Doanh nghiệp Hàn cũng thua trên 'sân nhà' trước hàng Trung Quốc

(ĐTTCO) - Việt Nam không phải là thị trường duy nhất đang bị đe dọa bởi làn sóng hàng hóa từ Trung Quốc, thông qua các sàn thương mại điện tử, mà ngay cả Hàn Quốc hiện đang đứng trước nguy cơ bị “đo ván" bởi các nền tảng đến từ Trung Quốc.

Một cửa hàng của AliExpress.
Một cửa hàng của AliExpress.

Cuộc so kè 2 gã khổng lồ Hàn - Trung

Dẫn đầu cuộc đua hiện nay là nền tảng AliExpress của Tập đoàn Alibaba Trung Quốc. AliExpress gia nhập thị trường Hàn Quốc vào năm 2018, và nhanh chóng được biết đến vào năm 2023 nhờ chiến dịch tiếp thị qua nam diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc Ma Dong-seok.

Vào tháng 10-2023, công ty khai trương K Venue, một cửa hàng chuyên về các sản phẩm Hàn Quốc, đã mở rộng danh mục sản phẩm bao gồm cả thực phẩm chế biến và tươi sống. Và trong khoảng thời gian 1 năm, gã khổng lồ TMĐT Trung Quốc đã tăng tốc mạnh mẽ.

Theo WiseApps, Retail and Goods, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Ứng dụng AliExpress là 8,18 triệu, con số cao nhất từ trước đến nay tại Hàn Quốc tính đến tháng 2. Đây là mức tăng 130% so với 3,55 triệu vào tháng 2-2023. Trong bảng xếp hạng tổng số người dùng sàn TMĐT, AliExpress đã vượt qua 11St (7,36 triệu người) để vươn lên vị trí thứ hai, tạo thành cuộc đua song mã với Coupang (31 triệu người).

Trong khi đó, một công ty TMĐT khác của Trung Quốc là Temu, dù mới ra mắt dịch vụ tại Hàn Quốc vào tháng 7-2023, nhưng đã thu hút được 5,81 triệu người dùng tính đến tháng 2, đứng thứ tư trong bảng xếp hạng tổng thể người dùng sàn mua sắm trực tuyến. Những người trong ngành TMĐT Hàn Quốc không ngần ngại gọi sự tăng trưởng nhanh chóng của Temu: “Cuộc tấn công bất ngờ của một tay chơi TMĐT mạnh khác của Trung Quốc”.

Tập đoàn Alibaba, công ty mẹ của AliExpress, gây chú ý đáng kể khi tuyên bố sẽ đầu tư 1,1 tỷ USD để thành lập một trung tâm logistics và các trung tâm khác tại Hàn Quốc trong 3 năm tới. Nhiều nhà quan sát trong ngành cho rằng, AliExpress có thể đã đặt mục tiêu tạo ra một môi trường tối ưu cho hoạt động kinh doanh TMĐT của mình tại Hàn Quốc.

Nhờ đó, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành lựa chọn mua hàng trực tiếp hàng đầu của người mua hàng trực tuyến Hàn Quốc. Trong tổng số 6,75 nghìn tỷ won (5 tỷ USD) mà người mua sắm Hàn Quốc chi tiêu trực tiếp ở nước ngoài, Trung Quốc chiếm 3,28 nghìn tỷ won, tương đương khoảng 48% vào năm 2023.

Đánh vào phân khúc giá rẻ

Coupang, sàn TMĐT lớn nhất của Hàn Quốc, có vẻ lo lắng nhất về động thái thâm nhập thị trường TMĐT Hàn Quốc của AliExpress. Coupang đã trở thành công ty TMĐT mạnh nhất Hàn Quốc, sau khi ra mắt dịch vụ giao hàng tốc độ tên lửa, và đầu tư 6,2 nghìn tỷ won vào việc thiết lập mạng lưới hậu cần toàn quốc. Tuy nhiên, với việc AliExpress và Temu thâm nhập thị trường Hàn Quốc, với các sản phẩm giá siêu rẻ sản xuất tại Trung Quốc, Coupang không còn tự tin về việc tiếp tục tăng trưởng như trước.

Theo WiseApp, số lượng người dùng ứng dụng Coupang đã tăng lên 570.000 trong khoảng thời gian 1 năm qua, nhưng thua xa AliExpress (4,63 triệu) và Temu (5,81 triệu). AliExpress và Temu đã nhanh chóng tràn ngập Hàn Quốc với nhiều loại mặt hàng được chào bán với giá siêu rẻ so với hàng hóa sản xuất tại Hàn Quốc. Chúng bao gồm nhiều loại mặt hàng, một số mặt hàng phổ biến là quần áo, đồ dùng nhà bếp, đồ chơi, thiết bị điện tử, thiết bị thể thao và dụng cụ xây dựng.

Huấn luyện viên lặn người Hàn Quốc Park Soo-hong cho biết, thường xuyên mua hàng của AliExpress kể từ khi anh săn được phụ kiện ô tô giá hời 5 năm trước. Người đàn ông 54 tuổi này thường xuyên so sánh giá bán sản phẩm trên nền tảng AliExpress với Naver Shopping của Hàn Quốc và đối thủ Amazon của Mỹ.

Gần đây, anh mua máy đo mức dầu động cơ với giá 86.000 won (64 USD) trên AliExpress, trong khi thiết bị này được quảng cáo với giá khoảng 540.000 won trên các trang bán lẻ trực tuyến trong nước. Park Soo-hong cho biết: “Hầu hết các sản phẩm trên nền tảng Trung Quốc này đều rẻ đến mức khó tin”.

Những sàn TMĐT khác ở Hàn Quốc còn lo lắng hơn Coupang, bởi họ không có nền tảng mạnh như vậy. Gmarket, được Tập đoàn Shinsegae của Hàn Quốc tiếp quản với giá 3,5 nghìn tỷ won vào năm 2021, đã báo lỗ trong 2 năm liên tiếp vào năm 2022 và 2023. SSG.com, một công ty trực thuộc Tập đoàn Shinsegae, đã nhận được khoản đầu tư 1 nghìn tỷ won vào năm 2019, vẫn chưa thoát khỏi vùng đỏ.

Một quan chức của một công ty TMĐT Hàn Quốc cho biết: “Trong khi các công ty TMĐT Hàn Quốc đang tập trung vào việc tái cấu trúc để giảm lỗ, họ lại gặp rắc rối sâu sắc trước cuộc tấn công giá siêu rẻ của các gã khổng lồ TMĐT Trung Quốc”.

Trong khi nhiều người Hàn Quốc ưa chuộng các nền tảng mua sắm trực tuyến của Trung Quốc trong bối cảnh chi phí sinh hoạt cao, một số chuyên gia cảnh báo xu hướng mua sắm này có thể giáng một đòn mạnh vào các nhà sản xuất Hàn Quốc, vì nhiều người là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và đang tụt hậu, đứng sau các đối thủ Trung Quốc về khả năng cạnh tranh về chi phí.

Jeong Eun-ae, nhà nghiên cứu của Viện Doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc, cho biết: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể ngừng hoạt động và phá sản trong trường hợp xấu nhất, vì cánh cửa hiện đang rộng mở hơn cho nhiều hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc vào Hàn Quốc”.

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, những lo ngại trên bị thổi phồng quá mức. Angela Hong, nhà phân tích của ngân hàng Nomura ở Seoul chỉ ra rằng, hầu hết các giao dịch mua hàng của người tiêu dùng Hàn Quốc trên các nền tảng Trung Quốc chỉ giới hạn ở danh mục sản phẩm giá rẻ.

Theo ước tính của Nomura, các nền tảng này chỉ chiếm khoảng 2% thị trường TMĐT Hàn Quốc, xét về tổng giá trị giao dịch hàng hóa hàng năm. Chi nhánh của AliExpress ở Hàn Quốc cũng bị nhiều khiếu nại về việc giao hàng trễ và gửi sai sản phẩm, cũng như lo ngại về hàng giả trên nền tảng này.

Các tin khác