Khó thu hút đầu tư tư nhân?
Theo kế hoạch trình Quốc hội năm 2017, trong 11 dự án thành phần đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, có 8 dự án triển khai theo hình thức PPP, 3 dự án còn lại dùng vốn ngân sách.
Lý giải việc 8 dự án kêu gọi đầu tư theo PPP, tại Tờ trình số 487/TTr-CP của Chính phủ ngày 21-10-2017, gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT), cho biết lợi thế của việc đầu tư theo hình thức PPP là huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực vốn nhà nước; tận dụng được thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ khối tư nhân; phân chia rủi ro hợp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong quá trình đầu tư và khai thác dự án.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng đánh giá, để triển khai thành công các dự án PPP, không thể quyết định từ phía cơ quan nhà nước, mà phụ thuộc rất nhiều vào thị trường (mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, lợi nhuận các lĩnh vực khác, khả năng cung ứng nguồn tín dụng dài hạn, mức độ ổn định chính sách của quốc gia, sự đồng thuận của nhân dân...).
Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và đường vành đai 3 TPHCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, nhưng không thành công.
Trung tuần tháng 3-2020, Bộ GTVT cho biết kết quả đấu thầu sơ tuyển đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư nào vượt qua. 3 liên danh nhà đầu tư trong nước nộp hồ sơ dự sơ tuyển đều không thỏa mãn các tiêu chí theo yêu cầu về tính hợp lệ của hồ sơ dự sơ tuyển, về năng lực và kinh nghiệm.
Trước đó, từ ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần cho các nhà đầu tư (15-5-2019), tính đến ngày 15-7-2019, có 60 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Trong đó, số lượng nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc chiếm một nửa.
Sau khi đánh giá các yếu tố, ngày 14-9-2019, Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Làm rõ vì sao không kêu gọi được tư nhân tham gia?
Làm rõ vì sao không kêu gọi được tư nhân tham gia?
Việc chuyển hình thức đầu tư công dù khách quan hay chủ quan đều ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thu hút nguồn lực xã hội xây dựng cơ sở hạ tầng. Tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong tham mưu, đề xuất dự án. Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) |
Tại tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gửi Quốc hội ngày 8-6, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công 3 dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Lý do chuyển 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công do mục tiêu đấu thầu quốc tế để huy động vốn nước ngoài đã không thực hiện được; pháp luật về PPP chưa hoàn thiện (chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro) nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng; tác động nhiều mặt của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hạn mức cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng.
Việc chuyển đổi hình thức từ PPP sang đầu tư công sẽ giải quyết triệt để khó khăn về huy động vốn tín dụng, bảo đảm tiến độ hoàn thành theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội. Đồng thời giải quyết được “mục tiêu kép”: đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng GDP; đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng kinh tế.
Việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ thành công, tổng mức đầu tư giảm do không tính chi phí lãi vay; và nếu phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn hiện nay để triển khai sẽ hiệu quả hơn, do mức lãi suất thấp hơn so với lãi suất huy động vốn tín dụng.
Ủng hộ Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án, song Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cho rằng tờ trình của Chính phủ chưa thực sự thuyết phục. Chẳng hạn, việc Chính phủ cho rằng qua sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, cho thấy tuy có năng lực thi công tốt nhưng tiềm lực về tài chính không phải là thế mạnh.
Hay việc Chính phủ nhận định chuyển đổi hình thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, trong khi thực tế triển khai các công trình lớn cho thấy các dự án do tư nhân thực hiện tiến độ nhanh hơn rất nhiều so với dự án do Nhà nước đầu tư. Dẫn chứng dễ thấy là dự án sân bay Vân Đồn và sân bay Long Thành.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cũng bày tỏ băn khoăn, bởi kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật PPP với nhiều cơ chế mới, như bảo đảm cân đối ngoại tệ và chia sẻ rủi ro do sự thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thu hút đầu tư từ xã hội. Nhưng nay lại chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công liệu mục tiêu của luật có đạt được.
Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây có lưu lượng xe rất lớn, giá trị thương mại tốt nếu để đầu tư theo hình thức PPP. Trường hợp đầu tư bằng vốn đầu tư công, đây là 2 đoạn có số vốn đầu tư lớn nhất và chuyển sang vốn đầu tư công sẽ đi ngược với chủ trương và tinh thần của Luật PPP.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm, cho rằng dù 5/8 dự án còn lại tiếp tục triển khai đầu tư theo hình thức PPP, nhưng theo báo cáo của Chính phủ không có gì bảo đảm sẽ lựa chọn được nhà đầu tư. Vấn đề ở đây phải xem xét lại vì sao không thực hiện được kêu gọi đầu tư. Việc chuyển đổi là bất đắc dĩ, không nên tạo thành tiền lệ và tạo thành nếp nghĩ khó khăn là dùng ngân sách mới bảo đảm khả năng thành công.