Ủy quyền công tác cấp giấy
Cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân là công việc khá mất thời gian, đòi hỏi hồ sơ phải đầy đủ, chính xác. Ngoài ra còn yêu cầu một loạt nội dung liên quan như tài sản trên đất, giấy phép xây dựng, nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân liên quan đến bất động sản cần cấp giấy…
Với những thủ tục như vậy việc trễ hẹn trong công tác cấp giấy xảy ra thường xuyên, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ là trước đây nhiều loại hồ sơ phải gom về một đầu mối là Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TP để “ký tên, đóng dấu”.
Để giải quyết những tồn tại này, năm 2021 UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 08 cho phép Giám đốc Sở TN-MT ủy quyền cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức và 21 quận, huyện được ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp trước đây thuộc thẩm quyền của Văn phòng Đăng ký đất đai TP, nhằm giúp việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ngày càng tốt hơn. Việc phân cấp, ủy quyền gồm mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế; cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…
Như vậy, Quyết định 08 thể hiện sự quyết liệt của UBND TP trong việc cải cách thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết: “Trước đây, thay vì Giám đốc Sở TN-MT ký, nay đã ủy quyền một bước cho Văn phòng Đăng ký đất đai TP ký. Bây giờ mạnh dạn một bước nữa là đưa xuống các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện. Như vậy luật chúng ta chấp hành tốt và chúng ta dùng cơ chế, chính sách để xử lý những vấn đề đòi hỏi, bức xúc của TP”.
Ông Lê Thành Phương, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP, kiêm Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức, cho biết trên địa bàn TP Thủ Đức từ đầu năm đến nay tiếp nhận gần 70.000 hồ sơ, hiện đã giải quyết hơn 65.000 hồ sơ. Nếu như trước kia tỷ lệ hồ sơ chậm lên đến 30%, nay kéo giảm còn trên dưới 5%. Bên cạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, việc ủy quyền cho các Chi nhánh giải quyết một số hồ sơ, cũng góp phần rút ngắn thời gian khá nhiều.
Kiến nghị giải quyết những bất cập
Kiến nghị giải quyết những bất cập
Trước những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý đất đai, trong khi Luật Đất đai 2013 chưa được sửa đổi, TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp quản lý trong khuôn khổ quy định cho phép, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.
Mới đây, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng đã có văn bản kiến nghị, góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tháo gỡ những bất hợp lý hiện nay. Một trong những kiến nghị đáng chú ý, là cần phân cấp cho HĐND TPHCM được quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa; rút ngắn thời gian thông báo đối với đất nông nghiệp từ 3 tháng xuống còn 1 tháng, đất ở từ 6 tháng xuống còn 3 tháng; phân cấp việc xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ cho UBND cấp huyện thực hiện...
Lãnh đạo Sở TN-MT còn kiến nghị nghiên cứu triển khai việc thu hồi đất theo quy hoạch với vai trò chủ đạo của tổ chức phát triển quỹ đất, hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước, nhằm đưa cơ chế Nhà nước thu hồi đất gần với cơ chế thị trường. Trong đó, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thể hiện được nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan. Việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện chủ yếu bằng phương thức đấu giá đất đối với đất đã thu hồi theo quy hoạch.
Để thực hiện việc này cần phát triển hệ thống thông tin đất đai, trên nguyên tắc đáp ứng được yêu cầu của quản lý đất đai điện tử như một thành phần của Chính phủ điện tử, đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu.
Phân cấp, ủy quyền cho TPHCM nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng, với mục đích nâng cao năng lực công tác quản lý, phát huy hiệu quả phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có việc phát huy hiệu quả khai thác tiềm năng tài nguyên đất, là những vấn đề được người dân quan tâm.
Vấn đề này đã được cụ thể hóa bằng thực hiện thí điểm Nghị quyết 54 của Quốc hội về những chính sách đặc thù cho TPHCM. Tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc phân cấp ủy quyền này cần cụ thể hơn, mạnh hơn nhằm phát huy hơn nữa sự chủ động, sáng tạo của TP.
Chủ tịch nước NGUYỄN XUÂN PHÚC: Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho TPHCM Phát biểu kết luận trong buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM về tình hình kinh tế xã hội và thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM cuối tuần qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, TPHCM đã mạnh mẽ vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế xã hội với nhiều chỉ tiêu rất ấn tượng. Theo Chủ tịch nước, điều đáng mừng, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã có nhiều cách làm mới, đoàn kết, quyết tâm cao, có ý chí, mang lại sự tươi mới, sức sống mới cho TP. Chủ tịch nước nêu lên những khó khăn thách thức TPHCM phải đối mặt. Trong đó, vị trí vai trò đầu tàu tăng trưởng của TPHCM với cả nước và phía Nam đang giảm dần, có những nguyên nhân về bất cập ngày càng nghiêm trọng về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cần tìm cách làm mới hiệu quả hơn. Nền công vụ địa phương cũng bất cập so với quy mô, tốc độ phát triển của TP. Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 16, Nghị quyết 54, Chủ tịch nước nhận xét, thời gian qua TPHCM đã triển khai có nhiều kết quả, nhưng vẫn còn hạn chế, chưa tận dụng và phát huy hết được. Theo Chủ tịch nước, các ý kiến tại hội nghị lần này đều ủng hộ nên có cơ chế mới cho TPHCM với nội dung thiết thực hơn, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho TPHCM, trong đó có những nội dung về quy hoạch, đầu tư, xây dựng. Chủ tịch nước nhấn mạnh nếu TPHCM chuẩn bị tốt, báo cáo sớm với Bộ Chính trị, để năm 2023 có thể có cơ chế mới cho TPHCM. Tinh thần là phải tạo điều kiện thuận lợi hết sức để TPHCM thực hiện thành công cơ chế thí điểm mới, sẽ tạo thế và lực để trước hết giải quyết được những bức xúc cho TPHCM, như ùn tắc giao thông, ngập lụt, sụt lún… |