Bắt đáy chuẩn
Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) nói chung và các quỹ ETF ngoại nói riêng bắt đầu gây ấn tượng mạnh mẽ trong giao dịch kể từ tháng 11-2022, khi TTCK Việt Nam chạm đáy với việc chỉ số VN Index rơi xuống mức thấp nhất 873,78 điểm ngày 16-11-2022.
Tuy vậy, nếu phân tích chi tiết dòng vốn nước ngoài tổng hợp (bao gồm tất cả các tài khoản nước ngoài) chỉ bắt đầu quay lại mua ròng từ tháng 11-2022, trong khi liên tiếp tháng 9 và tháng 10 trước đó, dòng vốn này vẫn ghi nhận bán ròng. Ngược lại, dòng vốn ETF ngoại lại có tín hiệu bùng nổ ngay từ đầu tháng 10.
Cụ thể, theo số liệu của FiinTrade, tháng 9-2020, các quỹ ETF ngoại rót ròng vào TTCK Việt Nam chỉ khoảng 15,7 tỷ đồng, nhưng đến tháng 10-2022 tăng vọt lên gần 1.900 tỷ đồng. Tháng 11-2022 vốn ETF ngoại đạt tiếp hơn 6.200 tỷ đồng. Như vậy giai đoạn tháng 10 vẫn có sự lệch pha giữa các quỹ ETF với các quỹ chủ động: Các quỹ ngoại chủ động vẫn bán ra nhiều, dẫn đến mức giao dịch ròng là -1.558 tỷ đồng trong tháng.
Giá trị vốn (tỷ đồng) vào ròng các quỹ ETF (trong nước và nước ngoài từ đầu tháng 10-2022 đến nay), chỉ rất hiếm các ngày có mức âm và quy mô cũng rất nhỏ (bị rút ròng). |
Tổng hợp từ đầu tháng 10-2022 đến ngày 7-2-2023, tổng lượng vốn mà các quỹ ETF ngoại (do FiinTrade theo dõi) đã rót vào TTCK Việt Nam trên 14.228 tỷ đồng. Tổng giá trị mua ròng tính chung các loại NĐTNN ở HoSE từ đầu tháng 11-2022 đến ngày 7-2-2023 là 34.464 tỷ đồng. Đây là lượng vốn rất lớn và theo thống kê của FiinTrade thì là chuỗi 3 tháng mua ròng liên tiếp ở quy mô kỷ lục.
Một số liệu đối lập là giao dịch từ khối NĐT tổ chức trong nước và NĐT cá nhân trong nước rất yếu. Trong 3 tháng gần nhất (đến hết tháng 1-2023), tổ chức trong nước chỉ mua ròng khoảng 4.385 tỷ đồng. NĐT cá nhân trong nước bán ròng khổng lồ 37.377 tỷ đồng. Thậm chí nếu tính riêng khớp lệnh, NĐT cá nhân trong nước bán ròng tới 42.537 tỷ đồng.
Sự đối lập này phản ánh một điều rất rõ ràng mà bất cứ NĐT nào từng trải qua giai đoạn tạo đáy vừa qua đều thấy rõ: Sự hoảng loạn của NĐT cá nhân trong các đợt bán tháo, chốt non hay cắt lỗ. Dĩ nhiên trong con số bán ròng khổng lồ nói trên của NĐT cá nhân, cũng có một vài tài khoản của lãnh đạo doanh nghiệp bị giải chấp, nhưng tổng thể vẫn là NĐT trong nước bán ra và khối ngoại mua vào.
Cơ hội trong khủng hoảng giá trị
Lật lại thời gian TTCK Việt Nam lao dốc và chạm đáy vào tháng 11-2022, có một sự thú vị giữa quan điểm phân tích và hành động của dòng tiền thông minh: Cuối tháng 10-2022, đã có một quan điểm đăng trên một tờ báo của Thái Lan ám chỉ Việt Nam có khả năng rơi vào cuộc khủng hoảng giống Thái Lan năm 1997.
Dĩ nhiên quan điểm này sau đó đã bị phản bác bằng nhiều phân tích khác nhau của chuyên gia trong nước (và đến lúc này thực tế chứng minh là sai). Tuy nhiên, điều đáng nói là dòng vốn đầu tư nước ngoài trong khu vực mà nổi bật là Đài Loan và chính Thái Lan, lại dồn dập đổ vào các quỹ ETF đầu tư trên TTCK Việt Nam.
Vị thế giao dịch ròng (tỷ đồng) của hai nhóm NĐT hàng tháng. Các NĐT cá nhân trong nước hầu như đi ngược dòng với NĐTNN, rất hưng phấn khi thị trường đạt đỉnh và sợ hãi khi thị trường chạm đáy. |
2 quỹ ETF nội địa (Việt Nam) có phát hành chứng chỉ lưu ký trên TTCK Thái Lan là VNDiamond và VFMVN30 trong tháng 10-2022 đã hút ròng được khoảng 1.276 tỷ đồng, và tính từ đầu tháng 10-2022 đến ngày 7-2-2023 các quỹ này đã hút ròng 6.680 tỷ đồng. Như vậy bên cạnh các quỹ ETF ngoại khác, rõ ràng là NĐTNN xem TTCK Việt Nam điều chỉnh mạnh trong 3 tháng cuối năm 2022 là một cơ hội chứ không phải một rủi ro.
Với những số liệu thống kê ở trên, khi NĐT cá nhân trong nước tháo chạy, không thể phủ nhận dòng vốn NĐTNN là “cứu cánh”, thậm chí là nguồn lực quan trọng giúp TTCK Việt Nam chạm đáy.
Thực ra với nguồn lực khổng lồ và quan điểm đầu tư dài hạn, không khó để thấy cái nhìn tích cực của NĐTNN với cơ hội trong khủng hoảng giá trị. 2 căn cứ đơn giản nhất là: Thứ nhất, thị trường sụt giảm do những tác nhân từ một nhóm doanh nghiệp (chủ yếu là bất động sản và cổ đông lớn), trong khi nhiều doanh nghiệp khác làm ăn bình thường, không liên quan và doanh thu, lợi nhuận vẫn ổn định cũng bị giảm giá trị theo.
Thứ hai, ảnh hưởng của một nhóm doanh nghiệp sẽ không đủ lớn để tác động dây chuyền làm sập cả TTCK, và cơ quan quản lý cũng không để điều đó xảy ra trong bối cảnh điểm tựa vĩ mô của nền kinh tế vẫn tích cực. Thực tế đã cho thấy, đến lúc này nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn lao dốc, nhiều dự án bất động sản đổi chủ, nhiều cổ đông lớn mất “ghế”, nhưng TTCK vẫn hoạt động bình thường, nhiều cổ phiếu đã phục hồi trở lại vùng giá đầu năm 2022, thậm chí là quay lại đỉnh cao lịch sử.
Tuy vậy, sự phục hồi của TTCK vẫn cần đứng trên “hai chân” của dòng tiền, bao gồm cả NĐTNN và NĐT trong nước. Bởi dòng vốn ngoại đến một thời điểm sẽ không còn “hừng hực” như những tháng vừa qua, vì khi giá cổ phiếu tăng, định giá của thị trường cao lên, tính hấp dẫn cơ hội sẽ giảm xuống.
NĐT cá nhân trong nước đã phải trải qua thử thách hiếm có trong đời (không nhiều NĐT hiện tại được trải qua giai đoạn 2008 hay 2003) và nỗi sợ hãi là bình thường. Dòng tiền từ khối NĐT này đã giảm sút nghiêm trọng khiến tổng giao dịch toàn thị trường hàng ngày từ chỗ đạt 40.000-50.000 tỷ đồng tụt xuống còn 11.000-12.000 tỷ đồng lúc này. Một chu kỳ mới của thị trường cần nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ, nhưng quan trọng nhất là dòng tiền nội mạnh trở lại.