Tiếc rằng trong hội nghị của Chính phủ vừa qua bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… vẫn chưa nói nhiều về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông dòng vốn bị tắc nghẽn từ đâu?
TS. Lê Xuân Nghĩa: - Đúng là hiện nay toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) còn khoảng trên 700.000 tỷ đồng có thể bơm vào nền kinh tế. Trong khi đó tín dụng tăng trưởng còn chậm, một phần do kinh tế chung khó khăn kéo theo khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) và nhu cầu vốn của người dân còn yếu, một phần do khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng của DN không nhiều. Điều này cho thấy các TCTD cần bám sát vào từng lĩnh vực, ngành nghề để linh hoạt hơn về điều kiện cho vay.
Phía DN cũng phải tích cực nghiên cứu và tìm kiếm thị trường đầu ra, cũng như môi trường đầu tư trong tương lai trung hạn và dài hạn, tránh chuyện vay vốn đầu tư rồi lại không có thị trường. Đơn cử như thị trường châu Âu, yêu cầu hàng xuất khẩu vào EU phải có báo cáo phát thải khí nhà kính. Từ năm 2024, Việt Nam có 5 mặt hàng xuất khẩu vào EU phải có báo cáo này, và từ năm 2026 tất cả hàng xuất khẩu vào EU đều phải báo cáo, nếu phát thải vượt quá mức quy định phải nộp thuế. Đây là rào cản kỹ thuật rất nghiêm trọng cho tất cả các DN Việt Nam.
Một khu vực mà có thể tạo ra mức độ tăng trưởng rất lớn về tín dụng và cả GDP lại có sức cầu lớn, đó là nhà ở giá rẻ, NoXH. Nhưng rất tiếc vấn đề này không thấy được nói trong Hội nghị tháo gỡ tín dụng vừa rồi.
Bởi phần nhiều nguyên vật liệu sản xuất hàng xuất khẩu của chúng ta đang nhập khẩu ở một vài quốc gia không có báo cáo này, tức không thể xuất khẩu sang EU được. Đến bây giờ nhiều DN sản xuất hàng xuất khẩu đang nghe ngóng, nhiều DN không biết đến lúc đó “còn tồn tại” nữa không nên không đầu tư, không vay vốn.
Do vậy ngân hàng (NH) cũng lo lắng khi cho vay, vì hàng DN không xuất được cũng khó thu hồi vốn. Tại hội nghị, Thủ tướng không trực tiếp nhấn mạnh ý này, nhưng Thủ tướng cho rằng DN cần phải nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đầu ra cho vững chắc mới tạo lòng tin cho NH.
Bên cạnh đó, cầu thế giới đang rất thấp, do xu hướng tiết kiệm tiêu dùng gia tăng vì lạm phát cao, rồi giá nhiên liệu, điện khí đắt đỏ khiến chi tiêu phải giảm. Cầu trong nước cũng rất yếu, theo số liệu thống kê tổng mức bán lẻ hàng hóa năm nay chỉ tăng 10%, nếu trừ đi lạm phát chỉ tăng có 7%, trong khi những năm trước mức tăng 17, 18 và 19%. Đầu ra của DN sản xuất kinh doanh khó khăn thì đương nhiên đầu ra của các NH cũng bóp lại.
- Nhưng có ý kiến cho rằng phía NH quá thận trọng, quá lo bảo đảm an toàn. Bởi nhu cầu vay của DN rất lớn nhưng không tiếp cận được vốn do không đáp ứng được điều kiện cho vay?
- NH cho vay phải chú ý 2 khía cạnh: khả năng trả nợ và tài sản đảm bảo, nhưng quan trọng nhất là khả năng trả nợ. Nếu NH chỉ quan tâm đến tài sản đảm bảo thì NH khác gì hiệu cầm đồ. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các TCTD phải tập trung quan tâm đến khả năng trả nợ. Nếu dự án có khả năng trả nợ có thể linh hoạt cho vay mà không cần tài sản đảm bảo. Tức phải nâng cao trình độ thẩm định dự án, nâng cao trình độ xếp hạng tín nhiệm của khách hàng, nâng cao trình độ đánh giá rủi ro để tạo khung pháp lý cho vay linh hoạt.
Hiện nay lãi suất liên tục hạ, điều kiện cho vay cũng thoáng hơn. Trước đây NH cho vay bằng 65-70% giá trị tài sản thế chấp, nay có NH chấp nhận cho vay với khoản vay bằng 80% giá trị tài sản.
Do vậy theo tôi kêu nhiều chắc ở khối DN bất động sản (BĐS), còn các DN sản xuất, đầu tư và kinh doanh quốc tế không than phiền, do không có đầu ra nên không mở rộng sản xuất và không vay vốn. Việc Thủ tướng liên tục tổ chức những hội nghị thúc đẩy tín dụng mà vốn vẫn tắc nghẽn, cho thấy khó khăn trong nền kinh tế vẫn chưa nhìn thấy lối ra.
- Vậy đâu là lời giải cho bài toán tín dụng? Mở van tín dụng thế nào để tiền đi vào sản xuất kinh doanh, hạn chế cho vay những thị trường nhạy cảm?
- Thủ tướng đã chỉ đạo hàng loạt giải pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó có nhiều giải pháp mới để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng; NH cần bám sát các lĩnh vực, ngành nghề, linh hoạt hơn về điều kiện cho vay… và cần đánh giá triển vọng dòng tiền nhiều hơn, sát hơn. Không hạ chuẩn tín dụng nhưng xử lý linh hoạt; đẩy mạnh sử dụng các công cụ thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ công cụ hành chính.
Với các thị trường nhạy cảm như BĐS, cần hiểu rằng đó là BĐS cao cấp, còn NoXH, nhà ở giá rẻ Thủ tướng cũng chỉ đạo cần thúc đẩy, nới lỏng điều kiện cho vay. Trong 3 động lực để phát triển kinh tế, động lực quan trọng là đầu tư. Hiện đầu tư công và FDI khá tốt, hứa hẹn năm sau sẽ còn tăng lên, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân nội giảm mạnh.
Vậy phải làm sao để khu vực tư nhân khởi sắc trở lại? Bởi nếu khu vực tư nhân không khởi sắc, kinh tế khó có thể tăng trưởng như mục tiêu Quốc hội yêu cầu. Do vậy hàm ý chỉ đạo của Thủ tướng là năm tới đẩy đầu ra của tín dụng lên, đó là đầu tư vào phân khúc NoXH và nhà ở giá rẻ. Phân khúc này đang có cầu thực và rất lớn, nhu cầu thanh toán của người dân cũng rất lớn. Đẩy được đầu tư vào đây, vừa có tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người dân, vừa tăng được tín dụng.
Như vậy, một khu vực mà có thể tạo ra mức độ tăng trưởng rất lớn về tín dụng và cả GDP lại có sức cầu lớn, đó là nhà ở giá rẻ, NoXH. Nhưng rất tiếc vấn đề này không thấy được nói trong hội nghị tháo gỡ tín dụng vừa rồi. Các dự án nhà ở giá rẻ, NoXH vừa qua rất chậm, vấn đề này không phải lỗi của NH, lại càng không phải lỗi của dân, mà chắc chắn phần nhiều là trách nhiệm của chính quyền.
Nếu cứ kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến hệ quả: dù thị trường BĐS phục hồi nhưng vẫn phục hồi ở phân khúc cao cấp. Cuối cùng vẫn quay lại một vòng “bong bóng” BĐS. Và lại tiếp tục phần lớn người dân nghèo Việt Nam, cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân… vẫn ở ngoài cuộc, không chạm tay vào ước mơ có nhà.
- Xin cảm ơn ông.