Hiện tượng này có khả năng tạo ra rủi ro thanh khoản của các NH và hệ số an toàn vốn gần như chắc chắn sẽ giảm mạnh, khi các nhà lập pháp đưa ra quy định thắt chặt an toàn tài chính.
Rủi ro hiện hữu
Thực tế, cuộc đua này đã được các NHTMCP thực hiện trong khoảng 1 năm trở lại đây. Các NHTMCP này liên tục đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên, thông qua công cụ tiền gửi thông thường hay phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dài hạn.
Danh sách các NH tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài tiếp tục được kéo dài, với những cái tên quen thuộc như Sài Gòn Bank, VietCapital Bank, NamABank, CBBank, VietABank. Có thể dễ dàng nhận thấy, đây đều là những NH có quy mô vừa và nhỏ, với năng lực bị hạn chế cần đẩy mạnh huy động để đáp ứng quy định an toàn tài chính từ NHNN.
Trong bối cảnh áp lực lên tăng trưởng kinh tế ngày càng gia tăng, sự nỗ lực của NHNN trong việc nâng cao độ an toàn của hệ thống tài chính nói chung, đã và đang động tới bài toán cố hữu của hệ thống NH Việt Nam.
Tại đó, nguồn tài lực của hệ thống tập trung vào một số NH top trên, trong khi hàng loạt NH quy mô nhỏ thường xuyên gặp khó khăn về thanh khoản. Nhìn rộng ra, đây là vấn đề chung tại các nền kinh tế phi thị trường với sự can thiệp rõ nét của nhà nước.
Đơn cử tại Trung Quốc, trong 8 tháng năm 2019, NH Trung ương (PBOC) đã phải can thiệp trực tiếp vào hoạt động của 3 NH vùng là Baoshang, Jinzhou và Hengfeng. Hoạt động kinh doanh yếu kém đã khiến nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe tài chính của các NH nhỏ này.
Gần như ngay lập tức, cửa huy động vốn tín dụng trên hệ thống liên NH bị hạn hẹp, đồng thời khoảng chênh lệch chi phí huy động vốn so với các NH lớn được nới rộng đột ngột từ 16 bps lên 90 bps.
Theo Tổ chức Tài chính quốc tế (IMF), diễn biến trên chỉ ra 3 điểm dễ tổn thương của hệ thống tài chính Trung Quốc. Đầu tiên là rủi ro thanh khoản, huy động vốn và khả năng thanh toán.
Các NHTMCP quy mô nhỏ thường khó đa dạng dòng vốn huy động và nắm giữ các khoản nợ rủi ro. Quy mô vốn mỏng, kinh doanh kém hiệu quả, khiến các NH này dễ tổn thương khi nền kinh tế biến động theo hướng tiêu cực.
Rủi ro kế tiếp là sự liên kết giữa NH, định chế tài chính phi NH và các công cụ đầu tư. Các NHTMCP huy động vốn thông qua chứng chỉ tiền gửi thường cũng là nhà đầu tư vào công cụ nợ của các NH khác. Điều này dẫn tới sự luẩn quẩn của dòng vốn và dễ lan tỏa tác động của các cú sốc, khi chúng xuất hiện.
Rủi ro cuối cùng là chênh lệch cấu trúc kỳ hạn. Các NHTMCP thường phát hành và phụ thuộc vào dòng vốn huy động kỳ hạn ngắn, kém đa dạng trong khi đầu tư, cho vay các dự án dài hạn, bao gồm cấp tín dụng cho dự án của chính quyền địa phương và trung ương.
Gánh nặng trên vai NHNN
Gánh nặng trên vai NHNN
Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số NHTMCP đã lên đến gần 9%/năm. Thậm chí, nhiều NH phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất trên 10%. |
Thực tế, trong 5 năm trước, NHNN đã phải mua lại 3 NHTMCP với giá 0 đồng, gồm CBBank, Ocean Bank và Đông Á Bank. Hiện tại, các NH này vẫn lỗ lũy kế và bị âm vốn chủ sở hữu, trong khi quá trình tái cơ cấu gặp nhiều khó khăn và chưa thể hoàn tất.
Trong những diễn biến mới nhất từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, NHNN đang chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại các NH kể trên.
Trên thị trường tài chính hiện nay, các định chế tài chính Hàn Quốc đóng vai trò dẫn dắt chính trong các thỏa thuận mua/bán sáp nhập trên cả 3 lĩnh vực là NH, chứng khoán và bảo hiểm. Do vậy, không loại trừ khả năng cái tên “Hàn Quốc” lại được nhắc tới trong thương vụ mua cổ phần và tái cơ cấu NH yếu kém tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trước khi điều đó diễn ra, gánh nặng vẫn đặt trên vai NHNN. Giảm lãi suất điều hành, qua đó giảm lãi suất cho vay trên thị trường liên NH, đang hỗ trợ các NH thiếu thanh khoản ngắn hạn và góp phần ổn định mặt bằng lãi suất huy động.
Thế nhưng, đây chỉ là giải pháp tạm thời và hiện tượng phân hóa lãi suất huy động giữa các nhóm NH sẽ tiếp tục trong các tháng tiếp theo.