Quốc hội sẽ dành trọn ngày hôm nay 8-6 để thảo luận, đánh giá bổ sung thực hiện kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2014 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2015. Trước đó, đánh giá về kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với một số nhận định trong báo cáo của Chính phủ, như kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực; thu ngân sách đạt khá, lạm phát kiểm soát ở mức thấp; khu vực dịch vụ tăng trưởng khá; lãi suất tiếp tục giảm...
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng nhìn nhận, kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức: tăng trưởng chưa thực sự bền vững.
Tăng trưởng quý I-2015 có yếu tố chính là đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng (khai thác dầu thô, than đá); trong khi đó mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước.
Nhập siêu đã quay trở lại (5 tháng trên 2 tỷ USD) do kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản quý I giảm 15,8% so cùng kỳ; xuất khẩu chịu sự tác động từ sự sụt giảm giá cả hầu hết hàng hóa trên thế giới... Nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, trong năm 2015 dự báo nghĩa vụ trả nợ căng thẳng; việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước còn chậm...
Báo cáo đánh giá của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho thấy chỉ số môi trường kinh doanh quý I-2015 giảm so với quý IV-2014 (75 điểm so với 78 điểm). Số lượng doanh nghiệp phản hồi "tốt" giảm còn 45% (trước là 52%). Phần lớn doanh nghiệp phản hồi tiếp tục nhận định triển vọng kinh doanh của họ là "tích cực", tuy nhiên đã giảm từ 62% xuống còn 57%. Chiếm tỷ lệ lớn thứ hai là doanh nghiệp phản hồi “triển vọng trung bình”, tăng từ 28% quý trước lên 30%. Triển vọng đối với nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam được 63% doanh nghiệp nhận định "ổn định và cải thiện" - tăng so với quý trước (59%). Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp phản hồi “không thay đổi” tăng từ 20% đến 25%.
Đánh giá tổng thể, các doanh nghiệp châu Âu nhận định tương đối tích cực môi trường kinh doanh của Việt Nam. Song có thể thấy, khi đi vào các chỉ số cụ thể, dường như vẫn có sự lưỡng lự khi các điểm số tích cực trong đánh giá đã giảm so với quý IV-2014. Nhận định này có vẻ đúng khi kết quả khảo sát về kế hoạch đầu tư trung hạn, có đến 41% - chiếm tỷ lệ lớn nhất - vẫn chỉ dừng ở mức độ "đang xem xét việc gia tăng đầu tư tại Việt Nam".
Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế cũng băn khoăn về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm. Việc điều chỉnh tỷ giá đã được thực hiện hết biên độ 2%, trong khi nhập siêu đang quay trở lại, đang là thách thức đối với VNĐ. Vì vậy nếu tỷ giá được điều chỉnh tiếp sẽ gây mất ổn định, mất niềm tin, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, thực trạng tiêu thụ nông sản khó khăn vừa qua đòi hỏi việc giải quyết đầu ra mặt hàng này đã không thể trông đợi vào giải pháp tình thế, mà cần có giải pháp căn cơ và triệt để hơn. Việc ngân sách nhà nước tính toán vay quỹ dự trữ ngoại hối cho thấy thu ngân sách đang có những khó khăn và kinh tế vẫn mang yếu tố phát triển chưa bền vững.
Những nhận định trên đã khắc họa tương đối rõ nét bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm mới chỉ ở giai đoạn hồi phục, chưa thực sự bền vững. Đây là thách thức không nhỏ trong điều hành các tháng còn lại năm nay, đặc biệt khi Chính phủ hướng đến tăng trưởng vượt mục tiêu Quốc hội đề ra và bối cảnh cuối năm nay Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN cùng triển vọng của các đàm phán hội nhập (FTA Việt Nam - EU, TPP...) sắp kết thúc.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế, các giải pháp đã được đưa ra, từ tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp đến việc tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh. Vấn đề còn lại là sự xắn tay, nhập cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương để vượt qua thách thức không hề nhỏ này.