Đòi hỏi cấp bách, lấy vốn từ đâu?
Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong khoảng 10 năm tới (từ nay đến năm 2030), các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á cần tới 26.000 tỷ USD cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trọng tâm sẽ là hệ thống giao thông, tăng khả năng cấp điện, nâng cấp hạ tầng nước và xử lý chất thải.
Mặc dù có quy mô nền kinh tế chưa lớn, song Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ chi đầu tư phát triển hạ tầng cao nhất châu Á. Giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng của khu vực công và tư nhân Việt Nam đạt mức bình quân 5,7% GDP những năm gần đây, cao nhất khu vực Đông Nam Á (Indonesia và Philippines dưới 3%, Malaysia và Thái Lan chưa tới 2%), chỉ đứng sau Trung Quốc 6,8%.
Trong khi đó, về ngắn hạn, theo Bộ KH-ĐT, từ nay đến năm 2020 Việt Nam phải huy động khoảng 480 tỷ USD để tài trợ vốn cho các dự án đầu tư cần được triển khai cấp bách. Bên cạnh đó, sẽ có thêm nhiều dự án sẽ được triển khai trong những năm tới.
Hạ tầng đường sắt Việt Nam vừa yếu kém, vừa lạc hậu.
Trong đó dự án quan trọng bậc nhất là tuyến cao tốc 10 làn đường dài 1.800km nối liền thủ đô Hà Nội và TPHCM, với tổng số vốn thực hiện dự kiến 13 tỷ USD, lớn nhất từ trước tới nay và có tác dụng tăng cường tính liên kết giữa các tỉnh thành trong nước. Một số dự án quan trọng khác như 11 nhà máy phát điện với tổng công suất lên đến 13,2 GW, mạng lưới đường sắt liên tỉnh và ít nhất 1.380km đường cao tốc.
Không chỉ các dự án trọng điểm quốc gia hay ở các TP có tính chất đầu tàu như Hà Nội, TPHCM, nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở dự án các tỉnh cũng rất lớn. Như Đồng Nai, chỉ tính riêng trong năm nay tỉnh này cần huy động hàng tỷ USD để đầu tư các dự án nâng cấp, mở rộng, làm mới các tuyến giao thông.
Đó là các tuyến đường từ trung tâm huyện Cẩm Mỹ đi Quốc lộ 1 với số vốn đầu tư khoảng 26 triệu USD; tuyến đường từ huyện Trảng Bom tới huyện Xuân Lộc dài khoảng 50km vốn đầu tư 50 triệu USD; tuyến đường liên cảng huyện Nhơn Trạch hơn 15km hơn 235 triệu USD; dự án đường ra cảng Phước An huyện Nhơn Trạch khoảng 6km ước 43 triệu USD; dự án cầu Thống Nhất và đường nối 2 đầu cầu khoảng 45 triệu USD; tuyến đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa tới Quốc lộ 1K 11 triệu USD...
Tuy nhiên, dù nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn, nhưng Chính phủ không thể rót vốn trực tiếp vào các dự án này. Ngân sách hạn hẹp là nguyên nhân đầu tiên. Bên cạnh chính sách thắt chặt chi tiêu công của Chính phủ, việc Việt Nam đã “tốt nghiệp ODA” cũng là rào cản khi muốn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính bên ngoài. Điều không thể nhắc tới là Chính phủ đang phải kiềm chế tỷ lệ nợ công quốc gia đã sát mức trần cho phép 65%, nên vay thêm vốn bên ngoài để đầu tư cho các dự án trong nước là điều bất khả thi.
Tư nhân không mặn mà, DNNN yếu kém
Mới đây, Bộ GTVT cho biết đã quyết định hủy đấu thầu quốc tế, điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, nhằm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Bởi lẽ đây là các dự án có tầm quan trọng không chỉ kinh tế mà cả an ninh quốc gia, do đó sẽ ưu tiên nội lực.
Dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đi qua 20 tỉnh, thành phố. Theo Nghị quyết của Quốc hội, sẽ đầu tư xây dựng 654km, chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Bộ GTVT đã phê duyệt tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng cho 11 dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam.
Quyết định trên của Bộ GTVT có thể được xem là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp (DN). Ở khía cạnh khác, đây cũng đang là bài toán khó trong bối cảnh hiện nay. Đã có những ý kiến cho rằng để giải quyết vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng hiện nay, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ 2 giải pháp cơ bản, là huy động nguồn lực tư nhân và thu hút vốn qua kênh phát hành trái phiếu.
Thực tế, nhà đầu tư tư nhân lâu nay chẳng mặn mà với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, do đặc thù về thời gian thi công và hoàn thiện của các dự án này khiến việc thu hồi vốn chậm hơn so với đầu tư vào các loại tài sản khác. Chưa kể 2 điểm yếu của DN về vốn và năng lực quản trị. Do đó, để đảm nhận được các dự án lớn, đòi hỏi DN phải cải cách mạnh mẽ để nâng cao năng lực quản trị, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, kênh thu hút vốn của Chính phủ vẫn đơn điệu. Và để thu hút nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân, việc đầu tiên phải đẩy mạnh cấu trúc thị trường vốn. Hiện nay, Việt Nam là nước có thị trường vốn nhỏ nhất về cả quy mô và thời hạn.
Một so sánh của McKinsey & Company (công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ) mới đây, cho thấy rõ điều đó: tổng giá trị trên thị trường vốn tại Nhật Bản đạt tới 400% GDP, trong khi con số này của Việt Nam chỉ khoảng 50%. Khoảng cách này chính là nguyên nhân gây ra những bất lợi cho Việt Nam trong việc tìm kiếm nguốn vốn từ khu vực tư nhân. Thị trường trái phiếu chính phủ dù ít nhiều tăng trưởng đáng kể trong 2 năm nay, nhưng vẫn không đủ bù đắp khoảng trống về nguồn vốn đòi hỏi ngày càng lớn.
Dù chưa chính thức, nhưng vừa qua Chính phủ đã cho tính lại GDP, khiến tổng GDP tăng lên đáng kể. Trước đó, Chính phủ cũng giảm bảo lãnh các dự án của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vốn vay nước ngoài, do đó giảm được tỷ lệ đáng kể tính vào nợ công quốc gia. Có thể sắp tới, kênh vay vốn bên ngoài để đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ không phải là Chính phủ mà chuyển sang DNNN. Vai trò của DNNN có thể sẽ chuyển từ “steel puncher” (tay đấm thép) thành “debtor” (người đi vay).
Rủi ro nợ công tăng lên, trong khi các nguồn vốn đi vay không được sử dụng hiệu quả vẫn lơ lửng trên đầu. Đã vậy, viễn cảnh khi năng lực quản trị của DNNN không cải thiện thông qua những cải cách mạnh mẽ và thực chất. |