Đại dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp và bùng phát ở khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã tác động rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, làm thay đổi tình hình sản xuất kinh doanh…
Vào thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, “trùm đỏ” cả bản đồ châu Âu, nhiều cuộc “thiên di” cũng đã bắt đầu xuất hiện ồ ạt giữa châu lục này đến châu lục khác, quốc gia này đến quốc gia khác và ngược lại.
Thời điểm đó, Việt Nam cũng đã dang tay đón hàng nghìn lượt công dân đang học tập, lưu trú ở các quốc gia trên thế giới để về cách ly tập trung, chữa trị khỏi bệnh khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Tinh thần nhân đạo, nhân văn của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay vẫn vậy: Sẵn sàng chở che, đón nhận người con xa quê trở về khi chẳng may gặp thiên tai, dịch hoạ...
Di tản để tránh tai hoạ, dịch bệnh nhưng mặt trái của những cuộc “thiên di” này đến nay vẫn chưa thể lường trước hết được. Cho dù, kịch bản phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh của mỗi quốc gia đã được tính toán nhưng tác động của dòng người di cư, trở về quê hương sẽ nảy sinh nhiều cuộc khủng hoảng.
Từ những tháng giữa năm 2020, nhiều Tập đoàn kinh tế lớn với quy mô sử dụng hàng nghìn lao động cũng đã di tản khỏi Trung Quốc - nơi bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Họ tìm đến những quốc gia an toàn để đầu tư vì lo ngại sự mất an toàn. Cơ hội cũng mở ra cho những đất nước ổn định về chính trị, môi trường, xã hội…
Hiện nay, xu hướng dịch chuyển để lựa chọn những vùng đất “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” vẫn đang được các doanh nghiệp ngắm tới nhưng vấn đề nhân lực để duy trì sản xuất kinh doanh vẫn được quan tâm hàng đầu.
Thực tế trong suốt những ngày qua, nhìn vào dòng người ùn ùn đổ về quê do thất nghiệp khi TPHCM và các tỉnh phía Nam đang bùng phát dịch Covid-19, chúng ta không thể lo ngại về bức tranh phân bổ lao động thời kỳ hậu dịch sẽ như thế nào?.
Chắc chắn, nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động, xáo trộn dây chuyền sản xuất là kịch bản đầu tiên sẽ xảy ra sau khi dịch Covid -19 được khống chế, kiểm soát. Đương nhiên là nhu cầu việc tìm người sẽ trở thành cuộc khủng hoảng vô cùng lớn đối với các tập đoàn kinh tế khi các tỉnh, thành tập trung phần lớn các khu công nghiệp, chế xuất… trở lại trạng thái bình thường mới.
Lúc đó, nếu cơ chế quản lý, điều tiết xã hội không nhịp nhàng, hiệu quả thì một hệ luỵ về nền kinh tế của địa phương sẽ “ngấm đòn” rất nặng. Bởi tổn thất về tăng trưởng kinh tế không được duy trì, chưa nói là sẽ sớm phục hồi ở nhiều tỉnh, thành trong bối cảnh hiện nay đã thể hiện khá rõ về vấn đề này.
Chính cũng từ những địa phương, nơi đón công dân trở về đợt này cũng đang ở trạng thái như “ngồi trên đống lửa”, vì ngoài lo ngại dịch bệnh khó kiểm soát ra thì giải quyết vấn đề an sinh xã hội sau này cũng trở thành vấn đề cần sớm đưa ra giải pháp.
Nếu địa phương nơi công dân trở về có các khu công nghiệp, nhà máy đang tìm kiếm nguồn lao động thì đây là cơ hội. Ngược lại, vấn đề tạo việc làm cho họ nếu quyết tâm bám trụ tại quê hương về lâu dài cũng cần phải lo ngay từ bây giờ.
Dịch Covid-19 bùng phát đã giáng một đòn khá nặng vào doanh nghiệp họ, nay sự dịch chuyển của lao động trở về quê đang là bài toán khó, nếu trạng thái bình thường mới sau dịch được lập lại.
Tác động dây chuyền từ hiệu ứng domino đã và đang xảy ra đối với không chỉ với doanh nghiệp mà lây lan sang cả cộng đồng, xã hội. Và, sẽ chưa biết bao giờ mới ngăn chặn được nếu nguồn nhân lực không trở lại làm việc kịp thời khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngăn chặn.