Đầu vào giảm, đầu ra chờ

Những ngày qua, đồng loạt nhiều NHTM hạ lãi suất huy động. Tuy nhiên, điều tiếp theo thị trường đang ngóng chờ là lãi suất cho vay có được kéo giảm hay không.

Những ngày qua, đồng loạt nhiều NHTM hạ lãi suất huy động. Tuy nhiên, điều tiếp theo thị trường đang ngóng chờ là lãi suất cho vay có được kéo giảm hay không.

Huy động giảm do tín dụng âm

Mới đây, các NHTM đã đồng loạt hạ lãi suất huy động kỳ hạn 1-3 tháng 0,1-0,4%. Song song đó, một số NH cũng giảm lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng. Trước thông tin năm 2014 NHNN có thể giảm lãi suất cho vay 1-2%, lẽ ra đây là tín hiệu mừng đối với doanh nghiệp (DN) vì lãi suất huy động hạ xuống sẽ tạo điều kiện để kéo giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc các NH hạ lãi suất huy động lại bắt nguồn từ việc tăng trưởng tín dụng âm. Theo công bố mới đây, tính tới ngày 20-1 tăng trưởng tín dụng giảm tới 1,21% trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ giảm 1,06%. Trong khi đó, nguồn vốn huy động sau tết lại rất dồi dào, dẫn đến dư thừa thanh khoản, tạo áp lực chi phí cho các NH.

Trước đó, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của các NHTM năm 2013 cũng cho thấy, tăng trưởng vốn hy động cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng nên các NH đang dư thừa hàng trăm tỷ đồng. Trong tuần thứ 2 của tháng 2, lãi suất giao dịch bình quân liên NH so tuần đầu tiên đã đi theo xu hướng giảm ở hầu hết kỳ hạn.

Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm trong tuần ở mức 2,19%/năm, giảm 1,39%/năm so với tuần trước đó. Lãi suất các kỳ hạn còn lại dao động trong khoảng 2,7-7,1%/năm với mức giảm từ 0,62%/năm đến 1,59%/năm. Về vấn đề này, phó tổng giám đốc một NHTMCP có trụ sở tại TPHCM thừa nhận trong tháng đầu năm, thanh khoản của các NH dồi dào nhưng dư nợ cho vay không tăng, nếu tiếp tục huy động vốn với mức lãi suất trước đó NH phải gánh chi phí rất lớn.

Vì vậy, các NH đã hạ lãi suất huy động để giảm bớt áp lực. Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia nhận định rằng xuất phát điểm của việc hạ lãi suất huy động là do NH ế vốn, thanh khoản dồi dào, lợi nhuận thu về từ cho vay không bù đắp nổi chi phí nên xu hướng này chưa chắc đã bền vững. Hiện giữa các NH vẫn đang có sự cạnh tranh rất lớn, nếu nhu cầu vốn quay trở lại, lãi suất có thể sẽ nhích lên.

Cho vay giảm: phụ thuộc nhiều vấn đề

Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, liệu lãi suất cho vay có giảm như kỳ vọng của thị trường? Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng nói về lãi suất cần nhìn nhận 2 vấn đề.

Thứ nhất, lãi suất thuộc về gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN đã có công cụ khuyến khích để tạo lợi ích, cơ chế nhất định cho các NHTM hạ lãi suất, như gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà, hay các gói hỗ trợ tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, DNVVN, DN xuất khẩu, DN ứng dụng công nghệ cao.

Thứ hai, về lãi suất chung, nếu nói khả năng giảm lãi suất thì hiện nay lạm phát mục tiêu cũng như kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam năm 2014-2015 đều quanh mức 7%. Như vậy, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và dài hơn rất khó giảm dưới 7%, đặc biệt càng khó hơn nếu một số thị trường tài chính khác có cơ hội đầu tư lớn hơn.

Vậy nếu lãi suất huy động khó giảm, lãi suất cho vay bình thường có hạ được? Vấn đề này phụ thuộc vào 2 điều kiện. Một là, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Bởi Nhà nước muốn phát hành thêm rất nhiều trái phiếu, nên muốn huy động được trái phiếu, lãi suất trái phiếu phải hấp dẫn.

Không phải ngẫu nhiên Thống đốc NHNN từng kỳ vọng kéo lãi suất cho vay từ 12-13%/năm xuống còn khoảng 9-12%/năm. Muốn kéo giảm lãi suất phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và NHNN. Thứ hai, lãi suất cho vay có giảm hay không phụ thuộc vào thanh khoản của hệ thống NHTM, tức với lãi suất huy động như vậy nhưng NH có dư thừa vốn không. Nếu dư thừa vốn, có nghĩa khả năng cung cao hơn sẽ buộc NH phải giảm lãi suất cho vay.

Đây là vấn đề NHNN đang cố gắng điều tiết thanh khoản để đảm bảo không những ổn định mà còn góp phần hạ lãi suất.

Bên cạnh đó, một số hành động và vấn đề hiện nay nếu làm tốt hơn, chẳng hạn như xử lý vấn đề nợ xấu nhanh hơn sẽ giảm chi phí cho NHTM, qua đó sẽ kéo giảm được lãi suất, giảm chênh lệch lãi suất huy động và cho vay. Bởi nếu còn nợ xấu, NH phải trích lập dự phòng rủi ro, tức chi phí tăng sẽ khiến lãi suất cho vay khó hạ.

Các tin khác