử lý sim rác, sim trả trước không thể đòi hỏi đến giờ G nào đó là phải xử lý xong, mà cần thực hiện có lộ trình. Nhưng theo Phó Thủ tướng, đã đến lúc cần phải siết chặt quản lý sim trả trước hơn. Bởi không quản lý chặt chẽ được sim trả trước thì vấn nạn tin nhắn rác, lừa đảo khó mà dẹp yên. Giải quyết vấn đề này, ngoài cơ quan quản lý nhà nước thì trách nhiệm, vai trò, ý thức của doanh nghiệp là rất quan trọng.
Ai cũng biết, nếu tất cả các doanh nghiệp viễn thông, nhất là các nhà mạng di động siết chặt quản lý sim trả trước, quản lý chặt chẽ các đối tác cung cấp dịch vụ nội dung thì chắc chắn tình trạng tin nhắn rác, lừa đảo sẽ thuyên giảm. Làm vậy là vì quyền lợi khách hàng của mình và người tiêu dùng mới tin tưởng, yên tâm sử dụng dịch vụ. Thế nhưng có vẻ như các doanh nghiệp viễn thông, các nhà mạng di động vẫn chưa làm hết sức, kiểm soát được việc này. Doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm 2015 của Việt Nam ước đạt 340.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 56.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 46.880 tỷ đồng.

Những con số cực kỳ lớn và hầu hết đều do người tiêu dùng Việt Nam “đóng góp” mà thành. Thế nhưng, có lẽ chỉ vì phát triển thêm những sim số mới, ăn chia phần trăm với các đối tác cung cấp nội dung mà các nhà mạng vẫn chưa đứng về phía người tiêu dùng đang sử dụng dịch vụ của mình, đóng góp doanh thu, lợi nhuận. Các doanh nghiệp lúc nào cũng tung hô: khách hàng là trên hết, luôn lắng nghe khách hàng, vì quyền lợi khách hàng... nhưng trong vấn đề này thì quyền lợi khách hàng đang ở đâu?

Các tin khác