Báo cáo về tình hình đầu tư công trung hạn ngay trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình 2 năm 2021 và 2022 đạt 93,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%), còn về số tuyệt đối cao hơn 110.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Đáng ghi nhận hơn, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung và vốn đầu tư công nói riêng đã được cải thiện. Tỷ lệ các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng đạt 52% tổng số dự án trong giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, có một nghịch lý đáng lo ngại là trong khi hiệu quả đầu tư công có xu hướng cải thiện, hầu hết các bộ ngành, địa phương vẫn không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định và không phân bổ hết kế hoạch được giao. Tình trạng đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch - nôm na là xin trả lại vốn, có xu hướng tăng trong 9 tháng đầu năm nay so với năm 2020, 2021, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Không phải không có cơ sở khi cho rằng, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, còn có một phần nguyên nhân do những động thái kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm nên có một bộ phận cán bộ e ngại, không muốn đẩy mạnh triển khai các dự án.
Giải pháp cho vấn đề này thực ra đã có. Đó là tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Tất nhiên đây là nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng không thể không làm.