Bộ Tài chính vừa có công văn gửi xin ý kiến các bộ, ngành góp ý cho dự thảo Nghị định quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Trong tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị định, bộ này báo cáo hiện nay thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam. Qua theo dõi của cơ quan hải quan, số lượng hàng giao dịch qua thương mại điện tử phát triển nhanh, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh và vào các dịp lễ, giảm giá.
Theo thống kê của cơ quan hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan Hà Nội đạt kim ngạch 1,025 tỉ USD. Riêng kim ngạch tháng 6 là 416 triệu USD, gấp 5 lần kim ngạch của tháng 1.
Tuy nhiên, chính sách hiện hành chưa quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử. Một trong những nội dung nổi bật trong dự thảo là chính sách thuế đối với hàng hóa giao dịch qua kênh này.
Để đảm bảo cho công tác quản lý hải quan và cũng tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch qua thương mại điện tử, Bộ Tài chính đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 1 triệu đồng cũng được miễn thuế, nếu có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 100.000 đồng. Song, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được miễn thuế với hàng nhập khẩu không quá 1 đơn hàng/ngày và 4 đơn hàng/tháng.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo đơn hàng trên 1 triệu đồng và tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp trên 100.000 đồng thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với toàn bộ trị giá hàng hóa nhập khẩu.
"Quy định như trên nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách miễn thuế để chia, tách hàng hóa nhằm trốn thuế khi mua bán hàng qua giao dịch thương mại điện tử" - Bộ Tài chính giải thích.