Điều hành chính sách linh hoạt với nền tảng thực tế

(ĐTTCO) - Năm 2022 khép lại với những biến cố mà nền kinh tế toàn cầu không thể dự báo hay lường trước. Thế nhưng với Việt Nam mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vẫn định hướng vượt khó để tăng trưởng. Vậy 2023 cần giải pháp gì để có thể tiếp tục giữ tinh thần lèo lái “con thuyền” vượt sóng?
Dệt may là một trong những ngành tăng trưởng rất mạnh với kim ngạch xuất khẩu rất lớn, nhưng đã có xu hướng chậm lại trong những tháng cuối năm 2022 và nguy cơ kéo dài đến năm 2023.
Dệt may là một trong những ngành tăng trưởng rất mạnh với kim ngạch xuất khẩu rất lớn, nhưng đã có xu hướng chậm lại trong những tháng cuối năm 2022 và nguy cơ kéo dài đến năm 2023.

Nhân dịp năm mới 2023 cũng như chào Xuân Quý Mão, ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN (ảnh), Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, điểm lại tình hình kinh tế năm 2022 và dự báo nền kinh tế năm 2023, cũng như khuyến nghị để có thêm một góc nhìn tham khảo về điều hành vĩ mô.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, đầu tiên xin được hỏi ông cảm nhận như thế nào về không khí của nền kinh tế trong nước năm 2022 trước những biến động lớn của kinh tế thế giới?

TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN: - Để đánh giá năm 2022, chúng ta phải nói đến cả giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2022, vì đây là 3 năm kinh tế thế giới có rất nhiều biến động, cũng là 3 năm có tính liên kết rất chặt chẽ.

Năm 2020, thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lần đầu tiên kinh tế thế giới đứt gãy cung và cầu trong chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa. Đến năm 2021, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chúng ta đã có rất nhiều cố gắng giữ được đà tăng trưởng dương, giữ được sức khỏe của người dân.

Sang đến năm 2022, đà tăng trưởng của 6 tháng đầu năm tương đối tốt, song 6 tháng cuối năm tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Và các tháng cuối của năm nảy sinh một số vấn đề.

Đầu tiên là sức ép thanh khoản trước thời hạn của hệ thống trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị “dồn toa”. Tiếp theo là vấn đề khan hiếm xăng dầu ở khâu bán lẻ một số khu vực công nghiệp tập trung và 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.

Nhưng có thể nói 2022 là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam, ở 3 khía cạnh. Thứ nhất, mặc dù bối cảnh thế giới có rất nhiều thay đổi, đột biến nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, Việt Nam vẫn đảm bảo được giá trị đồng nội tệ so với các đồng ngoại tệ mà chúng ta đang sử dụng trong rổ dự trữ ngoại hối, giữ được tỷ giá tương đối ổn định với các đồng tiền của một số nước, khu vực là đối tác thương mại quan trọng nhất. Đó là đóng góp rất lớn cho doanh nghiệp (DN), cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ ba, chúng ta ổn định được đời sống xã hội, những khó khăn đều dự phòng trước được. Đó là những vấn đề có thể đúc kết lại cho năm 2022 và nhìn lại cả quãng đường 3 năm 2020-2022.

- Quốc hội vừa thông qua hàng loạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, một trong số đó là tăng trưởng GDP đạt 6,5%, còn lạm phát ở mức 4,5%. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này khi dự báo về kinh tế toàn cầu năm 2023 không khả quan?

- Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mà Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa thông qua đã giao một số chỉ tiêu định hướng cho năm 2023, phải nói rằng đó là chỉ tiêu rất cao so với bối cảnh kinh tế thế giới.

Ở đây cũng nói thẳng, việc quyết định các chỉ tiêu như thế vẫn dựa vào thông số kinh tế vĩ mô của 9 tháng năm 2022, chưa lường được hết những khó khăn 3 tháng của quý IV-2022, cho nên dự báo để thực hiện được các chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua là thách thức rất lớn.

Thách thức ở đây không chỉ đối với Chính phủ, DN hay người dân, mà thách thức ngay cả Quốc hội. Đó là đưa ra chỉ tiêu cao như thế, Quốc hội có đổi mới được phương thức làm luật và đổi mới cách tiếp cận làm luật để phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hay không? Nói cách khác, thách thức đặt ra không chỉ đối với bộ phận hành pháp, các DN, người dân mà thách thức ngay cả bộ phận lập pháp.

- Đang có quan điểm rằng, năm 2023 ưu tiên hàng đầu không phải là tăng trưởng, mà phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô. Ý kiến của ông về điều này như thế nào?

- Thật ra đó là 2 mặt của một vấn đề. Ổn định vĩ mô mới đảm bảo được tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng kinh tế sẽ tạo tiền đề ổn định vĩ mô. Cho nên không thể tách rời 2 vấn đề đó ra và nói riêng từng vấn đề, vì đó là một thể thống nhất.

Còn định hướng cho năm 2023 đã có trong tờ trình Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Thủ tướng với Quốc hội.

Và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó có các vấn đề lớn của đất nước, những vấn đề chưa nằm trong luật thì đưa vào trong Nghị quyết của kỳ họp. Trong đó bao gồm 11 nhóm giải pháp Thủ tướng đã trình bày ngày 20-10-2022. Vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện các giải pháp đó như thế nào cho linh hoạt, hiệu quả, cũng như phải lấy mục tiêu vì lợi ích của người dân, lợi ích của đất nước đặt lên trước.

- Ổn định vĩ mô không chỉ đơn thuần là lạm phát, mà còn rất nhiều vấn đề như nợ xấu, sự biến động của các thị trường bất động sản (BĐS), tài chính… Theo ông, cách giải nào phù hợp để có thể ổn định nền kinh tế trên mọi mặt?

- Trong vấn đề này cũng nói thẳng, các DN BĐS đang có xu hướng “buộc” nền kinh tế làm “con tin” để gây áp lực. Đa phần các vấn đề tồn tại hiện nay của nền kinh tế đều bắt đầu từ lĩnh vực BĐS, trong đó bao gồm việc mất tính thanh khoản của DN khi phát hành TPDN riêng lẻ và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD).

Các kiến nghị vừa qua của một số hiệp hội hay một số DN yêu cầu Nhà nước phải cứu trợ các DN BĐS và đưa ra lý do đây là động lực cho nhiều lĩnh vực khác. Lý do đó đúng nhưng chưa đủ.

Đầu tiên phải nhìn lại kinh nghiệm quốc tế, khi có sự cố xảy ra, việc đầu tiên là chính DN phải tái cơ cấu, sau khi tái cơ cấu không thành công mới dùng đến sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu không bức tranh của thị trường sẽ méo mó, vì sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào thị trường khiến thị trường mất tính cạnh tranh, mất tính hiệu quả và sự bất bình đẳng giữa các DN gia tăng.

Tại sao các DN trong lĩnh vực tiền tệ lại phải đi cứu các DN BĐS, trong khi các năm 2019 và 2020 lợi nhuận của nhiều tập đoàn kinh doanh BĐS đạt hàng ngàn tỷ đồng? Tại sao họ không tái cơ cấu DN của họ để tồn tại mà giữ nguyên mô hình DN, giữ nguyên chỉ tiêu lợi nhuận và rồi yêu cầu Nhà nước phải hỗ trợ, yêu cầu các DN trong nước khác phải hỗ trợ? Đó là những điều trong nền kinh tế thị trường gần như không ai áp dụng.

Với TPDN đáo hạn, các DN BĐS phải chấp nhận bán tài sản, bán các dự án để đảm bảo tính thanh khoản của trái phiếu do mình phát hành, hoặc phải tự chủ động thỏa thuận với trái chủ về việc kéo dài thời hạn trả nợ của trái phiếu. Đó là việc các DN phải làm, phải tăng cường trách nhiệm của mình.

- Năm 2023 cũng là lúc thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc, các DN vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong 2 năm qua và thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả. Vậy có phương án nào cần thiết để hỗ trợ DN “vượt sóng”?

- Hiện nay chính sách tiền tệ đang thực hiện tương đối ổn, huy động tiền gửi của các TCTD trong 10 tháng năm 2022 chỉ tăng trưởng chưa đến 5%, nhưng tín dụng cho vay ra đã gần 14%. Chúng ta thấy có sự chênh lệch 9%. Tiền ở đâu đáp ứng được sự chênh lệch đó?

Chính là NHNN và Chính phủ đã đáp ứng khoản đó. Năm 2023, chúng ta vẫn thực hiện tổng phương tiện thanh toán (M2) trên thị trường cỡ khoảng như vậy và room tín dụng khoảng 14%, để kiên định giữ lạm phát ở mức 4,5%. Mức tăng trưởng như thế mới có thể đảm bảo một nền kinh tế ổn định vĩ mô.

Nếu chúng ta buông ra, để lạm phát tăng lên không kiểm soát được, trong khi nguồn lực của chúng ta lại yếu, sẽ gặp rất nhiều khó khăn và khó khăn vĩ mô sẽ “quay vòng” trở lại tác động lên các DN sản xuất kinh doanh.

Còn về bản thân DN, vấn đề hiện nay là các DN cần chủ động xem xét, đánh giá và tái cơ cấu. Chẳng hạn như ứng dụng các biện pháp công nghệ để tiết giảm chi phí, đảm bảo tính cạnh tranh hay chưa.

Sau khi tái cơ cấu, những DN nào thoát được, Nhà nước mới có những gói hỗ trợ để cùng với DN phát triển. Những DN nào không thể tồn tại được phải chấp nhận theo quy luật của nền kinh tế thị trường, chẳng hạn để cho một DN khác mua lại, tái cơ cấu một cách toàn diện.

- Nói như vậy khó khăn vẫn còn rất nhiều trong năm 2023. Vậy chính sách vĩ mô sẽ tiên liệu thế nào, thưa ông?

- Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, còn lớn hơn năm 2022. Điều này thể hiện ở chỗ rất nhiều DN, kể cả DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lẫn DN trong nước trong 2 tháng cuối năm 2022 đang trong quá trình giãn người lao động, do không ký được hợp đồng mới của năm 2023.

Đơn cử trong lĩnh vực dệt may và da giày tăng trưởng rất mạnh, kim ngạch xuất khẩu của 2 lĩnh vực này cộng lại tương đương kim ngạch xuất khẩu của điện thoại và linh kiện điện tử, và tổng cộng 2 lĩnh vực này chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Dù năm 2022 tốc độ tăng trưởng 2 ngành này vẫn rất cao, nhưng đã có xu hướng chậm dần lại trong 2 tháng cuối năm, nhiều DN đã giảm 25% người lao động. Vì vậy, 2 lĩnh vực này sụt giảm đơn hàng ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng, sản xuất và việc làm.

2 năm Covid chúng ta đã chủ động linh hoạt, sáng tạo, đoàn kết để vượt qua đại dịch. Nhưng đó là yếu tố nội tại, bây giờ là yếu tố ngoại lai tác động rất lớn mà chúng ta gần như không thể tác động được. Tăng trưởng của Việt Nam là nhờ xuất khẩu. Khi thị trường xuất khẩu đang giảm cầu, thị trường nội địa chỉ tiêu thụ cao lắm 10% khả năng sản xuất của DN trong nước.

Trong tương lai, nếu chúng ta phát triển được giới trung lưu, như Văn kiện Đại hội Đảng là đến năm 2030 trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 USD/năm), mới kỳ vọng đẩy được thị trường nội địa.

Nhìn chung trong bối cảnh hiện nay, điều hành chính sách phải linh hoạt, phải bỏ tư duy chỉ tiêu Chính phủ trình Quốc hội và Quốc hội thông qua Nghị quyết, bởi đó là chỉ tiêu pháp lệnh. Chẳng hạn với các yếu tố đầu vào là tháng 10-2022, chúng ta xây dựng kịch bản phát triển cho năm 2023. Còn khi đầu vào thay đổi đầu ra cũng phải thay đổi.

Ở đây cũng chia sẻ thêm về câu chuyện của nền kinh tế là vi mô muốn ổn định được thì vĩ mô phải ổn định, và điều này đòi hỏi cả hai phía. Nhà nước quản lý về vĩ mô, ổn định giá trị đồng nội tệ, ổn định về lạm phát, về chính sách phát triển. Đó là cơ sở để vi mô hoạch định chính sách phát triển. Nhưng hoạch định chính sách phát triển phải dựa trên lợi ích quốc gia chứ không phải dựa trên một số ít DN không có tính đại diện.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Các tin khác