![]() |
Hôm nay 18-6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật Phòng, chống rửa tiền. Nếu được thông qua và có hiệu lực từ 1-1-2013, các cơ quan thi hành pháp luật có cơ sở để ngăn ngừa các hành vi, tội phạm rửa tiền được nhìn nhận đã diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam.
Đã có khá nhiều nghiên cứu và đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB và ADB về tác động tiêu cực của rửa tiền lên các mặt kinh tế-xã hội của các quốc gia như: suy yếu hệ thống tài chính; suy yếu nền kinh tế thực; tác động tiêu cực đến thương mại và lưu chuyển vốn...
Vì vậy, các quốc gia cần phải nỗ lực và chủ động tiến hành các hoạt động đề phòng, phát hiện, đấu tranh và loại trừ các hoạt động rửa tiền trong phạm vi quốc gia; đồng thời phối hợp với các nước trong khu vực và quốc tế để làm tốt công tác này ở phạm vi xuyên quốc gia, tất cả cho chính lợi ích của mình.
Tuy nhiên, dù có luật, việc phòng, chống hoạt động rửa tiền ở Việt Nam không hề dễ dàng. Đầu tiên là nhiều điều khoản trong dự luật thiếu tính khả thi. Chẳng hạn, nếu đã là luật phòng, chống thì phải làm rõ hành vi cần phòng, chống là gì.
Trong khi dự luật dù đã qua vòng thảo luận tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII nhưng đến kỳ họp lần thứ 3 này vẫn chưa làm rõ được hành vi rửa tiền. Dự luật vẫn chủ yếu đưa ra các quy định để phát hiện hành vi rửa tiền là qua giao dịch ngân hàng. Trong khi trên thực tế, hành vi rửa tiền có thể diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế như bất động sản, chứng khoán…
Điểm khó thứ hai đối với dự luật này nếu được thông qua, đó là văn hóa tiêu tiền mặt vốn diễn ra rất phổ biến hiện nay. Có đại biểu Quốc hội (ĐB) khi thảo luận về dự luật này đã thốt lên: “Chừng nào chưa chấm dứt được việc vác cả bao tiền đi mua đất, việc người dân tích trữ hàng nghìn cây vàng trong nhà sẽ chưa thể ngăn chặn được hoạt động rửa tiền”.
Với các nước trên thế giới, việc giám sát dòng tiền luân chuyển được thực hiện qua hệ thống ngân hàng và thuế vụ, còn ở nước ta vẫn hết sức khó khăn. Với một nền kinh tế tiền mặt, tiền nào cũng tiêu được, không cần biết nguồn gốc, miễn có tiền muốn mở công ty, mua nhà đều dễ dàng, thì việc ngăn ngừa vô cùng khó khăn.
Đặc biệt, hình thức biến tiền “bẩn” thành “sạch” được nhiều ĐB nhìn nhận khá đa dạng, không chỉ thông qua giao dịch ngân hàng mà còn qua rất nhiều kênh như đầu tư vào nhà hàng, khách sạn...
Chính vì vậy cần đưa vào dự luật một số biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với các loại hình kinh doanh, đầu tư trên. Thậm chí có quan điểm cho rằng để phòng, chống rửa tiền, luật này cần có thêm một số quy định cấm mở các doanh nghiệp “sân sau”.
Chẳng hạn, như bố, mẹ, anh, chị đang đương chức là bí thư tỉnh, huyện hoặc đang chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, huyện, con em ruột của họ không được mở doanh nghiệp để ngăn ngừa việc rửa tiền do tham nhũng.
Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), hiện nay tình hình tham nhũng đang diễn biến hết sức nghiêm trọng. Để ngăn ngừa, Luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy định về kê khai tài sản nhưng lại không thấy quy định về việc khi con cái thành niên phải kê khai tài sản.
Đây là sơ hở mà nhiều cử tri rất băn khoăn, khi nhiều con các quan chức thành lập các doanh nghiệp giàu lên một cách đáng ngờ. ĐB này đề nghị bổ sung thêm một điểm trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn cho người thân trong gia đình thành lập các doanh nghiệp để rửa tiền.
“Trong điều tra tham nhũng, điều thường thấy là người ta vin lý do nhà cửa, tiền bạc do vợ con kinh doanh mà có, không phải do chức vụ của mình mà ra” - ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) nhìn nhận.
Từ thực tế trên, việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền là hết sức cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, để luật này thực sự đi vào cuộc sống cần phải có sự điều chỉnh những tồn tại nêu trên trong dự luật để dễ thực thi hơn, cũng như có giải pháp căn cơ lâu dài xóa bỏ dần thói quen, văn hóa tiêu dùng tiền mặt đang phổ biến.
Bên cạnh đó tiến dần tới việc minh bạch thu nhập của người dân, đặc biệt là các quan chức thông qua công cụ như thuế thu nhập cá nhân, nhằm ngăn ngừa việc biến tiền “bẩn” thành “sạch” đang diễn ra phổ biến hiện nay.