Giá vàng thế giới hôm 27/7 chính thức phá vỡ mốc lịch sử 1.920 USD được thiết lập cách đây 9 năm. Trong nước, vàng miếng SJC cũng tăng hơn 30% chỉ trong 7 tháng đầu năm và vượt mốc 58 triệu đồng một lượng vào sáng 28/7. Đây là đỉnh cao của giá vàng SJC trong mọi thời đại.
Chứng kiến sự đi lên như "vũ bão" của vàng, nhiều nhà đầu tư băn khoăn liệu có nên mua vào lúc này khi giá liên tiếp lập đỉnh lịch sử hay không.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, với nhà đầu tư có vốn lớn và am hiểu thị trường, đây là cơ hội tốt để lướt sóng. Nhà đầu tư giao dịch từ vài chục đến trăm cây vàng có thể mua bán giá thoả thuận với cửa hàng (biên độ chênh lệch mua bán thấp hơn so với giá niêm yết).
Ông Hải nhận định, dù giá vàng sắp tới đan xen nhiều nhịp giảm nhưng sẽ tiếp tục đi lên tới đầu tháng 11 (trước khi có kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ). Theo đó, nhà đầu tư am hiểu có thể tận dụng thời điểm giá điều chỉnh do một số người chốt lời, để gia nhập thị trường.
Còn với nhà đầu tư nhỏ lẻ và không chuyên, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam nói: "Nếu mua lướt sóng, khả năng có lời là cực thấp". Hiện nay, chênh lệch giá mua bán trong nước khá cao - hơn 1 triệu đồng, nên sẽ rất rủi ro khi mua vào.
Tuy nhiên, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng vẫn còn cơ hội cho những người muốn đầu tư trung, dài hạn.
Ngoại trừ Mỹ, các nền kinh tế lớn thế giới đã có dấu hiệu đi xuống từ 3 năm trước. Kinh tế Trung Quốc có mức độ tăng trưởng giảm dần đều hơn chục năm trở lại đây, Đức và nhiều nước EU cũng tương tự... Theo đó, Ngân hàng Thuỵ Sỹ để lãi suất âm từ cuối 2015, Ngân hàng châu Âu để lãi suất âm từ 2018 đến nay. Vì vậy, Covid-19 là cú bồi thêm khiến nhiều nền kinh tế thêm đình trệ và càng khó khăn để hồi phục, ông nhận định.
Trên thực tế, kim loại quý này đã tăng giá từ năm 2018, trước cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Covid-19 bùng phát. Cách đây 3-4 năm, nhiều quỹ đầu tư và định chế tài chính lớn đã gom vàng, song nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa chú ý nhiều tới kim loại quý này một phần vì các kênh đầu tư khác vẫn đang sinh lời tốt. "Covid-19 là lý do tiếp theo đẩy giá vàng tăng nhanh, nhưng không phải nguyên nhân bắt đầu đà tăng của vàng", ông nói.
Chu kỳ tăng giá của các loại tài sản thường từ 7-10 năm, thậm chí dài hơn. Ông Khánh lấy ví dụ, chứng khoán Mỹ đã tăng 12 năm từ 2008 đến 2020, chứng khoán Việt Nam tăng 9 năm từ 2009 đến 2018, trước đó vàng cũng đã tăng cả chục năm từ 2001 tới 2011.
Vì thế, với chu kỳ mới của giá vàng bắt đầu tăng từ 2008, ông nhận định đà tăng chưa thể kết thúc trong ngắn hạn và giá sẽ tiếp tục đi lên trong dài hạn.
Mặc khác, theo ông, dòng tiền lớn đổ vào vàng cùng với các chính sách cung tiền lớn chưa từng có là động lực khiến vàng tiếp tục tăng giá trong thời gian tới. Chỉ 3 tháng gần đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bơm 3.000 tỷ USD ra thị trường. Theo đó, bảng cân đối kế toán của Fed tăng từ 4.000 tỷ USD hồi tháng 4 lên 7.000 tỷ USD vào tháng 7, dự kiến tăng lên 12.000 tỷ USD cuối năm nay.
Cuộc khủng hoảng 2008, Fed chỉ bơm ra tổng cộng 1.300 tỷ trong 6 năm. Ông Khánh nhấn mạnh, số tiền trung bình Fed bơm ra trong 1 tháng vừa qua ngang ngửa với 6 năm của giai đoạn khủng hoảng trước.
Để cân đối với lượng tiền in ra, các ngân hàng mạnh tay mua vàng tích trữ. 6 tháng đầu năm 2020 và cả năm 2019, lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương là nhiều nhất trong 60 năm qua. Không chỉ ngân hàng trung ương, dòng tiền từ các định chế tài chính trên thế giới (ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm), hộ gia đình giàu có cũng đổ vào vàng.
Với dự báo giá vàng thế giới lên 2.100-2.500 USD một ounce trong vòng một năm tới, ông Khánh cho rằng giá trong nước có thể lên 60-70 triệu đồng một lượng.
Giá vàng thế giới thậm chí có thể lên 3.000 USD một ounce trong 2-3 năm tới, giá trong nước theo đó lên 85 triệu đồng một lượng theo dự báo của ông Khánh, tức tăng khoảng 45-50% so với hiện tại.
Từ giữa tháng 4 năm nay, Bank of America (BofA) cũng đã ra báo cáo "Fed không thể in vàng" cùng với dự báo giá vàng sẽ lên 3.000 USD một ounce chỉ trong 18 tháng tới. "Khi GDP giảm mạnh, chi tiêu tài khóa tăng và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương phình ra gấp đôi, tiền tệ các nước sẽ chịu sức ép. Nhà đầu tư vì thế sẽ nhắm đến vàng", các nhà phân tích của BofA nhận định.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, diễn biến của giá vàng thế giới còn phụ thuộc nhiều vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới, đi kèm theo các chính sách kinh tế khác nhau. Vì vậy, ông Hải nhận định đây không phải là điểm mua vàng giữ dài hạn vì giá đang trên đỉnh và rất khó dự đoán trong dài hạn.