Doanh nghiệp 'sân sau' khiến nền kinh tế bị 'méo mó'

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, Luật sư NGUYỄN TIẾN LẬP, Thành viên VPLS NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận xét TKTN đang đối diện với cơn “sang chấn” và “rung lắc” bởi sự tồn tại của những DNTN “sân sau” với những quan hệ “thân hữu” tinh vi và phức tạp.
Cần cải cách thể chế hơn nữa bằng việc minh bạch hóa các chính sách pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng tính thị trường, tạo điều kiện cho KTTN phát triển.
Cần cải cách thể chế hơn nữa bằng việc minh bạch hóa các chính sách pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng tính thị trường, tạo điều kiện cho KTTN phát triển.

Hệ lụy của việc này không chỉ khiến các DNTN khác không thể cạnh tranh để phát triển, còn khiến bức tranh chung về KTTN trở nên méo mó, èo uột.

PHÓNG VIÊN: - Vậy ông nhận định thế nào về bức tranh KTTN nói chung và các DNTN Việt Nam nói riêng hiện nay?

LS. NGUYỄN TIẾN LẬP: - Từ góc nhìn thể chế, tôi cho rằng KTTN chính là bản thân nền kinh tế. Có nghĩa, trừ khi nước ta phát triển duy nhất bằng bán tài nguyên như một số quốc gia, còn không buộc phải dựa vào con người. Mà cả bản năng lẫn quyền quan trọng nhất của con người chính là làm kinh tế để nuôi mình và nuôi xã hội. Với tiếp cận như vậy, tôi cho rằng KTTN đã phát triển lớn mạnh rất nhiều so với trước đây.

Nhưng hiện nay, thực tế lại đang cho thấy KTTN về cơ bản vẫn không ổn định, thiếu vững chắc, thậm chí khá bấp bênh và dễ bị tổn thương. Tại sao vậy? Bởi phần bản năng để phát triển đã khai thác hết, trong khi nền tảng về quyền vẫn chưa rõ ràng và chắc chắn. Quyền ở đây là chính là quyền sở hữu và các quyền tài sản phái sinh từ đó.

Chẳng hạn, khi bàn về sửa Luật Đất đai, tôi đã nêu câu hỏi: Mọi tài sản quan trọng nhất của con người tạo lập được đều gắn với đất. Vậy khi sở hữu đất và sở hữu nhà tách rời nhau, quyền sở hữu nào quyết định và được ưu tiên? Đó là vấn đề rất cơ bản. Và từ đây hình thành những DN “thân hữu”, “sân sau”.

- Vậy theo ông hệ lụy của “thân hữu” và “sân sau” đối với sự phát triển chung của KTTN như thế nào?

- Lịch sử kinh tế cho thấy không có sự phát triển thực chất nào đốt cháy giai đoạn cả. Tức sau thời gian dài đi lên từ các DNNVV mới hình thành DN lớn và siêu lớn. Tức nếu số DN lớn ít và được lớn lên một cách tự nhiên sẽ không có vấn đề gì, còn sự lớn lên quá nhanh trong thời gian ngắn sẽ là kết hợp của năng lực tự thân cộng với quyền lực bên ngoài, và cái đó thế giới đã khái niệm hóa là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.

Nó không lành mạnh cả về kinh tế và chính trị, thậm chí còn là nguồn cơn của các bất ổn. Bởi lẽ mọi cuộc chơi quyền lực đều mang tính phe nhóm và giành giật, sẽ tác động làm méo mó các quan hệ thị trường vốn dựa trên nền tảng của tự do cạnh tranh.

Về hệ lụy tiêu cực và nguy hiểm từ tình trạng DN “sân sau”, trước hết về mặt kinh tế nó tạo ra sự bất bình đẳng và thiếu tự do, công bằng trong cạnh tranh giữa các DN, bởi DN “sân sau” được hưởng sự ưu ái về cả thương quyền và chính sách hơn các DN thông thường. Tiếp đó, về quản lý nhà nước, tình trạng DN “sân sau” bóp méo khâu lập chính sách và thực thi chính sách, pháp luật.

Trong lĩnh vực chính trị, nó góp phần hình thành các phe nhóm với quyền lực đen và quyền lực ngầm không thể kiểm soát trong chính bộ máy công quyền, qua đó tạo động cơ thúc đẩy, làm sâu sắc hơn các xung đột và đấu đá nội bộ.

Còn nhìn từ góc độ pháp luật, DN “sân sau” chính là mảnh đất màu mỡ cho phát triển các loại tội phạm có tổ chức, không chỉ theo chiều dưới lên, còn cả chiều từ trên xuống. Thông qua đó, các hoạt động thực thi và bảo vệ pháp luật của các cơ quan chức năng sẽ bị tê liệt ngay từ bên trong.

Nói một cách khái quát, nếu các hành vi tham nhũng thông thường chỉ làm suy thoái đạo đức một bộ phận quan chức, chủ nghĩa tư bản thân hữu, nhưng khi lan rộng sẽ làm suy thoái hay làm méo mó sự phát triển của cả nền kinh tế, thậm chí cả quốc gia.

Đã từng có cảnh báo rằng: Nguy cơ đáng sợ nhất của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không phải là sự lấn át của DNNN đối với DNTN, mà chính là sự phát triển của nền KTTN dựa trên nền tảng các DN “sân sau”. Bởi nếu DNNN yếu kém có thể sửa chữa, khắc phục bằng các biện pháp quản trị, thậm chí tư nhân hóa, nhưng với các DNTN dựa trên “quan hệ thân hữu” khó có thể làm như vậy.

Lý do, hoặc nó đã bệnh hoạn ngay từ đầu nên khó chỉnh sửa, hoặc khi phe nhóm quyền lực mất thế nó sẽ có nguy cơ sụp đổ. Đó chính là tính bấp bênh và dễ bị tổn thương như tôi đã nói.

- Nhưng làm sao để nhận diện và loại trừ các DN “sân sau”, để từ đó phát triển thực sự lành mạnh, bền vững?

- Trước hết, phải trả lời được câu hỏi ai sẽ làm công việc “nhận diện” rồi mới nói tới sử dụng “công cụ” nào? Theo tôi, cái khó nhất ở DN “sân sau” theo logic sẽ rơi vào nhóm lãnh đạo và có quyền lực. Khi điều ấy xảy ra cả cơ quan nhà nước có liên quan đã bị giảm hay vô hiệu hóa về chức năng. Nên khi nói cần có công cụ pháp luật để xử lý e rằng bất khả thi, bởi sự hình thành DN “sân sau” trên thực tế quá tinh vi và phức tạp.

Vấn đề ở đây cái gọi là “lỗi hệ thống”, tức ở tất cả khâu từ xây dựng, ban hành chính sách pháp luật đến thực thi và xử lý vi phạm, chưa nói tới cán bộ hay con người. Nhưng đó chỉ là phần “xác”, quan trọng hơn là cái “hồn” của nó. Làm sao có được tinh thần dân chủ, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, chưa nói tới mức độ cao hơn là sự công tâm, mẫn cán hay danh dự cá nhân.

Từ góc độ khách quan, việc chỉ đích danh các quan chức có DN “sân sau” phải gắn với quy trình pháp lý. Nếu mối quan hệ của một quan chức với “sân sau” là hữu hình, tức thông qua sở hữu cổ phần trực tiếp hay người thân thuộc đối tượng bị cấm của pháp luật, có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn trường hợp thuộc về các quan hệ vô hình, nên khó phát hiện. Cho nên, nếu truy cứu trách nhiệm có lẽ chỉ có thể làm trong khuôn khổ của các vụ án tham nhũng cụ thể.

- Xin cảm ơn ông.

Nếu đề xuất một phương sách để phát triển KTTN và DNTN, tôi cho rằng cần bắt đầu bằng tư duy đúng: Đó là tập trung các nguồn lực để hỗ trợ DNNVV, bởi chính họ mới là cứu cánh của nền kinh tế.

Các tin khác