Ngày 9/1, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp báo quý 4 năm 2022. Nhiều vấn đề đã được Bộ Tài chính giải đáp với báo giới như điều hành giá xăng dầu, gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai chậm; quỹ vaccine phòng COVID-19.
Liên quan đến quan điểm của bộ về việc Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính làm đầu mối quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi sửa đổi Nghị định.
Quan điểm của Bộ Tài chính là Bộ Công Thương điều hành đã khá tốt thị trường xăng dầu trong năm 2022. Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động nhưng việc điều hành giá đã bám sát diễn biến thị trường, nhịp nhàng, hỗ trợ cho đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Thứ trưởng nhấn mạnh Bộ Tài chính sẽ phối hợp tốt với Bộ Công Thương trong việc điều hành giá xăng dầu. Bộ Tài chính chấp hành các phân công của Chính phủ và cho dù giao quản lý, điều hành xăng dầu cho cơ quan nào, bộ nào thì cũng phải tốt lên.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chính phủ sẽ cân nhắc cơ quan nào sát nhất với chức năng nhiệm vụ, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho quá trình điều hành xăng dầu thời gian tới thì sẽ giao.
Việc quản lý, điều hành xăng dầu thời gian qua, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính cơ quan cùng tham gia, Bộ đã chủ động, trách nhiệm để tham gia việc điều hành giá có hiệu quả.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV diễn ra hồi tháng 10/2022, tham gia làm rõ một số vấn đề về điều hành thị trường xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bộ sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối là Bộ Công Thương.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa được các doanh nghiệp mặn mà; quan ngại việc bị thanh tra, kiểm toán.
Ông Nguyễn Hoàng Dương cũng chỉ ra, qua quá trình tổng hợp, nguyên nhân tiếp theo doanh nghiệp chưa mặn mà gói hỗ trợ là do điều kiện để được hỗ trợ là phải có khả năng phục hồi. Bộ Tài chính đang khẩn trương tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn của gói hỗ trợ này.
Hiện các quy định liên quan như việc thanh toán trước 85% tiền hỗ trợ lãi suất cho những ngân hàng đang triển khai gói 2%, phía Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhanh chóng để khi ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước có hồ sơ đề nghị, Bộ Tài chính xúc tiến làm sớm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết tiến độ của gói hỗ trợ lãi suất 2% đang rất chậm, vì thế Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi những vướng mắc.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất trên mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng.
Liên quan đến Quỹ vaccine phòng COVID-19, bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, để tiếp nhận nguồn đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Quỹ đã mở tài khoản tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và bảy Ngân hàng thương mại cổ phần gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Quân đội.
Tính đến 17h ngày 29/12/2022, tổng số Quỹ huy động 10.621,8 tỷ đồng, bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 109,5 tỷ đồng. Chi từ Quỹ 7.672,2 tỷ đồng; trong đó chỉ mua và sử dụng vaccine 7.667,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 4,6 tỷ đồng. Số dư Quỹ cuối ngày 2.949,6 tỷ đồng, đã có 691.012 lượt tổ chức cá nhân ủng hộ vào Quỹ.
Thời gian tới Quỹ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 02/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam.