Rộn ràng các hoạt động
Ghi nhanh trưa cùng ngày, dọc khu vực công viên Bến Bạch Đằng nhộn nhịp các hoạt động được tổ chức thành không gian di sản văn hóa đặc sắc, với các hoạt động như nhảy sạp, nhảy bao bố, đi cà kheo, gánh nước qua cầu, cờ tướng, trưng bày và hướng dẫn làm diều nghệ thuật… Du khách trong nước và quốc tế có dịp đi ngang qua đều rất thích thú theo dõi, chụp hình kỷ niệm…
Khách thích thú chụp hình tại không gian Lễ hội sông nước TPHCM (khu vực quận 1). Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Lễ hội diễn ra từ ngày 4 đến 6-8 tại cảng Sài Gòn - cảng hành khách tàu biển, công viên Bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Bình Đông và các khu du lịch, điểm đến trên địa bàn.
Bên cạnh đó, còn có những hoạt động thể thao dưới nước như giải đua thuyền ở Bến Bạch Đằng, trình diễn dù lượn, trình diễn bay bằng ván phản lực nước - flyboard, trình diễn chiếu sáng nghệ thuật khu dù lượn trên cao… Ngoài ra, vào các buổi tối, từ 30-40 tàu thuyền của các đơn vị đang khai thác du lịch trên sông Sài Gòn trang trí rực rỡ diễu hành dọc bờ sông để quảng bá về lễ hội…
Hoạt động đua thuyền diễn ra trên sông Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Điểm nhấn của lễ hội là show diễn thực cảnh “Dòng sông kể chuyện” lúc 20 giờ ngày 6-8, tại cảng Sài Gòn - cảng hành khách tàu biển… Chương trình tái hiện sự hình thành của tự nhiên, con người qua các thời kỳ Sài Gòn - Gia Định – Chợ Lớn - TPHCM trong 5 chương Khẩn hoang – Xây thành - Trên bến dưới thuyền – Thương cảng phồn vinh - Rạng rỡ thành phố bên sông. Có trên 750 diễn viên, nghệ nhân dân gian cùng ê kíp đạo diễn, chuyên gia, nghệ sĩ hàng đầu trong ngành nghệ thuật cùng bắt tay thực hiện sự kiện.
Định vị thương hiệu “đô thị sông nước”
Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, cùng với sự hình thành của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM hơn 300 năm qua, dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng - bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành và phát triển nhộn nhịp, làm nên đặc trưng riêng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM - một đô thị ven sông không chỉ gắn với phù sa mà còn dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập.
“Trên bến dưới thuyền”, do vậy, không chỉ là hoạt động cần tiếp tục thúc đẩy để phát triển kinh tế thành phố mà còn là nếp sống, là văn hóa, là di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng; đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển trên địa bàn thành phố; hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa, UBND TPHCM tổ chức “Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023” với chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật - thể thao đặc sắc cùng nhiều hoạt động trải nghiệm, các chương trình kích cầu thương mại, du lịch phong phú, hấp dẫn phục vụ người dân và du khách.
Lễ hội sông nước đang diễn ra tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Đến với lễ hội, người dân và du khách có thể trải nghiệm các chương trình du lịch đường thủy; trải nghiệm không gian “Trên bến dưới thuyền” tại Kênh Nhiêu Lộc, quận 1; Bến Bình Đông, quận 8 với các hoạt động hấp dẫn tái hiện nếp sống của cộng đồng cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM qua các thời kỳ và mua sắm nông sản, đặc sản của các địa phương.
Người dân và du khách cũng có thể hòa mình vào không khí sôi nổi của các hoạt động thể thao dưới nước và không gian văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian ở Bến Bạch Đằng, Công viên Lam Sơn.
“Chương trình được kỳ vọng sẽ lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho TPHCM cũng như truyền cảm hứng du lịch và khám phá điểm đến thành phố đến du khách trong nước và quốc tế, góp phần tạo khí thế, động lực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Hạn chế phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường
Nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tổ chức sự kiện nêu trên, Sở GTVT thông báo hạn chế lưu thông một số tuyến đường đi qua các khu vực tổ chức chương trình.
Đối với chương trình Không gian “Trên bến dưới thuyền” (quận 1) từ 8 đến 22 giờ từ ngày 4 đến 6-8, phương tiện hạn chế lưu thông đường Hoàng Sa, đường Trường Sa (đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè thuộc quận 1 và Bình Thạnh.
Chương trình Không gian “Trên bến dưới thuyền” (quận 8) từ 8 đến 21 giờ từ ngày 4 đến 6-8, người dân hạn chế lưu thông đường Bến Bình Đông. Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật Lễ hội Sông nước diễn ra lúc 20 giờ ngày 6-8, tổng duyệt lúc 17 giờ 30 ngày 4-8, các phương tiện hạn chế lưu thông đường Nguyễn Tất Thành, đoạn từ đường Hoàng Diệu đến cầu Khánh Hội (quận 4).
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải cùng các đại biểu tham quan không gian diễn ra lễ hội. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ngoài ra, các hoạt động thể thao dưới nước Giải đua thuyền TPHCM từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30 từ ngày 5 và ngày 6-8, người dân hạn chế lưu thông đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ cầu Khánh Hội đến cầu Ba Son (quận 1).
Tương tự, các hoạt động thể thao dưới nước khác diễn ra từ 8 đến 11 giờ ngày 6-8, người dân hạn chế lưu thông: đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ cầu Khánh Hội đến cầu Ba Son, quận 1; đường Hoàng Sa , đường Trường Sa (đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè), quận 1 và quận Bình Thạnh.
Đối với hoạt động diễu hành trên sông từ 19 giờ đến 19 giờ 40 từ ngày 4 đến ngày 5-8 và từ 21 giờ đến 21 giờ 40 ngày 6-8, các phương tiện hạn chế lưu thông: đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ cầu Khánh Hội đến cầu Ba Son (quận 1).
Sở GTVT yêu cầu người dân khi tham gia lưu thông không được phép dừng, đỗ xe hoặc tập trung trên các cầu và các tuyến đường khu vực diễn ra lễ hội. Người điều khiển phương tiện giao thông phải chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và hệ thống báo hiệu đường bộ.