Rủi ro lạm phát vẫn còn dai dẳng
Vừa qua, Thống đốc Christopher Waller của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã dội gáo nước lạnh vào kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất sớm, cho biết cần có thêm bằng chứng về việc giảm lạm phát trước khi Fed thực hiện động thái này.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 cho thấy, lạm phát ở mức 3.4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với tháng 3, với mức tăng hàng tháng 0.3%, thấp hơn một chút so với dự đoán của các nhà kinh tế Phố Wall.
Trước đây, các nhà giao dịch trên thị trường tương lai dự đoán có ít nhất 6 đợt cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 3. Tuy nhiên, do một loạt dữ liệu lạm phát nóng, dự đoán cho đợt cắt giảm đầu tiên đã được đẩy lùi đến tháng 9, với tối đa 2 lần cắt giảm trong năm.
Vẫn còn quá sớm để nói liệu Fed có cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không. Tuy nhiên, phát biểu của Thống đốc Waller cho thấy, Fed có thể sẽ thận trọng hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát được kiểm soát tốt hơn.
Tại cuộc họp chính sách gần nhất, các quan chức của Fed cũng lo ngại quá trình hạ nhiệt lạm phát đã chững lại, thậm chí còn có rủi ro lạm phát tăng trở lại.
Theo biên bản họp tháng 5/2024, các quan chức Fed tỏ ra thận trọng về thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ, nhất là khi dữ liệu lạm phát gần đây không mấy khả quan.
Các thành viên thấy rằng, dù lạm phát đã hạ nhiệt trong năm qua, nhưng quá trình này đã chững lại trong vài tháng gần đây. Dữ liệu của những tháng gần đây lại cho thấy sự gia tăng đáng kể ở một số hàng hóa và dịch vụ. Nhiều thành viên sẵn lòng thắt chặt chính sách thêm nếu lạm phát diễn biến theo hướng cần phải thắt chặt thêm.
Thị trường đã chuẩn bị sẵn sàng không có đợt cắt giảm lãi suất nào từ Fed
Ông Đinh Đức Quang - Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, thị trường kỳ vọng năm nay Fed sẽ có 2 đợt cắt giảm lãi suất, nhưng thực tế có nhiều dự báo chuẩn bị sẵn tư thế nếu không có đợt cắt giảm nào trong năm.
Giá của các tài sản trên thị trường đã được tính vào tình huống xấu nhất là không có đợt cắt giảm lãi suất nào. Thị trường đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc các nền kinh tế lớn tiếp tục giữ lãi suất cao ở mức lâu hơn. Và nếu Fed tiếp tục giữ lãi suất cao, không phải là tin tốt cho thị trường, nhưng không quá bất ngờ để có thể tạo ra cú sốc lớn.
Chắc chắn với cơ quan quản lý ở Việt Nam cũng đã có sẵn kịch bản để lường trước trường hợp xấu nhất do thị trường tạo ra. UOB tin rằng, chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ luôn dựa vào yếu tố cơ bản của thị trường. Yếu tố cơ bản của thị trường Việt Nam hiện nay không thay đổi về triển vọng tăng trưởng kinh tế, khả năng kiểm soát lạm phát và tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới, tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, bà Thiều Thị Nhật Lệ - Tổng Giám đốc công ty quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam nhận định, trường hợp Fed không cắt giảm lãi suất trong năm nay, đồng USD sẽ tiếp tục tăng, tạo ra áp lực lên tỷ giá lớn hơn. Trong trường hợp đó, mục tiêu hỗ trợ tiền VND của Ngân hàng Nhà nước sẽ gặp nhiều thách thức. Thêm vào đó, tỷ giá là yếu tố đầu tiên nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), từ đó tác động lên kinh tế Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM lại cho rằng, khi Fed duy trì lãi suất hiện tại lâu hơn dự kiến sẽ gây áp lực lớn với các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Vì khả năng Việt Nam không thể duy trì lãi suất hiện tại trong thời gian dài. “Giống như lội dòng nước ngược. Lội được nhưng chỉ trong ngắn hạn và sẽ kiệt sức. Nên xu hướng là Việt Nam phải tăng lãi suất trở lại, để tránh tác động quá lớn lên tỷ giá và lạm phát”.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế đánh giá, nếu Fed vẫn tiếp tục giữ lãi suất như hiện nay, yếu tố đầu tiên chịu tác động chính là tỷ giá VND/USD sẽ căng thẳng hơn. Hiện nay, NHNN đang kéo tỷ giá xuống. Từ khoảng tháng 4, chênh lệch tỷ giá giữa đồng VND và đồng USD đã tương đối cao, hơn 4%, thế nhưng NHNN đã kéo xuống chỉ còn khoảng hơn 3%. Ông Thịnh kỳ vọng tỷ giá sẽ ko bị áp lực lớn quá từ hoạt động của thị trường tài chính.
“Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái hiện nay, cũng như lãi suất của USD cũng đã cho phép Fed đã có thể hạ lãi suất thấp xuống. Thấy rằng lãi suất Fed hiện nay là 5.5%, trong khi lạm phát là 3.4%, thậm chí tháng 5 này có thể thấp hơn, vì thế cơ sở để hạ thấp lãi suất đã xuất hiện rõ ràng, đã có độ chênh tương đối lớn giữa lãi suất và lạm phát. Hoàn toàn có cơ hội giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng, giải quyết việc làm. Bài toán đặt ra là xử lý như thế nào, còn tôi cho rằng khoảng tháng 9 Fed sẽ có thể hạ lãi suất”, ông Thịnh dự báo.