Định hướng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ

(ĐTTCO) - Những nỗ lực mở rộng tài khóa và tiền tệ của Chính phủ gần đây chưa thể đảm bảo sự hồi phục chắc chắn của nền kinh tế. Vì vậy, thay vì lạm dụng các công cụ tiền tệ, nên theo đuổi định hướng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ.
Ảnh minh họa: Reatimes.vn
Ảnh minh họa: Reatimes.vn

Đó là quan điểm của PGS.TS PHẠM THẾ ANH, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

PHÓNG VIÊN : - Thưa ông, những rủi ro hiện tại của kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực ra sao tới kinh tế trong nước?

PGS.TS PHẠM THẾ ANH: - Rủi ro lớn nhất của kinh tế thế giới hiện nay không phải là mức tăng trưởng thấp, mà là lạm phát cao dai dẳng, kéo theo hành động thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn. Điều này một mặt cản trở đầu tư và tiêu dùng, mặt khác đẩy rủi ro của hệ thống tài chính toàn cầu lên cao.

Bên cạnh đó, những xung đột địa chính trị có thể gây ra các cú sốc cung, khiến lạm phát toàn cầu khó giảm nhanh về mức mục tiêu. Vì thế các NHTW lớn trên thế giới sẵn sàng thắt chặt thêm tiền tệ nếu cần thiết, hoặc ít nhất là giữ nguyên trạng thái hiện tại. Điều này dẫn tới nhiều tác động tiêu cực đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Những tác động tiêu cực thấy được là xuất khẩu và dòng đầu tư nước ngoài có thể chậm lại, hay khó hồi phục do tăng trưởng kinh tế thấp ở các nước lớn. Thứ hai là môi trường lãi suất cao kéo dài ở các nước lớn, làm hạn hẹp dư địa mở rộng tiền tệ, hạ lãi suất ở Việt Nam nếu không muốn chịu những sức ép đối với tỷ giá và dòng vốn quốc tế.

Sự căng thẳng và đổ vỡ của những tổ chức tài chính yếu kém trên thế giới trong môi trường lãi suất cao, cũng ít nhiều có tác động tiêu cực đến thị trường tài chính trong nước, gây tâm lý bi quan và làm ảnh hưởng đến các quyết định tiêu dùng và đầu tư trong nước.

- Vậy triển vọng phục hồi kinh tế trong nước sẽ ra sao, thưa ông?

- Các báo cáo về tình hình kinh tế 8 tháng cho thấy nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Nhìn chung, kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng còn rất thấp so với điều kiện bình thường và tình trạng này có nguy cơ kéo dài. Tăng trưởng quý II cao hơn so với quý I, khả năng tăng trưởng của quý III tiếp tục được cải thiện, nhưng còn dưới xa con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước Covid.

Vấn đề cần quan tâm là tăng trưởng của Việt Nam đang suy giảm qua từng thập niên. Tốc độ tăng trưởng trung bình đang chậm lại qua các giai đoạn; tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn trở nên biến động hơn. Tăng trưởng GDP đang ở mức 7,6% trong giai đoạn 1991-2000, giảm xuống 7,2% trong giai đoạn 2001-2010, và giai đoạn 2011-2020 còn 6%.

Bên cạnh đó nền tảng phục hồi chưa chắc chắn. Sự hồi phục tăng trưởng GDP trong quý II chủ yếu nhờ ở đầu tư công, dịch vụ và sự cải thiện đáng kể của các ngành sản xuất và phân phối điện, khí, nước. Nhưng sản xuất điện phụ thuộc nhiều ở thời tiết nên sự phục hồi rất mong manh. Còn các động lực tăng trưởng và tổng cầu dù có phục hồi, nhưng vẫn ở mức suy giảm mạnh so với trước.

- Vậy ông có khuyến nghị chính sách gì?

- Với tình hình hiện tại, chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp chọn lọc hỗ trợ tổng cầu, nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng. Các chính sách hỗ trợ này cần đảm bảo 3 nguyên tắc: nhanh và kịp thời, giảm độ trễ của các chính sách; chỉ thực hiện tạm thời vì nguồn lực hạn chế và để tránh tác động phụ, nhưng kích thích được sự phản ứng của doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng; đúng đối tượng, là đối tượng có nhu cầu/cần chi tiêu cao và hàng hóa nội địa.

Lúc này nên theo đuổi định hướng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, tức trong thời kỳ khó khăn cần tăng cường chi tiêu và giảm thuế, nhưng cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trong thời kỳ thuận lợi; dừng lạm dụng các công cụ tiền tệ, việc sử dụng công cụ lãi suất đã gần đến điểm tới hạn.

Trong khi tài khóa của chúng ta đang có những thuận lợi nhất định như quy mô nợ công đã giảm đáng kể xuống chỉ còn quanh 40% GDP còn xa ngưỡng trần mục tiêu 60%; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp không quá cao và lãi suất vay nợ trái phiếu thấp, chủ yếu kỳ hạn dài (10 năm trở lên).

Với ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay để giảm chi phí vốn, nhưng cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10% và tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập. Đồng thời lãi suất huy động phải đảm bảo thực dương. Điều hành lãi suất còn phải gắn với cam kết ổn định tỷ giá và dòng vốn ngoại; gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với DN, đồng thời tăng cường giám sát và quản trị rủi ro hệ thống.

- Theo ông chính sách tài khóa nên hướng vào đâu?

- Trước hết, tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm cấp quốc gia. Có thể cân nhắc sử dụng tín dụng thuế đầu tư hình thức cam kết hoàn thuế dựa trên chi phí đầu tư vào những lĩnh vực Nhà nước khuyến khích DN tư nhân tham gia. Bên cạnh đó ưu tiên nguồn lực để thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, xây dựng bổ sung trường học công. Như vậy vừa đáp ứng nhu cầu thực cũng là giải pháp cần thiết để khơi thông lại thị trường bất động sản và các ngành nghề liên quan.

Các chính sách an sinh xã hội và thúc đẩy tiêu dùng nội địa cần được chú trọng và chuẩn bị sẵn sàng trong bối cảnh thu nhập của người dân giảm sút và nhiều DN sa thải lao động. Theo đó, có thể trợ cấp cho hộ nghèo và người bị mất việc, giảm thuế VAT đối với hàng thiết yếu nội địa, cho vay trả lương để DN giữ chân người lao động, và giảm bớt gánh nặng thuế thu nhập cá nhân.

Nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm trừ gia cảnh, giảm bớt bậc thuế và hạ thuế suất thu nhập cá nhân, không chỉ giúp người dân trong nước bù đắp được phần nào chi phí sinh hoạt tăng nhanh trong những năm qua, còn là biện pháp góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam có thể tham gia áp thuế tối thiểu toàn cầu đối với DN nước ngoài trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông.

Kết hợp được mục tiêu an sinh xã hội với kích cầu, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, vừa cải thiện được tổng cung tiềm năng, mang lại sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai.

Các tin khác