FPT vượt nhiều đối thủ
Xu thế chuyển đổi số mạnh trong DN là một trong những yếu tố tạo nên sự đột phá của DN liên quan đến công nghệ, viễn thông, cung cấp thiết bị công nghệ phần mềm và tích hợp hệ thống. Theo một báo cáo của VietnamReport, ngành công nghệ Việt Nam có giá trị xuất khẩu năm 2019 đạt 112 tỷ USD (tăng 9,8%). Trong nửa đầu năm 2020, dù chịu tác động của Covid-19, ngành này vẫn được xem ít bị ảnh hưởng nhất với tổng doanh thu công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông 6 tháng đầu năm ước tính gần 50 tỷ USD (tăng 2,2%).
Trong đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên, giới phân tích dự báo kết quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn FPT (FPT) sẽ bị tác động mạnh kể từ quý II-2020, do quy định giãn cách xã hội ở các quốc gia là thị trường xuất khẩu phần mềm chính của FPT như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Theo thống kê, các thị trường này đóng góp lần lượt 52%, 23% và 9% vào doanh thu mảng dịch vụ CNTT nước ngoài của FPT. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của FPT khiến giới đầu tư bất ngờ.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của FPT đạt 13.611 tỷ đồng và 2.428 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 9% và 13,5% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận trước thuế đạt 17,8% so với 17,1% của năm 2019. Theo thống kê, khối công nghệ chiếm tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 55% và 40%. Trong khối công nghệ, dịch vụ CNTT nước ngoài là 1 trong 2 mảng kinh doanh chủ đạo, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 5.810 tỷ đồng (tăng 17,8%) và 896 tỷ đồng (tăng 20,9%).
Theo thừa nhận của FPT, đà tăng trưởng của mảng kinh doanh kể trên có phần giảm tốc trong các tháng gần đây do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, ảnh hưởng đến công tác bán dịch vụ trong thời gian cuối quý I và đầu quý II. Tuy nhiên, FPT đã ngay lập tức chuyển dịch sang mô hình mới để tiếp cận khách hàng qua các kênh trực tuyến, giúp hồi phục nhanh chóng việc ký kết hợp đồng. Mới gần đây, FPT đã vượt qua nhiều đối thủ trên thế giới, trở thành đối tác ưu tiên toàn quyền triển khai dự án CNTT, với tổng quy mô gần 20 triệu USD của một công ty kinh doanh ô tô hàng đầu tại Mỹ. Nhờ đó, tổng giá trị hợp đồng ký mới trong nửa đầu năm nay tăng trưởng 16% so với cùng kỳ 2019.
DGW, ELC và ABC bứt phá
DGW, ELC và ABC bứt phá
CTCP Thế giới số (DGW) là DN phân phối và cung cấp dịch vụ phát triển thị trường trong lĩnh vực CNTT. DGW hiện dẫn đầu trong lĩnh vực phân phối máy tính xách tay (MTXT) và máy tính bảng (MTB), chiếm 24% thị phần cả nước và chiếm khoảng 8% toàn thị trường trong phân khúc phân phối điện thoại di động (ĐTDĐ). Do nhu cầu học tập và làm việc tại nhà tăng cao khi Chính phủ ban hành các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn sự lây lan của Covid-19, phân khúc MTXT và MTB của DGW tăng trưởng khá mạnh. Ngược lại, mảng ĐTDĐ được dự báo gặp nhiều khó khăn do nhu cầu giảm.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của DGW đạt 4.894 tỷ đồng (tăng 45%), lợi nhuận sau thuế đạt 93 tỷ đồng (tăng 55%). Biên lợi nhuận gộp đạt 6,5%, cải thiện hơn với mức 6,1% của 6 tháng đầu năm 2019. Mức tăng trưởng này đến từ các ngành hàng cốt lõi, trong đó mảng MTXT và MTB đạt mức tăng trưởng lên đến 65%. Với mặt hàng ĐTDĐ, mặc dù ảnh hưởng của Covid-19 làm sức tiêu thụ của phân khúc điện thoại bị giảm, nhưng DGW vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng 2 chữ số (tăng 45%) nhờ hoạt động phát triển thị trường hiệu quả đối với Xiaomi, thương hiệu chiếm 10% thị phần tại Việt Nam.
Tại ĐHCĐ thường niên 2020, lãnh đạo DGW cho biết ngành hàng MTXT và MTB vẫn tiếp tục tăng trưởng trong quý II bởi đây là mùa tựu trường, dù dự báo sẽ thấp hơn các năm trước do nhu cầu đã tăng mạnh vào đầu năm. Vì vậy, DGW có kế hoạch giới thiệu các sản phẩm mới có giá bán cao hơn để tăng doanh thu do sản lượng có thể không tăng. Với mặt hàng ĐTDĐ, cuối tháng 6 DGW đã ký kết hợp tác chiến lược với Apple và dự kiến phân phối 50.000 sản phẩm. Thị trường Apple chính hãng tại Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 60%, nên việc ký kết với Apple là cơ hội cho DGW “tấn công” vào 40% thị phần còn lại, nhờ giá bán gần với giá hàng xách tay hơn nhưng được bảo hành chính hãng.
Đối với các DN nhỏ như CTCP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông (ELC), cũng đang có cơ hội bứt phá. Theo báo cáo tài chính bán niên, doanh thu và lợi nhuận của DN này đạt 348 tỷ đồng (tăng 86%) và 14 tỷ đồng (tăng gấp 5,8 lần so với cùng kỳ). Nguyên nhân do ELC đã ký kết và triển khai nhiều hợp đồng giá trị lớn, dẫn đến doanh thu bán hàng và dịch vụ tăng. Ban điều hành cũng thúc đẩy tốc độ triển khai các dự án, hợp đồng bán hàng để nhanh chóng nghiệm thu, thanh quyết toán với khách hàng đúng tiến độ, phát triển sản phẩm thị trường theo đúng mục tiêu của công ty.
ELC hiện hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là công nghệ (ứng dụng trong viễn thông, giao thông thông minh, an ninh quốc phòng), dịch vụ nội dung số và giải pháp cho nông nghiệp công nghệ cao. Một số sản phẩm nổi bật như thu và giải mã tín hiệu vệ tinh Inmasat C, hệ thống quản lý giao thông trên biển VTS Evision, hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), thử nghiệm thành công máy bay không người lái (UAV) và xuồng không người lái (USV), ra mắt thiết bị giải trí truyền hình eBop.
Tương tự, CTCP Truyền thông VMG (ABC) công bố doanh thu bán niên 2020 gấp gần 3 lần cùng kỳ (đạt 1.956 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế tăng 65% lên hơn 25 tỷ đồng. Theo giải trình, do các dịch vụ mới bắt đầu có sự phát triển tốt và mang lại doanh thu bước đầu, nổi bật nhất là tăng trưởng của dịch vụ tin nhắn thương hiệu, bên cạnh các dịch vụ truyền thống vẫn ổn định. ABC hiện đang cung cấp các dịch vụ công nghệ trong 4 mảng kinh doanh chính là dịch vụ phân tích dữ liệu, dịch vụ thương mại, dịch vụ nội dung số, mobile marketing. Các hoạt động cụ thể như dịch vụ xác minh danh tính (KYC) cho ngân hàng, dữ liệu khách hàng tiềm năng (Leadgen), dịch vụ giá trị gia tăng (VAS), dịch vụ cung cấp ảnh và clip (Vishare), dịch vụ SMS Brandname.
Kết quả kinh doanh ấn tượng giúp cho nhóm CP công nghệ không chịu áp lực giảm trong đợt lao dốc của TTCK do Covid-19, thậm chí CP của nhiều doanh nghiệp còn bứt phá mạnh. |