Như vậy, sau hơn 8 tháng thành lập, UBQLVNN tại DN nhà nước (DNNN) đã chính thức ra mắt vào chiều 30-9. Trước đó, ngày 29-9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBQLVNN.
Từ tháng 10-2018, UB sẽ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 DNNN là các TĐ, TCT. Trong đó có 7 TĐ lớn: TĐ Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); TĐ Hóa chất Việt Nam (Vinachem); TĐ Điện lực Việt Nam (EVN); TĐ Dầu khí Việt Nam (PVN); TĐ Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG); TĐ Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và TĐ Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Theo tính toán, số lượng DNNN dự kiến chuyển giao về “siêu UB” này sẽ được chia làm 4 nhóm và sẽ có bộ chỉ số chung. Sau khi tiếp nhận về “siêu UB”, sẽ có bộ chỉ số riêng cho từng nhóm DN và của từng DN.
Mục tiêu của việc áp dụng bộ chỉ số này là để kết nối, giám sát và theo dõi trực tiếp hoạt động của DN, qua đó nắm được tất cả tình hình của DN, đặc biệt là việc tăng giảm giá trị vốn nhà nước, tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, đóng góp ngân sách, năng suất lao động, tiền lương…
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Triệt tiêu lợi ích nhóm
Việc thành lập UBQLVNN là cần thiết, phù hợp với đòi hỏi từ thực tế trong nước hiện nay, cũng như đáp ứng các thông lệ của quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang trong lộ trình đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), cũng như một số hiệp định thương mại tự do khác, do đó sẽ rất khó có thể tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nếu như Việt Nam không cải cách, đổi mới mô hình quản lý DNNN để hướng tới cạnh tranh công bằng.
Giải pháp hiệu quả cho vấn đề này chính là việc thành lập UBQLVNN đối với khối DNNN. Đây chính là cơ quan chuyên trách, nhằm tách chức năng quản lý nhà nước và quản trị DN thành 2 lĩnh vực rời nhau, giảm sự chồng chéo giữa quản lý nhà nước với quản trị DN.
Về cách thức kiểm soát vốn nhà nước tại các DN của “siêu UB” sẽ vận hành theo cơ chế công khai, minh bạch dựa trên sự ứng dụng của công nghệ hiện đại. Cụ thể, một phòng điều hành trung tâm sẽ được bố trí tại cơ quan “siêu UB”, qua đó lãnh đạo DN có thể kết nối trực tiếp với UB này để trao đổi công việc hàng ngày, hoặc những thông tin số liệu cần cập nhật ngay.
Thông qua đó, UB sẽ nắm được số liệu của DN hàng tuần mà không cần phải đợi hàng tháng, hàng quý báo cáo về. Đặc biệt, việc giám sát quản lý này trên tinh thần quản lý sử dụng vốn hiệu quả, không can thiệp cụ thể vào các hoạt động của DN.
Với cơ chế hoạt động minh bạch, UB sẽ giúp hạn chế được nạn “sân trước, sân sau”, giảm các tiêu cực trong DN. Các giải pháp công nghệ được áp dụng triệt để trong vận hành của UB sẽ buộc quy trình hoạt động, sản xuất, quản trị DN cũng phải minh bạch hơn, việc ra quyết định phải dựa trên những dữ liệu lớn, nhờ đó sẽ luôn có quyết định nhanh chóng, độ chính xác tốt và loại trừ được tất cả những yếu tố chủ quan của một vài cá nhân vào các quyết định được ban hành, giúp quá trình ra quyết định minh bạch hơn.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KH và ĐT):
Siêu UB, trách nhiệm lớn
Về ý kiến bày tỏ lo ngại về việc “siêu UB” này có “siêu quyền lực”, do đó nếu không giám sát tốt chính UB này sẽ trở thành lực cản, gây trở ngại cho DNNN. Do đó, theo tôi UB này có quyền lực lớn để quản lý một khối lượng rất lớn vốn nhà nước tại DN, sẽ đi cùng trách nhiệm cũng rất lớn.
Theo quy định, hoạt động của UB được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ, Quốc hội, của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và của nhân dân, nhất là giới truyền thông, nên khâu giám sát UB quy định như vậy là hợp lý.
Ngoài ra, việc lập UB với bộ máy tinh gọn, tập trung về một chỗ sẽ gọn nhẹ hơn, do đó sẽ không tạo sự cồng kềnh về bộ máy hay lực cản trong hoạt động của DN. Phương thức làm việc của UB sẽ hiện đại hơn do ứng dụng công nghệ thông tin số hóa, kết nối UB với các DN, càng giảm bớt nhân lực và hiệu quả cao hơn nhiều.
Nhân sự của UB cũng sẽ có chất lượng hơn để đáp ứng đúng yêu cầu nhiệm vụ. Điều quan trọng nhất là cán bộ của UB cần làm việc thật sự chuyên nghiệp.
Một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong hoạt động của UB là cần thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, từ đó yêu cầu các DN cũng phải thực hiện như vậy. Vốn của Nhà nước là tài sản của nhân dân.
Tôi nghĩ một khẩu hiệu cần treo trên tường các phòng làm việc của UB là “Công khai minh bạch, nói không với tiêu cực”. Theo đó mọi người sẽ được nhắc nhở, theo dõi, giám sát. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không thể để UB trở thành gánh nặng của DN, và tôi tin điều đó sẽ trở thành hiện thực.