Dấu ấn kinh tế 2015

(ĐTTCO) - GDP tăng trưởng nhanh nhất 5 năm, lạm phát thấp cùng nhiều thành tựu đạt được trong hội nhập đang mở ra cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những băn khoăn khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn hạn chế trong lộ trình tham gia vào sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, những nỗ lực bền bỉ đã mang lại một năm 2015 đầy dấu ấn chuyển đổi và mở hướng tạo đà, hứa hẹn nhiều bứt phá trong năm mới.

(ĐTTCO) - GDP tăng trưởng nhanh nhất 5 năm, lạm phát thấp cùng nhiều thành tựu đạt được trong hội nhập đang mở ra cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những băn khoăn khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn hạn chế trong lộ trình tham gia vào sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, những nỗ lực bền bỉ đã mang lại một năm 2015 đầy dấu ấn chuyển đổi và mở hướng tạo đà, hứa hẹn nhiều bứt phá trong năm mới.

 

1. GDP cao nhất 5 năm

Mặc dù năm nay giá dầu giảm kỷ lục, nhưng GDP cả nước ước đạt 6,68%, cao hơn mục tiêu 6,2% Quốc hội đề ra và cao nhất trong vòng 5 năm qua, tạo đà cho sự phát triển 5 năm tới. Nhìn lại 10 năm qua, 6,5% hay 6,7% tăng trưởng GDP không phải là mức cao khi mục tiêu kỳ vọng tăng trưởng đặt ra là 7-7,5%. Nhưng với mức tăng ổn định GDP gần đây, cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu hồi phục. Năm 2015 cũng là thời điểm kết thúc một chặng đường phát triển 5 năm, nên con số GDP trên có thể coi là bước đệm tốt đẹp khởi đầu cho chặng đường 5 năm, tới. Đây cũng là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam cải cách mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng.

2. Lạm phát thấp nhất trong 14 năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014; bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05%. Đây là tốc độ tăng thấp nhất kể từ năm 2001. Thông thường, CPI tăng thấp là dấu hiệu cho thấy tổng cầu suy giảm, tuy nhiên mức tăng thấp của CPI năm nay lại là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế. CPI ở mức thấp và ổn định sẽ tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ theo cơ chế thị trường.

3. Ký kết nhiều FTA, kết thúc đàm phán TPP

Ngày 5-10-2015, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được thông qua, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài hơn 5 năm. Với Việt Nam, một đất nước có GDP vào loại thấp nhất so với các thành viên còn lại, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.

Trong năm 2015, Việt Nam đã ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương quan trọng. Đó là FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA) với các nội dung mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu; xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Hay FTA giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, được kỳ vọng đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu 2 bên đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020. Hoặc Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).

Đặc biệt, ngày 31-12-2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành. Trong số các FTA, sự cắt giảm thuế quan trong AEC cao nhất, về tự do hàng hóa và dịch vụ sự cam kết trong AEC cũng cao nhất. Cơ hội cho doanh nghiệp khi AEC hình thành là mở ra nhiều thị trường và tạo khí thế, động lực mới cho doanh nghiệp.

4. Ứng phó thành công giá dầu giảm sâu

Giá dầu thô vẫn tiếp tục lao dốc trong năm 2015 và cuối năm ở quanh mốc 35USD/thùng, đã tác động trực tiếp tới thu ngân sách và nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của Chính phủ, nền kinh tế đã không phải chịu nhiều tác động tiêu cực khi giá dầu giảm, thậm chí còn tận dụng được nhiều thuận lợi. Thay vì chiếm tỷ trọng khoảng 20% như trước đây, thu từ dầu thô hiện chỉ còn chiếm khoảng 6% trong cơ cấu thu ngân sách. Trong khi đó, giá dầu giảm đã giúp cho giá xăng dầu nhập khẩu giảm, tác động tích cực đến nền kinh tế, khi đây là nguyên liệu đầu vào cơ bản. Hiện chi phí xăng dầu chiếm tới 40-50% chi phí sản xuất, nên xét về lợi ích nền kinh tế, việc giá xăng dầu giảm có thể giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp.

5. Nhập siêu quay trở lại sau 3 năm

Sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, nhập siêu đã chính thức quay trở lại trong năm 2015 khi cán cân thương mại cả nước thâm hụt 3,2 tỷ USD. Việc nhập siêu quay trở lại cho thấy xuất siêu trong những năm qua không bền vững và Việt Nam vẫn bị phụ thuộc nhập khẩu ở một số thị trường lớn. Đáng chú ý, mức nhập siêu từ Trung Quốc và ASEAN vẫn tăng khá cao do nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên, việc nhập siêu quay trở lại cũng thể hiện nền kinh tế đang có những khởi sắc khi nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp tăng lên.

6. Top đầu ASEAN về cải cách môi trường kinh doanh

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 do Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy Việt Nam đã tăng được 3 bậc so với năm ngoái, đứng thứ 90 trong tổng số 189 nền kinh tế. Những chỉ số quan trọng được ghi nhận: nộp thuế đã tăng 4 bậc (172 lên 168); khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, (125 lên thứ hạng 119), tiếp cận điện năng tăng 22 bậc (130 lên 108), tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc (36 lên 28). Tuy nhiên, vị trí của Việt Nam có thể sẽ cao hơn vì báo cáo trên chỉ ghi nhận các chính sách cập nhật của 2 năm trước. Trong khi, 2 năm qua, cải cách môi trường kinh doanh đã được Chính phủ thực hiện quyết liệt theo Nghị quyết 19 trên mọi lĩnh vực, và áp theo chuẩn chung quốc tế. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực từ 1-7-2015. Cuối năm, các Nghị định về đăng ký kinh doanh, hướng dẫn các luật trên ra đời góp phần thúc đẩy những sáng kiến cải cách đột phá nhất để 2 luật này đi vào cuộc sống.

7. Ngân sách thâm hụt, nợ công 61,3% GDP

Giá dầu xuống thấp kỷ lục khiến nguồn thu ngân sách thâm hụt. Bộ Tài chính công bố năm nay ngân sách cả nước vượt dự toán 17.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách Trung ương dự kiến hụt 31.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương tăng thu 47.700 tỷ đồng. Dù tổng thể không đáng lo, nhưng với khoản hụt thu khổng lồ của ngân sách Trung ương lại là vấn đề lớn, đặc biệt với các khoản nợ, chi cải cách tiền lương, chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Đến ngày 31-12-2015, mức dư nợ công dự kiến khoảng 61,3% GDP, tăng hơn năm ngoái 59,6% và cao cách biệt so với năm 2011 (50,8%). Bình quân 5 năm qua (2011-2015), nợ công tăng tới 20%. Áp lực trả nợ công ngày càng lớn và năm 2015 Chính phủ phải vay tới 125.000 tỷ đồng để đảo nợ.

8. Bùng nổ thu hút FDI

Năm 2015, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết mới và vốn thực hiện đều tăng so với năm 2014. Theo đó, nguồn vốn FDI cấp mới và tăng thêm đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm ngoái. Trong số này, có 2.013 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỷ USD, tăng 26,8% về số dự án so với cùng kỳ 2014. Nguồn vốn FDI thực hiện ước tính đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký. Tỉnh Bắc Ninh dẫn đầu với số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 3,32 tỷ USD. Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2,7 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký.

9. Chung tay cứu nông sản

Tăng trưởng nông nghiệp chậm lại, xuất khẩu nhiều mặt hàng nòng cốt gặp khó, nông thôn đối mặt với nhiều vấn đề xã hội bức xúc, chuyện thực phẩm bẩn tràn lan... đã thực sự gióng hồi chuông báo động, đòi hỏi ngành phải cải tổ lớn, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập TPP. Giá nông sản từ muối, chanh, khoai lang, dưa hấu, hành tím, ổi đến hành tây, thanh long, cà chua... rớt giá thảm hại, có loại phải đổ bỏ cả tấn, vô cùng lãng phí, là minh chứng rõ nhất về một nền sản xuất manh mún và thiếu liên kết. Vì thế, chưa năm nào, người dân ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM... phải phát động phong trào thiện nguyện, kêu gọi tiêu thụ nông sản như năm 2015.

Các tin khác