Cổ đông lớn “tháo chạy”
CTCP Đầu tư LDG (LDG) vừa có thông báo không còn cổ đông lớn sau khi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng bán giải chấp thêm gần 5 triệu CP trong 2 ngày 18 và 19-5. Theo báo cáo thường niên 2022, ông Hưng là cổ đông lớn duy nhất của LDG, nắm giữ 7,23% vốn vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, sau nhiều lần bị bán giải chấp, tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch HĐQT LDG hiện đã giảm xuống chỉ còn 3,92%.
Một DN bất động sản khác là CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ - Địa ốc Hoàng Quân (HQC), cũng trong tình trạng “sạch trắng” cổ đông lớn từ cuối năm 2022. Cổ đông nắm CP nhiều nhất tại DN bất động sản này là bà Nguyễn Thị Diệu Phương, vợ Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn, hiện đang nắm giữ hơn 18 triệu CP, cũng chỉ tương đương 3,82% vốn.
Thế nhưng, mới đây bà Phương cũng đã đăng ký bán gần như toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ trong khoảng thời gian từ ngày 17-5 đến 11-6. Trước đó, bản thân ông Tuấn cũng nhiều lần bán CP và hiện chỉ còn nắm giữ 16,3 triệu CP, tương đương 3,43% vốn.
Như vậy, nếu bà Phương thoái vốn thành công, tổng số cổ phần của gia đình ông Tuấn nắm giữ tại HQC cũng không đến 5% vốn.
Các DN từng “làm mưa làm gió” trong giai đoạn TTCK dậy sóng năm 2021 nằm trong hoàn cảnh trớ trêu. Đơn cử CTCP Thaiholdings (THD) cũng đang không có cổ đông lớn. Trước đó, tỷ phú Nguyễn Đức Thụy từng nắm giữ 25% vốn nhưng đã thoái sạch toàn bộ vốn từ giữa năm ngoái.
Tương tự là trường hợp CTCK VIX (VIX), hiện cũng không còn cổ đông lớn sau khi nhóm cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn đã hoàn tất việc bán ra 135,4 triệu CP (tương đương 23,2% vốn) vào cuối 2022.
Hiện tại, cổ đông nắm giữ nhiều CP nhất tại VIX là bà Nguyễn Thị Tuyết, chị gái ông Tuấn, đang nắm giữ 21,4 triệu CP VIX (tương đương 3,67% vốn).
Thậm chí, một trong những DN đầu tiên niêm yết trên sàn HoSE là CTCP SAM Holdings (SAM) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. DN này hiện không có cổ đông nào sở hữu trên 5% vốn điều lệ. Đáng nói, 5 thành viên HĐQT của DN này đều không sở hữu bất cứ cổ phần nào tại SAM.
Mới đây, từ ngày 27-2 đến 28-4, CTCK Quốc Gia, tổ chức có liên quan đến Chủ tịch HĐQT Hoàng Lê Sơn, còn bán ra toàn bộ gần 8,9 triệu CP SAM (tương đương 2,34% vốn).
Bất ngờ nhất là việc nhiều ngân hàng dù nằm trong tầm ngắm thâu tóm của các “ông lớn”, cũng gây bất ngờ khi công bố không có cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn. Đơn cử là các ngân hàng như VietCapitalBank (BVB), BacABank (BAB).
Đáng chú ý là trường hợp của Eximbank (EIB), không còn cổ đông lớn sau khi cổ đông chiến lược là Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) giảm sở hữu xuống dưới 5% đầu năm 2023.
“Không mợ chợ có đông”?
Có thể nói, việc các DN và ngân hàng bị cổ đông lớn nội bộ rút sạch vốn, khiến cổ đông đặt dấu hỏi về tình hình sản xuất kinh doanh của DN.
Lấy dẫn chứng từ trường hợp HQC. Quyết định đăng ký thoái vốn của bà Phương chỉ vài tuần sau những phát ngôn đầy tự tin của ông Trương Anh Tuấn tại ĐHCĐ thường niên năm 2023 cuối tháng 4: giá trị sổ sách của HQC là hơn 9.000 đồng/CP, còn thị giá hiện tại chưa đến 5.000 đồng/CP nên đang hơi rẻ so với giá trị của công ty. Công ty tự tin cho đến năm 2024, HQC có thể quay trở về mệnh giá.
Đối với trường hợp LDG, việc cổ đông lớn cuối cùng là Chủ tịch HĐQT bị bán giải chấp CP xuất phát từ thông tin UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kết luận thanh tra dự án Khu dân cư Tân Thịnh (Viva Park) tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) do LDG làm chủ đầu tư. Theo đó, về mặt quản lý hành chính, kết luận thanh tra đề cập 20 cá nhân và 13 tổ chức có nhiều sai sót, thiếu trách nhiệm trong quá trình giải quyết thủ tục, xử lý hồ sơ và sẽ xử lý về mặt quy định của Nhà nước.
Thông tin này khiến cho giá CP LDG lao dốc và số CP mà Chủ tịch HĐQT đang cầm cố bị công ty chứng khoán mang ra bán giải chấp.
Theo một chuyên gia tài chính, việc không có cổ đông lớn sẽ khiến DN gặp nhiều bất lợi như: thiếu sự hỗ trợ về kinh nghiệm, vốn, thậm chí là các mối quan hệ “làm ăn” từ các “ông lớn”. Đặc biệt, với các cổ đông lớn có chuyên môn phù hợp với mô hình hoạt động của DN, giúp cho DN dễ dàng nhận được sự tương tác về mặt quản trị, điều hành, giúp DN phát triển mô hình kinh doanh, mạng lưới phân phối hay tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới tốt hơn.
Với lĩnh vực ngân hàng, các cổ đông lớn đặc biệt là cổ đông chiến lược không đơn thuần chỉ mang lại sự hỗ trợ về tài chính mà còn thúc đẩy quá trình số hóa. Kinh nghiệm từ các tổ chức lớn trong việc ứng dụng công nghệ là tài sản quý giá giúp các DN nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như quản trị.
Không thể phủ nhận những lợi ích rõ ràng mà các cổ đông lớn mang lại cho DN. Thế nhưng, sẽ không quá “bi kịch” nếu DN không có sự góp mặt của các cổ đông lớn trong các cuộc họp HĐQT. Trên thực tế, việc không có cổ đông lớn sẽ giúp cho DN bớt đi nỗi lo chia sẻ quyền kiểm soát DN.
Trong trường hợp cổ đông lớn có ý đồ thâu tóm, thì hoạt động của DN chắc chắn bị tác động theo chiều hướng kém tích cực. Có thể lấy dẫn chứng về điều này qua trường hợp của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC). Việc các thành viên HĐQT “đấu tố” để giành ghế Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải, đã đẩy tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam này vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, thậm chí có nguy cơ đưa nhau ra tòa.
Dù phía đối thủ đã “thoái lui”, nhưng với HĐQT HBC thách thức vẫn còn ở phía trước khi DN đón nhận các cổ đông lớn mới. Khi đó, những cổ đông mới sẽ khiến quyền hạn và trách nhiệm của ban điều hành sẽ khó khăn hơn do phải chịu sự quản lý, chi phối, thậm chí can thiệp.
Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý trong công tác điều hành DN. Việc ra quyết định cũng sẽ không còn linh hoạt như trước đây và có thể mất nhiều thời gian, công sức để điều phối, tham vấn với các bên liên quan trong những quyết định.
Điểm tích cực của hầu hết các DN không có cổ đông lớn là CP sẽ giao dịch sôi động hơn. Nguyên do là không vướng quy định về công bố thông tin nếu không phải là người nội bộ hoặc người có liên quan, từ đó giúp thanh khoản của CP cải thiện đáng kể.
Không có cổ đông lớn sẽ khiến DN gặp nhiều bất lợi như thiếu sự hỗ trợ về kinh nghiệm, vốn, mối quan hệ… Nhưng ngược lại sẽ giúp cho DN bớt đi nỗi lo chia sẻ quyền kiểm soát DN, ý đồ thâu tóm… làm cho hoạt động DN bị tác động theo chiều hướng kém tích cực.