Vụ án Oleg Patsulya
Tháng 8 năm ngoái, Oleg Patsulya, một công dân Nga sống gần Miami, đã gửi email chào mời hấp dẫn cho một hãng hàng không Nga đã bị cắt khỏi chuỗi cung ứng công nghệ và vật liệu phương Tây. Theo đó, Patsulya hứa giúp Rossiya Airlines vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây, bằng cách xáo trộn các bộ phận máy bay và thiết bị điện tử gửi cho hãng này thông qua mạng lưới các công ty có trụ sở tại Florida, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Ông Patsulya và đối tác kinh doanh của ông bị bắt hôm 11-5, với cáo buộc vi phạm lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và rửa tiền quốc tế. Vụ án này cho thấy các mạng lưới toàn cầu đang cố gắng giúp Nga vượt qua các biện pháp kiểm soát công nghệ sâu rộng nhất từ trước đến nay.
Kể từ khi Nga tiến công Ukraine, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow, bao gồm các giới hạn đối với việc tiếp cận vũ khí, chip máy tính, bộ phận máy bay và các sản phẩm cần thiết khác để thúc đẩy nền kinh tế và hoạt động chiến tranh của nước này. Các biện pháp trừng phạt cũng được áp dụng cho các hãng hàng không Nga, bao gồm Aeroflot, công ty con Rossiya và các hãng khác. Nhưng bất chấp những biện pháp trừng phạt này, hàng ngàn lô hàng phụ tùng máy bay đã được gửi đến Nga vào năm ngoái, theo dữ liệu Hải quan Nga.
Theo dữ liệu của Import Genius, công ty tổng hợp dữ liệu thương mại có trụ sở tại Mỹ, hàng chục triệu USD các bộ phận máy bay đã được gửi đến các hãng hàng không Nga trong danh sách lệnh trừng phạt của chính quyền Biden, bao gồm Rossiya Airlines, Aeroflot, Ural Airlines, S7 Airlines, Utair Aviation và Pobeda Airlines. Những chuyến hàng đó được thực hiện bởi các mạng lưới bất hợp pháp như của ông Patsulya, vượt qua các lệnh trừng phạt bằng cách xáo trộn hàng hóa thông qua những người mua bình phong, thường ở Trung Đông và châu Á.
Chẳng hạn, hàng chục lô hàng dây đồng, bu lông, than chì và các bộ phận khác được Boeing sản xuất tại Mỹ đã lọt vào kho của Aeroflot vào năm ngoái. Chúng đi qua các công ty thương mại ít người biết đến, các khu thương mại tự do và khu công nghiệp ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Trung Quốc, sau đó đến Nga.
Dữ liệu ghi lại hơn 5.000 lô hàng các bộ phận máy bay đã nhập vào Nga trong khoảng thời gian 8 tháng năm 2022, từ những con vít đơn giản đến bộ khởi động động cơ máy bay mang nhãn hiệu Honeywell trị giá 290.000USD. Tổng cộng, 14,4 triệu USD các bộ phận máy bay do Mỹ sản xuất đã được gửi vào Nga trong 8 tháng, bao gồm 8,9 triệu USD các bộ phận do Boeing sản xuất hoặc đăng ký nhãn hiệu và được bán vào Nga thông qua các bên thứ ba.
Lệnh trừng phạt vẫn hiệu quả?
Bất chấp những đường dây như vậy, các chuyến hàng linh kiện máy bay vào Nga vẫn thấp hơn đáng kể so với trước chiến tranh. Nhập khẩu máy bay và các bộ phận máy bay của Nga đã giảm từ 3,45 tỷ USD hàng năm trước xung đột xuống còn khoảng 286 triệu USD. Trung Quốc là nhà xuất khẩu hàng đầu các bộ phận máy bay, tàu vũ trụ và máy bay không người lái sang Nga kể từ cuộc xung đột, chiếm khoảng một nửa tổng số lô hàng, tiếp theo là Ấn Độ.
Các chuyên gia hàng không cho biết các hãng hàng không Nga sẽ khó tiếp tục vận hành máy bay nếu không tiếp cận được các nhà cung cấp phương Tây và sự trợ giúp từ Boeing và Airbus. Theo các quan chức Mỹ, một số hãng hàng không Nga đã buộc phải phá hủy máy bay để lấy phụ tùng thay thế hòng duy trì hoạt động của những chiếc khác, cũng như chuyển sang Iran để bảo trì và thay phụ tùng.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hãng hàng không Nga nào phải ngưng hoạt động. Hàng chục ngàn chuyến bay dự kiến đi khắp nước Nga trong tháng này. Hơn 21.000 chuyến bay - hơn một nửa trong số đó do các hãng hàng không Nga khai thác - dự kiến sẽ chở hành khách đến và đi từ các quốc gia ở Trung Á, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Ai Cập, Trung Quốc và Thái Lan. Giới chuyên gia cho rằng điều này nhờ sự trợ giúp của các mạng lưới né cấm vận.
Theo dữ liệu của Import Genius, các bộ phận máy bay có nguồn gốc từ EU, bao gồm cả những bộ phận do Airbus sản xuất hoặc đăng ký nhãn hiệu, đã được chuyển đến Nga vào năm ngoái. Trong khi đó, phát ngôn viên của Airbus, Justin Dubon, cho biết công ty theo dõi các bộ phận và tài liệu chính hãng được cung cấp cho khách hàng của mình và tiến hành thẩm định đối với tất cả bên yêu cầu phụ tùng thay thế.
Ông nói: "Mỹ và châu Âu cấm vận Nga, không thể gửi các phụ tùng, linh kiện máy bay cho nước này một cách hợp pháp". Còn theo Kevin Wolf, người giám sát các biện pháp kiểm soát xuất khẩu dưới thời chính quyền Obama, việc cấm vận của Mỹ đang làm suy giảm đáng kể khả năng nhập khẩu của Nga, nhưng “không bao giờ có thể ngăn chặn mọi thứ”.
Trước cuộc xung đột Ukraine, việc buôn bán các bộ phận máy bay hầu như không bị hạn chế bởi Mỹ và các quốc gia khác, ngoại trừ Iran, Cuba, CHDCND Triều Tiên và Syria. So với các quốc gia khác hầu như chỉ giám sát hàng hóa đi qua biên giới của họ, Mỹ lại nỗ lực kiểm soát hoạt động thương mại trên toàn thế giới.
Trong 3 năm qua, Mỹ đã áp đặt các hạn chế công nghệ mới đối với Nga, Trung Quốc và Iran, cho dù ở đâu. Các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ hoặc ở nước ngoài với sự trợ giúp của các thành phần hoặc công nghệ của Mỹ cũng phải tuân theo các quy tắc của Mỹ.
Cả Mỹ và EU đã tăng cường các hình phạt đối với các công ty vi phạm lệnh trừng phạt và cử các quan chức đến các quốc gia như Kazakhstan để cố gắng thuyết phục họ kiểm soát các chuyến hàng đến Nga qua lãnh thổ của họ. Chính phủ Mỹ có 9 nhân viên kiểm soát xuất khẩu đóng tại Istanbul, Bắc Kinh và các địa điểm khác để theo dõi các lô hàng sản phẩm nhạy cảm và đang thành lập thêm 3 văn phòng nữa.
Việc né các lệnh trừng phạt để cung cấp bộ phận máy bay cho Nga đang sinh lợi lớn, khi giá trị của một số linh kiện này nhập khẩu vào Nga đã tăng hơn 4 lần kể từ xung đột Ukraine.