Đáp số nào cho bài toán đầu tư đường sắt

(ĐTTCO) - Nhiều hành khách đang than phiền về việc phải đi đổi vé vì tàu Hà Nội - Vinh vừa được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) thông báo tạm dừng từ ngày 21-2 do quá vắng khách. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thực ra, đây không còn là chuyện lạ của ngành đường sắt. Trên hầu hết các tuyến, ngành đường sắt đã phải cắt giảm nhiều đoàn tàu so với thời điểm trước dịch, vì càng chạy càng lỗ. 
Doanh thu vận tải khách của ngành đường sắt sụt giảm nghiêm trọng là nguyên nhân chính làm doanh thu của Tổng Công ty ĐSVN âm hơn 690 tỷ đồng trong năm 2021. Và với tình hình hiện tại, trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, Tổng Công ty ĐSVN cũng chỉ dự kiến giảm lỗ khoảng 100 tỷ đồng so với năm 2021, chưa dám “mơ đến hòa vốn và có lãi”!
Trong bối cảnh đó, đường sắt vẫn đang tiếp tục đề xuất hàng loạt dự án ngàn tỷ đồng, như dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đang được thi công; sửa chữa, nâng cấp hơn 40 nhà ga hành khách và hàng hóa trong giai đoạn 2022-2023, dự kiến khoảng 2.380 tỷ đồng; cải tạo, thay thế cầu yếu, nguy hiểm và tách giao thông đường bộ - đường sắt ở cầu chung, thực hiện trong giai đoạn 2022-2023 với khoảng 1.700 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM (các đoạn Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn) và cải tạo, nâng cấp các ga phía Bắc có tổng vốn hơn 3.100 tỷ đồng...
Đó là chưa kể, Cục ĐSVN vừa ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, trị giá hợp đồng gần 3.000 tỷ đồng. Một chi phí “thường niên” của ngành (!?).
Rõ ràng, nhìn vào thực trạng của ngành đường sắt, bài toán đầu tư là vô cùng khó giải. Về vận tải hành khách, đường sắt hiện rất khó cạnh tranh với đường bộ và hàng không, vì thời gian di chuyển chậm, chất lượng dịch vụ kém và giá vé không hấp dẫn. Khi vận tải hành khách giảm, vận tải hàng hóa được đẩy mạnh, thậm chí có thời điểm đạt mức tăng trưởng đến 2 con số, nhưng mức tăng trưởng này chưa đủ bù đắp doanh thu và không chắc chắn.
Bởi, theo dự báo, nếu năm 2022 vận tải biển nội địa khôi phục thị trường, vận tải hàng hóa đường sắt để tăng trưởng được 5%-10% sẽ rất khó. Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN Đặng Sỹ Mạnh thừa nhận rằng: “Đường sắt chỉ đặt mục tiêu giảm lỗ được chừng nào tốt chừng đó, còn để thoát lỗ thì rất khó”. 
Vậy thì những con số ngàn tỷ đồng đầu tư công nói trên sẽ hướng đến kết quả cụ thể nào? Vẫn biết các dự án đều có những luận chứng, luận cứ thuyết phục, nhưng thay vì những mục tiêu chung chung như tăng an toàn chạy tàu, tăng năng lực bốc xếp, tăng chất lượng dịch vụ, ngành đường sắt cần đưa ra những đáp số cụ thể hơn cho bài toán đầu tư, với lộ trình cụ thể về việc thoát lỗ và có lãi trong một tương lai gần.

Các tin khác