Doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Thái Lan

(ĐTTCO) - Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Bộ Công Thương đã đưa ra các khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Thái Lan

Theo đó, DN cần nắm bắt được thị hiếu, sở thích, thói quen tiêu dùng của người Thái Lan nên khâu chế biến, bao gói cần đáp ứng được nhu cầu, sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm đóng gói, chế biến sẵn với nhiều kích thước, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, hữu cơ, thân thiện với môi trường tại Thái Lan trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Bên cạnh đó, DN cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng, nhất là các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình và các điều kiện để xin giấy chứng nhận nhập khẩu từ các cơ quan chức năng; đồng thời cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm đảm bảo duy trì chất lượng trong quá trình vận chuyển.

Ngoài ra, DN tiếp tục tham dự các hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác phù hợp, quảng bá thương hiệu trên cơ sở niềm tin sẵn có của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu hàng hoá với chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh.

Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua, hợp tác thương mại giữa 2 nước ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn, rõ nét về cả chất và lượng. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 (sau Malaysia) của Thái Lan trong ASEAN.

Trong giai đoạn 2013-2023, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đã tăng từ 10,5 tỷ USD (năm 2013) lên gần 19 tỷ USD (năm 2023). Đặc biệt năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt giá trị 21,6 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 20 tỷ USD. Hiện 2 nước đang hướng tới mục tiêu sớm đạt kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn.

Các tin khác