Doanh nghiệp da giày lo đơn hàng 1, sợ thủ tục 10

(ĐTTCO) - Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Gia Định, cho biết hầu hết doanh nghiệp trong ngành da giày đều đang hết sức khó khăn và mong có được hỗ trợ. 
Ngoài nguyên nhân khách quan thiếu hụt đơn hàng, DN da giày đang rất khốn đốn bởi các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, thậm chí vô lý.
Ngoài nguyên nhân khách quan thiếu hụt đơn hàng, DN da giày đang rất khốn đốn bởi các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, thậm chí vô lý.

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể chia sẻ tình hình hiện nay của DN mình, cũng như thực trạng chung của các DN trong ngành da giày?

Ông NGUYỄN CHÍ TRUNG: - Có thể nói, hầu hết DN trong ngành da giày hiện đang cực kỳ khó khăn. Nguyên nhân khách quan do đơn hàng tại các nước nhập khẩu lớn vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Tại nhiều DN đơn hàng sụt giảm tới 50-60% so với cùng kỳ, buộc không ít nhà máy phải cho công nhân nghỉ việc, thậm chí có DN phải đóng cửa.

Trong bối cảnh chung thiếu đơn hàng, công ty chúng tôi cũng phải giảm bớt lao động, cho công nhân làm việc chia ca, nghỉ luân phiên. Đặc biệt, tình hình sụt giảm đơn hàng trong ngành da giày theo dự báo có thể sẽ kéo dài đến hết năm 2023, và nếu nhanh đầu năm 2024 mới sáng trở lại.

Để duy trì việc làm cho người lao động, các DN phải tìm kiếm đơn hàng khắp nơi, nhặt nhạnh từng đơn hàng nhỏ lẻ, thậm chí có những đơn hàng lỗ nhưng vẫn phải nhận vì không nhận nhà máy không thể duy trì hoạt động.

Vì thế, hơn lúc nào hết, DN da giày chúng tôi đang rất cần nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động, chờ khi thị trường phục hồi có thể bắt nhịp trở lại ngay. Thế nhưng thực tế không dễ để tiếp cận nguồn vốn với lãi suất tốt.

Ngoài nguyên nhân khách quan thiếu hụt đơn hàng, DN da giày đang rất khốn đốn bởi các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, thậm chí vô lý. Đơn cử như thủ tục để chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc rắc rối, khiến DN mệt mỏi và chuyên gia cũng nản lòng.

Có không ít trường hợp cán bộ né tránh trách nhiệm nên việc giải quyết thủ tục, vướng mắc cho DN phải chờ đợi rất lâu. Chưa hết, nhiều quy định mới ra đời khiến DN “khóc dở mếu dở”, như quy định về phòng cháy chữa cháy.

Đang gặp khó về tài chính do thiếu đơn hàng, nay DN lại phải gồng mình đầu tư để đáp ứng theo quy định mới. DN kêu cứu nhưng cũng chưa có giải pháp cho vấn đề này.

- Theo ông có nên đưa ra những giải pháp đột phá, chưa có tiền lệ để hỗ trợ DN vượt khó?

- Với thực trạng “tối tăm” của DN hiện nay như tôi đã đề cập, việc đưa ra những giải pháp đột phá, chưa có tiền lệ để hỗ trợ DN vượt khó, là rất cấp thiết. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn, là nếu đưa ra những giải pháp chưa có tiền lệ liệu có ai dám thực thi hay không?

Như tôi đã nói hiện vẫn có trường hợp cán bộ né tránh trách nhiệm khi giải quyết các vướng mắc cho DN. Vậy nên, để hỗ trợ DN chỉ cần giải quyết tốt hơn những vấn đề vướng mắc hiện nay là được. Chẳng hạn, thủ tục hành chính cần cắt giảm bớt những nội dung không cần thiết, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình giải quyết các vướng mắc cho DN. Cắt giảm chi phí để các DN cảm thấy dễ thở hơn trong bối cảnh hiện nay.

Cụ thể, Chính phủ có thể tiếp tục cân nhắc giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để giúp giảm chi phí cho lao động…

Những điều này với nhóm DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày hết sức cần thiết. Ngoài ra, câu chuyện tăng giá điện thời gian qua cũng khiến DN gặp thêm khó khăn. Tôi được biết Tập đoàn Điện lực (EVN) lại vừa đề xuất tăng giá điện vào tháng 9 tới, điều này sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN sản xuất.

Có thể thấy trong bối cảnh khó khăn của DN, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã luôn lắng nghe, đồng thời liên tiếp đưa ra các giải pháp hỗ trợ DN. Thế nhưng, từ các công điện, chỉ thị để đi vào thực tế hỗ trợ DN vẫn đang còn rất chậm.

Thí dụ việc giảm lãi suất, DN, hiệp hội kiến nghị nhiều lần, Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu giảm lãi suất cho vay. Thực tế lãi suất có giảm nhưng rất ít và DN cũng không dễ tiếp cận nguồn vốn vay. Hay việc tiếp cận gói ưu đãi lãi suất 2% nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa thể tiếp cận được. Chưa hết, quy định phòng cháy chữa cháy đang làm khó DN, dù Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong việc này.

- Trong bối cảnh ngành dệt may, da giày thiếu đơn hàng, tại sao DN không đẩy mạnh đầu tư theo hướng xanh, như Indonesia, Bangladesh… đang thực hiện, thưa ông?

- Đúng là hiện nay các đơn hàng đang dịch chuyển nhiều sang các nước như Indonesia hay Bangladesh. Có nhiều nguyên nhân cho việc này. Ngoài vấn đề đẩy mạnh sản xuất xanh như Bangladesh, vấn đề giá nhân công cũng hết sức đáng lưu tâm. Theo đó, chi phí nhân công của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với nước ta. Thu nhập trung bình của lao động da giày tại Việt Nam khoảng 350USD/tháng, trong khi Indonesia 150USD, Bangladesh chỉ khoảng 120USD.

Chưa hết, như tôi có nói tại Việt Nam thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều thủ tục mới gây khó, nên một số DN nước ngoài dịch chuyển đầu tư sang các nước khác, kéo theo đơn hàng cũng chuyển qua các quốc gia này.

Riêng câu chuyện đầu tư cho sản xuất xanh, bản thân mỗi DN Việt đều đang nỗ lực và làm từng bước trong khả năng có thể, vì chúng tôi hiểu rõ luật chơi mới nhưng không đơn giản. Muốn đi theo con đường sản xuất xanh phải đầu tư rất lớn và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Lúc này, khi DN còn đang loay hoay với bài toán đơn hàng, vốn, lãi suất… thật khó để đầu tư vào sản xuất xanh.

- Xin cảm ơn ông.

Ngoài nguyên nhân khách quan thiếu hụt đơn hàng, DN nói chung và da giày nói riêng đang rất khốn đốn bởi các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, thậm chí vô lý.

Các tin khác