Điều tiết tiền thừa và nỗi ám ảnh lạm phát

(ĐTTCO) - Có lẽ sự kiện gây xôn xao trên thị trường tài chính thông qua các phương tiện truyền thông thời gian vừa qua, là việc NHNN phát hành tín phiếu để hút tiền về lên đến xấp xỉ 140.000 tỷ đồng trong vòng 12 phiên.
Điều tiết tiền thừa và nỗi ám ảnh lạm phát

Nguyên nhân được các tổ chức tài chính nhìn từ thị trường liên NH, nên nhận định do hệ thống NHTM đang dư thừa thanh khoản (thừa tiền) vì không cho vay được. Trong khi đó, NHNN cho rằng đã cố gắng hết sức để cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, hạ lãi suất, nhưng vấn đề hiện nay là sức hấp thụ của nền kinh tế yếu do tổng cầu yếu, sức khỏe doanh nghiệp yếu.

Vậy lý giải này có thực sự thuyết phục không khi nền kinh tế thực vẫn cần vốn để tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng GDP của nền kinh tế năm 2023 là 6,5%, nhưng 9 tháng tăng trưởng chưa tới 5%, cho thấy nền kinh tế thực đang rất cần vốn mà chủ yếu dựa vào hệ thống NHTM. Vấn đề đặt ra là tìm cách phân bổ nguồn vốn thừa này vào nền kinh tế thực như thế nào.

Hiện nay một số nước đang nới lỏng các điều kiện tài chính để bơm vốn vào nền kinh tế thực, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể là kích cầu tiêu dùng, bởi người dân cũng cần phải chi tiêu và nhu cầu nhà ở.

Hay rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dẫu không phải là những doanh nghiệp ngàn tỷ, không phải là những doanh nghiệp có hàng ngàn lao động, nhưng họ cũng đã đóng góp một mức tăng trưởng cho nền kinh tế thật. Và hiện nay họ đang rất cần vốn nhưng lại bị bỏ rơi với điệp khúc “chưa đủ chuẩn cho vay”.

Dường như chúng ta ngại trước khái niệm nới lỏng hay hạ thấp tiêu chuẩn. Thật ra nới lỏng các điều kiện tài chính ở đây nên đặt trong bối cảnh tổng thể. Nếu ví như nền kinh tế là một cánh đồng lớn, thì hiện cánh đồng này đang khát nước (khát vốn), trong đó có những cánh đồng của các phú nông là các đại gia bất động sản.

NHNN có thể giảm bớt lượng nước từ cánh đồng phú nông bằng cách siết chặt các điều kiện tài chính, để có thể bơm vào cánh đồng sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp khởi nghiệp, nếu là doanh nghiệp bất động sản phải phát triển nhà ở xã hội. Có nghĩa nới lỏng các điều kiện tài chính đối với các lĩnh vực này và ngược lại thắt chặt các lĩnh vực khác, sẽ vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển nền kinh tế nhưng vẫn ổn định hệ thống tài chính của NHNN.

Có vẻ như chúng ta bị một nỗi ám ảnh bơm tiền ra sẽ dính lạm phát, vì trong quá khứ đã từng như vậy. Nhưng ở đây phải hiểu là “tưới tiêu tiền tệ”, chứ không phải “xả nước ào ạt”. Tức thúc đẩy nền kinh tế có tính toán, bơm tín dụng có chọn lọc, đưa tiền vào những địa chỉ cần thiết. Lạm phát là tiền ra nhiều hơn hàng sản xuất, nhưng nếu tính toán có chắt lọc các doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hơn. Đừng quá ám ảnh bởi lạm phát để rồi không dám làm gì.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ của NHNN thông qua các thành viên là các định chế tài chính NH, bao gồm nhiều loại NH khác nhau thực hiện nhiều mục tiêu, có thể phải dùng đến những công cụ riêng biệt để dẫn vốn vào nền kinh tế thực nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Bởi nếu không có giải pháp này, việc phát hành tín phiếu để điều hòa dòng vốn từ các NHTM sang “nhốt lại” ở NHNN trong thời hạn 28 ngày, chỉ là giải pháp tạm thời. Vì những kỳ hạn này (28 ngày) rồi sẽ đến hạn và NHNN lại tiếp tục phát hành tín phiếu nếu NHTM tiếp tục không có đầu ra.

Vẫn biết tác động tốt của công cụ tín phiếu là điều tiết nhằm ổn định một số chỉ tiêu vĩ mô, tránh hoạt động đầu cơ trên thị trường tiền tệ khi thừa tiền, tỷ giá sẽ được ổn định hơn. Tuy nhiên, giá phải trả là lãi suất để chi trả cho những khoản tín phiếu này và NHNN sẽ lấy đâu để bù đắp cho tổn thất này?

Các tin khác