Vô tư xâm phạm
Để cung cấp nước sạch cho người dân TPHCM, ngành cấp nước thành phố lấy nước thô từ sông Sài Gòn (tại trạm Hòa Phú, huyện Củ Chi, TPHCM) và từ sông Đồng Nai (trạm bơm Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Từ các trạm bơm này, nước được dẫn về cụm Nhà máy nước Tân Hiệp và Nhà máy nước Thủ Đức để xử lý, rồi cung cấp cho người dân.
Trong đó, trạm Hòa Phú bơm nước thô vào 2 tuyến ống D1500mm Hòa Phú - Tân Hiệp được lắp đặt dọc theo Tỉnh lộ 15 và đường Bến Than, để đưa về cụm Nhà máy nước Tân Hiệp. 2 tuyến ống này dài khoảng 9,1km, đi qua 3 xã Hòa Phú, Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) và Tân Hiệp (huyện Hóc Môn).
Hiện nay, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ tuyến ống nước thô diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, trước quá trình đô thị hóa, các chung cư, công trình, xí nghiệp, hộ dân xây dựng xâm phạm hành lang càng phổ biến. Những vi phạm cũ chưa được giải quyết thì tiếp tục phát sinh vi phạm mới.
Các công trình lấn chiếm hành lang an toàn, xây dựng trên tim đường ống nước thô Hòa Phú - Tân Hiệp.
Điều đáng nói, Thành ủy, UBND TPHCM đã có chỉ thị, kế hoạch lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các hành vi xây dựng trái phép lấn chiếm hành lang an toàn này được Nhà máy nước Tân Hiệp lập biên bản ghi nhận và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ nhưng kết quả xử lý rất chậm.
Cụ thể, trong 3 xã mà 2 tuyến ống D1500mm Hòa Phú - Tân Hiệp đi qua, có thể nhận thấy tình trạng lấn chiếm ở xã Tân Hiệp là tương đối trật tự còn ở 2 xã Hòa Phú, Tân Thạnh Đông thì rất phức tạp, trong đó có công trình xây dựng ngay trên tim đường ống nước. Số liệu của Nhà máy nước Tân Hiệp đến đầu tháng 9-2019 cho thấy, ở xã Tân Thạnh Đông hiện có 41 trường hợp lấn chiếm, ở xã Hòa Phú có 31 trường hợp.
Dọc theo 2 tuyến ống cấp nước D1800mm và D2400mm của Nhà máy nước Thủ Đức cũng xảy ra lấn chiếm hành lang an toàn phức tạp không kém. Việc xâm phạm không chỉ là xây dựng công trình mà còn đổ rác thải, làm hồ chứa nước thải; san lấp, móc đất lấp mặt bằng; thảm nhựa, đổ bê tông làm đường… trong hành lang bảo vệ tuyến ống nước thô. Nghiêm trọng hơn là việc đục phá các hầm van, công trình phụ trợ trên lưng các tuyến ống, hoặc di dời, phá gãy các cột mốc tim, biên; các trụ mốc chống lún.
Gian nan xử lý
Để đảm bảo an toàn cho các tuyến ống cấp nước trên, ngành cấp nước TPHCM đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo ra hành lang bảo vệ, như đường ống nước thô cho Nhà máy nước Tân Hiệp có hành lang an toàn từ 18m đến 24m. Dọc theo hành lang này, ngành cấp nước cắm các trụ cột mốc đánh dấu “tuyến ống cấp nước”. Nhà máy nước Tân Hiệp, Nhà máy nước Thủ Đức cũng phối hợp với chính quyền địa phương nơi có tuyến ống nước đi qua để giải quyết các trường hợp xâm phạm.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý đạt kết quả rất thấp. Theo Nhà máy nước Thủ Đức, các tuyến ống nước thô đi qua nhiều tỉnh thành nên công tác xử lý càng gian nan hơn. Cụ thể, các tuyến ống nước thô của nhà máy đi qua xã Hóa An (TP Biên Hòa); các phường Đông Hòa, Bình An, Tân Đông Hiệp (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và phường Linh Trung (quận Thủ Đức, TPHCM).
Không chỉ các hộ dân mà cả doanh nghiệp cũng lấn chiếm hành lang. Điển hình, Nhà máy nước Thủ Đức đã nhiều đề nghị chính quyền xử lý việc Doanh nghiệp tư nhân Gốm sứ Đồng Tâm (TP Biên Hòa) làm gãy 7 cột mốc tim, biên hành lang bảo vệ tuyến ống D2400mm; “lập bãi rác phế thải” rộng khoảng 2.500m2 và trồng cây lấn chiếm hành lang tuyến ống này. Các cột mốc xâm hại cách nay đã… 10 năm, được Nhà máy nước Thủ Đức nhiều lần gửi văn bản yêu cầu khôi phục nhưng doanh nghiệp này không thực hiện.
“Các tuyến ống nước thô rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước thô cung cấp liên tục cho Nhà máy nước Tân Hiệp 1, Tân Hiệp 2”, đại diện Nhà máy nước Tân Hiệp bày tỏ và mong muốn, chính quyền địa phương hỗ trợ đơn vị kịp thời xử lý các hành vi xâm phạm mới cũng như xử lý rốt ráo các tồn tại cũ.