Đô thị lớn như TPHCM không thể 'khoác chiếc áo' như các địa phương khác

(ĐTTCO) - Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng doanh nghiệp đầu tư vào TPHCM không chỉ quan tâm đến các ưu đãi mà là những thủ tục hành chính đơn giản và minh bạch.

Đô thị lớn như TPHCM không thể 'khoác chiếc áo' như các địa phương khác

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nếu có cơ chế đặc thù TPHCM sẽ thu hút các DN vào đầu tư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông ĐẬU ANH TUẤN: - Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, TPHCM lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao quy mô lớn. Nguyên nhân chủ yếu do TP, dù là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, vẫn không có cơ sở và thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi do nhà đầu tư đề xuất, nhất là lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên thu hút (như chất bán dẫn, sản xuất chip, vật liệu và công nghệ pin mới).

Trong khi đó, nếu thực hiện theo quy trình thông thường, các tập đoàn lớn không mặn mà tham gia, do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị DN nếu không được lựa chọn.

Từ tình hình này, cá nhân tôi cho rằng việc trao thêm thẩm quyền cho TPHCM để tạo ra một cơ chế đủ mạnh, thu hút các nhà đầu tư quan trọng, chiến lược, là rất cần thiết. Những chính sách này có thể là nhóm ưu đãi, thuế phí; miễn, giảm tiền thuê đất hay những hỗ trợ về tài chính đủ lớn, hoặc những cơ chế hỗ trợ một cách năng động, linh hoạt đúng với nhu cầu những nhà đầu tư lớn, chiến lược, quan trọng đang cần.

- Nếu thực hiện chính sách đặc thù riêng dành cho các DN đầu tư vào TPHCM, theo ông cần chú trọng vào khía cạnh nào (như miễn giảm thuế, ưu đãi về những chính sách gì, cơ chế lựa chọn…) để vừa hấp dẫn DN đầu tư, vừa đạt được hiệu quả phát triển kinh tế?

- Mỗi nhà đầu tư đều có những nhu cầu khác nhau. Có nhà đầu tư quan tâm đến nhóm giải pháp về tài chính, thuế do liên quan đến chi phí đầu tư. Có nhà đầu tư coi vấn đề cơ chế, chính sách mới là quan trọng, có chính sách đúng với nhu cầu và mong muốn của họ. Hoặc có nhà đầu tư đưa vấn đề chất lượng nhân lực hay hạ tầng mới là điều tiên quyết.

Chính vì thế phải trao cho TPHCM không gian chính sách đủ lớn, đủ rộng để sử dụng các giải pháp phù hợp với các nhà đầu tư khác nhau.

Nhưng ở đây cần lưu ý những nhóm giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, giảm thuế cần tính bối cảnh thời gian tới thế giới đã có thuế tối thiểu toàn cầu, nên với những tập đoàn lớn việc giảm thuế từ Việt Nam cũng không có nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, việc chính sách ưu đãi đột phá này chỉ nên dành cho những dự án nếu không vào TPHCM sẽ không vào địa phương nào khác, tránh trường hợp cạnh tranh “xuống đáy” giữa các địa phương.

- Từ thực tế tiếp xúc và khảo sát, nghiên cứu qua các DN, ông có thể cho biết những vướng mắc, hạn chế DN kiến nghị, và TPHCM cần tập trung cải thiện những nhóm vấn đề gì?

- Tôi cho rằng TPHCM cần có sự đột phá trong quy trình thủ tục đối với nhà đầu tư. Thực tế hiện nay, nhà đầu tư tiếp cận và hoàn thành toàn bộ quy trình đầu tư, nhất là thủ tục đất đai tại TPHCM rất phức tạp và mất nhiều thời gian, gặp nhiều khúc mắc khi làm việc với nhiều ngành, nhiều cấp.

Nhiều nhà đầu tư cho biết thời gian hoàn tất thủ tục một dự án đầu tư có sử dụng đất tại TPHCM trong vài năm là may mắn lắm. Hiện tại vẫn có nhiều dự án có sử dụng đất tại TPHCM đang bị tắc. Do vậy, cần có quy trình thủ tục liên ngành, thống nhất, khoa học và minh bạch. Có cơ chế để phản ứng, hỗ trợ kịp thời khi nhà đầu tư gặp khó khăn. Đây cần là ưu tiên của TPHCM trong thời gian tới.

Thực ra, điều thiệt thòi nhất của TPHCM là đô thị lớn nhất, có các hoạt động kinh doanh đa dạng nhất, phức tạp nhất, áp lực lớn nhất, quá tải bộ máy… nhưng vẫn khoác cái áo về cơ chế như nhiều địa phương khác có quy mô nhỏ hơn rất nhiều lần. Cho nên, các nhóm giải pháp thúc đẩy sự năng động để tạo ra thêm nguồn lực cho TPHCM đầu tư hạ tầng phục vụ sự phát triển, hay các nhóm giải pháp tự chủ trong quyết định xây dựng bộ máy phù hợp, là quan trọng nhất.

- Thưa ông, những ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, TPHCM cần có cơ chế đặc thù riêng như nhiều TP lớn trên thế giới đã làm?

- Các TP lớn hoặc các trung tâm tài chính, thương mại của các nước đều có những chính sách đặc thù riêng dành cho DN, nhất là những lĩnh vực họ ưu tiên phát triển. Vì thế, về lâu dài TPHCM cần định vị mình trong tương quan so sánh không chỉ với các tỉnh, thành trong nước, mà với các trung tâm kinh tế lớn của khu vực như Singapore, Hồng Kông…

Hơn nữa, là đại đô thị lớn của cả nước, chắc chắn TPHCM sẽ ngày càng đối mặt với vấn đề quá tải, tắc nghẽn của đô thị. Trong khi đó, để giải quyết thực trạng này không chỉ bằng quy hoạch hợp lý, xây cầu, mở đường, mà bằng việc tích cực áp dụng công nghệ thông tin và ngay cả định hướng kêu gọi đầu tư.

Theo đó, để giảm thời gian và lượng người giao thông trên đường, mọi giao dịch hành chính, giao dịch công nên tăng cường thực hiện trực tuyến. TPHCM cần đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công, kỹ thuật, hạ tầng kể cả nguồn vốn có thể huy động sự tham gia của DN.

Đối với các dự án đầu tư, TPHCM cần hướng đến thu hút được các luồng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng cao, có công nghệ, có ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đây là những dự án không cần sử dụng nhiều lao động phổ thông, ít mặt bằng, nhà xưởng nhưng tạo ra giá trị gia tăng cao, tham gia cao hơn, sâu hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu…

Nhưng muốn thu hút được nguồn vốn này cần phải cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ và chuyên nghiệp hơn.

- Xin cảm ơn ông.

Điều thiệt thòi nhất của TPHCM là đô thị lớn nhất, có các hoạt động kinh doanh đa dạng nhất, phức tạp nhất, áp lực lớn nhất, quá tải bộ máy… nhưng vẫn khoác cái áo về cơ chế như nhiều địa phương khác có quy mô nhỏ hơn rất nhiều lần.

Các tin khác