Để ăn tết an toàn

(ĐTTCO)-Đã thành thông lệ, năm hết - tết đến, cũng là thời điểm mà thị trường thực phẩm trở nên sôi động, phong phú nhất khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao.

(ĐTTCO)-Đã thành thông lệ, năm hết - tết đến, cũng là thời điểm mà thị trường thực phẩm trở nên sôi động, phong phú nhất khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao.

 

Tuy nhiên song hành với đó là tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm không ngừng gia tăng, diễn biến phức tạp và tinh vi khiến cho người dân, cũng như cộng đồng xã hội không khỏi hoang mang, lo lắng về bệnh tật, ngộ độc và dịch bệnh lây truyền qua đường ăn uống.

Quả thực, nỗi bức xúc và lo lắng của người dân cho sức khỏe, tính mạng của bản thân mỗi dịp tết đến xuân về là hoàn toàn có cơ sở khi liên tiếp trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện hàng trăm vụ vận chuyển, buôn bán, sản xuất thực phẩm bẩn. Thậm chí càng gần tới thời điểm cận Tết Nguyên đán, gần như ngày nào cũng phát hiện các vụ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm diễn ra ở nhiều tỉnh thành phố.

Hàng chục, hàng trăm tấn nội tạng động vật, thịt động vật, gia cầm thiu thối, mốc xanh mốc đỏ, không qua kiểm dịch liên tiếp bị các cơ quan chức năng từ Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng cho tới TPHCM phát hiện vào dịp cuối năm. Cùng với đó là vô số mặt hàng thực phẩm khác như: bánh kẹo, đường sữa, hạt dưa, rượu bia, nước giải khát, mứt tết... không rõ nguồn gốc, thấm đẫm hóa chất nguy hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, thậm chí ung thư... được bày bán tràn lan trên thị trường.

Bên cạnh đó, các sản phẩm giò, chả cũng chủ yếu vẫn được sản xuất theo kiểu thủ công nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không đảm bảo nên chất lượng rất khó được kiểm soát. Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn nằm ngoài tầm quản lý của cơ quan chức năng khiến cho thị trường vẫn xuất hiện các loại thịt bẩn.

Tất cả những vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện liên tiếp trong thời gian gần đây là bằng chứng để mỗi người dân và cộng đồng xã hội còn nơm nớp với nỗi lo sợ ngộ độc khi mua và sử dụng phải thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, nhất là vào dịp tết. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp ở các địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn và xử lý tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên nói gì thì nói, sự nỗ lực trong việc ngăn chặn thực phẩm bẩn của Bộ Y tế, Bộ NN-PTNN, Bộ Công an, Bộ Công thương và nhiều địa phương là không thể phủ nhận nhưng so với thực tế diễn biến của tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay là khá khiêm tốn. 

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Bính Thân 2016, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương an toàn thực phẩm đã triển khai nhiều kế hoạch cụ thể để phục vụ nhân dân đón tết, vui xuân an toàn và bảo đảm sức khỏe, với mục tiêu lớn nhất là phấn đấu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, các đoàn thanh tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã/phường sẽ tăng cường thanh kiểm tra, bảo đảm số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều như: rượu, bia, nước giải khát, thịt, bánh kẹo... và các chợ đầu mối, siêu thị, làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu và các thành phố lớn. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện cơ sở nào không bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ rút giấy phép hoạt động, kiên quyết không để các cơ sở đó cung cấp thực phẩm không an toàn cho người tiêu dùng. Nếu phát hiện đơn vị, cơ sở nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm và đồng thời công khai rộng rãi trên báo chí để người dân biết.

Quả thực, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm mỗi dịp tết là công việc bắt buộc các cơ quan chức năng phải triển khai thực hiện, nhưng lại mang tính thời vụ nên khó có thể đem lại sự an tâm cho người dân. An toàn thực phẩm hay chuyện cái ăn, cái uống là vấn đề dân sinh có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân và sự ổn định của đời sống xã hội. Do đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm, đòi hỏi công tác kiểm tra giám sát phải thường xuyên và chặt chẽ, không nên để tình trạng đến hẹn lại kiểm tra.

Hơn nữa, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải nâng cao và thể hiện rõ ràng, quyết liệt hơn trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm, xử lý thật nghiêm minh mọi trường hợp, hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Quan trọng hơn, bản thân mỗi người dân không chỉ cần biết cách chọn mua và sử dụng thực phẩm hợp lý mà còn phải biết tẩy chay và sẵn sàng tố giác, phản ánh mọi hành vi kinh doanh, vận chuyển hay sản xuất thực phẩm không an toàn, cần coi việc tham gia phòng chống thực phẩm độc hại là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân.

Các tin khác