Thành phố Hồ Chí Minh đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có. Với đặc điểm lây lan mạnh, nhanh, virus Delta đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác điều trị.
Tỷ lệ ca F0 cộng đồng trong ngày 17/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 72% so với tổng số ca mắc. Chiến lược giảm F0 tử vong đang được thành phố quan tâm nhất vì trung bình những ngày gần đây có đến hơn 200 ca mắc COVID-19 tử vong mỗi ngày.
Trong vòng 20 ngày, thành phố đã xây dựng xong 3 bệnh viện dã chiến 13, 14, 16 và chỉ trong vòng 1 tuần đã phối hợp với Bộ Y tế thành lập xong 3 trung tâm hồi sức để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch trong bối cảnh số ca mắc và tử vong ngày một tăng cao.
Đợt dịch nặng nề nhất từ trước đến nay
Việt Nam đang trải qua đợt dịch nặng nề nhất từ trước đến nay, đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang “gồng mình” chống dịch và cứu chữa các bệnh nhân trong tình trạng nặng để giảm số ca tử vong.
Đến ngày 18/8, số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc đã lên đến hơn 293.000 ca và điều không mong muốn nhất là con số tử vong gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây, với 6.472 người đã tử vong.
Đặc biệt, tâm dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh “nóng” nhất, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 156.186 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố (chiếm hơn 50%) ca bệnh của cả nước và 5.197 trường hợp đã tử vong.
Thành phố Hồ Chí Minh có 28 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Biến chủng Delta gây bệnh COVID-19 khiến người mắc bệnh có nhiều diễn biến không thể ngờ.
Những khó khăn, thách thức mà Thành phố Hồ Chí Minh đang đối diện còn nhân lên gấp bội với đặc thù là một thành phố có dân số rất đông - hơn 10 triệu người, nhiều khu vực có nhà ở chật hẹp, người ở đông đúc. Đối với biến chủng Delta phức tạp và nguy hiểm, công tác phòng chống dịch có lúc gặp lúng túng...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định đặc tính của chủng Delta vừa lây lan mạnh vừa diễn biến nhanh khiến Thành phố Hồ Chí Minh dù đã chuẩn bị trước để bệnh nhân tiếp cận hệ thống cấp cứu, điều trị nhưng không theo kịp diễn tiến của dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến F0 tại Thành phố Hồ Chí Minh tử vong cao, là do tình trạng quá tải ở các cơ sở thu dung, điều trị do lượng các ca bệnh mắc mới quá lớn - khoảng 3.000 ca mỗi ngày trong mấy tuần gần đây.
Trước tình hình trên, Thành phố Hồ Chí Minh huy động nguồn lực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở không trở nặng để giảm áp lực cho tầng trên - giảm tỷ lệ tử vong đồng thời thay đổi nhiều cách thức như cấp thuốc điều trị ngay từ đầu cho F0 đang ở nhà. Chiến lược giảm F0 tử vong đang được thành phố quan tâm nhất, tranh thủ thời gian vàng tiến đến mục tiêu kiểm soát dịch trên địa bàn vào ngày 15/9.
Hơn 43.000 người theo dõi, điều trị tại nhà
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho thấy tính đến ngày 17/8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 43.730 người, trong đó có 17.274 trường hợp F0 mới và 26.456 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.939 người. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.278 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 16.103 người. Tổng số bệnh nhân được xuất viện từ đầu mùa dịch thứ 4 (ngày 27/4) đến nay là 78.204 người.
Thành phố tổ chức thực hiện cách ly F1, F0 không triệu chứng đủ điều kiện xuất viện tại nơi cư trú; giám sát, chăm sóc sức khỏe các trường hợp F0, F1 được cách ly tại nhà với sự hỗ trợ của các tổ phản ứng nhanh tại địa phương.
Đáng lưu ý, theo dữ liệu từ cổng thông tin COVID-19 vào 20 giờ ngày 17/8, Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm 15.124 mẫu, ghi nhận 3.540 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có đến 2.568 ca cộng đồng. Như vậy, tỷ lệ ca F0 cộng đồng trong ngày 17/8 chiếm đến 72% so với tổng số ca mắc (tăng 19% so với ngày 16/8), trong đó nhiều nhất là quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận 3, huyện Hóc Môn...
Để kiểm soát dịch bệnh, từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 15/9, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó,” hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ, phát triển “vùng xanh.”
Những ngày qua, không thể không kể đến điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch của thành phố là tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được đẩy nhanh cùng số lượng bệnh nhân điều trị khỏi đang tăng dần. Trong ngày 17/8, toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 2.561 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện và hoàn thành tiêm chủng vaccine COVID-19 cho gần 133.000 người. Đến nay, toàn thành phố đã tiêm được hơn 4,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và đặt mục tiêu đến cuối tháng Tám tiêm ít nhất 70% dân số có độ tuổi từ 18 trở lên.
Những chiến lược mới
Để giảm thấp nhất số người tử vong, Bộ Y tế và Thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng những chiến lược mới trong công tác phân luồng, thu dung và điều trị bệnh nhân.
Theo Phó giáo sư Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sáng tạo mô hình chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 theo 2 trụ cột: Áp dụng gói chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với người mắc COVID-19 (F0) và cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện.
Trụ cột thứ nhất là áp dụng gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà đối với người mắc COVID-19 (F0) mới được phát hiện tại cộng đồng đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định. Gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 với 6 hoạt động chính: Truy suất và quản lý người F0 cách ly tại nhà trên đại bàn quận, huyện, xã, phường bằng chức năng "người cách ly" trong phần mềm "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19"; hướng dẫn F0 tự chăm sóc sức khoẻ tại nhà; khám và theo dõi sức khỏe tại nhà do trạm y tế phụ trách.
Bên cạnh đó, các cán bộ y tế sẽ hướng dẫn sử dụng toa thuốc tại nhà, bao gồm cả sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống với người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp; xét nghiệm cho người F0 tại nhà và tư vấn hỗ trợ sức khoẻ và hỗ trợ cấp cứu cho người F0 cách ly tại nhà.
Về trụ cột thứ hai là cấp cứu và điều trị, thành phố tăng quy mô giường có oxy và các trang thiết bị y tế tại các bệnh viện ở tầng 2; triển khai nâng cao năng lực tiếp nhận cuộc gọi và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu; triển khai thêm các thuốc điều trị đặc hiệu kháng virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện tầng 2 và 3 (thuốc Remdisivir).
Phó giáo sư Tăng Chí Thượng thông tin Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mô hình tháp 3 tầng thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19. Tầng 1 hiện có 18.120 F0 cách ly tại nhà và 153 cơ sở cách ly tập trung F0 tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức (khoảng gần 24.000 giường).
Tầng điều trị 2 gồm có 74 bệnh viện điều trị với 49.392 giường. Tầng điều trị thứ 3 gồm 8 bệnh viện hồi sức COVID-19 trên địa bàn thành phố và 5 Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn với gần 3.850 giường.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao việc Thành phố đã sáng tạo đưa ra mô hình chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 theo 2 trụ cột.
Người đứng đầu ngành y tế cho rằng mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 cũng chính là tầng điều trị thứ nhất. "Mở rộng tầng 1 bao nhiêu thì nền móng vững chắc bấy nhiêu. Nếu không mở rộng tầng 1, sẽ gây quá tải và khó khăn cho tầng điều trị 2 và 3," Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, quan trọng là triển khai xét nghiệm tại chỗ, nếu phát hiện ra F0 thì tiến hành khoanh luôn nhà đó, phát túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong 1 tuần. Việc xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ và an sinh tại chỗ sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, giúp hạn chế chuyển tình trạng nặng.
Song song đó thành phố cần mở rộng tầng 2 và tầng 3, trong đó cần lưu ý tầng 2 phải bắt buộc có oxy và thuốc chống đông, kháng viêm. Cụ thể, tầng 2 dành điều trị người bệnh trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Nếu điều trị trong 7-10 ngày, bệnh nhân tiến triển, khỏe thì cho về nhà cách ly theo dõi y tế kèm theo túi thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Các bệnh viện thuộc tầng 3 bắt buộc giao ban hàng ngày về chuyên môn với các bệnh viện tầng 2 đồng thời cử êkip y bác sỹ của tầng 3 xuống tầng 2 hỗ trợ liên tục về chuyên môn để vừa lọc bệnh nhân ở tầng 2, chuyển tuyến tầng 3 ngay khi cần, vừa hướng dẫn thêm cho y bác sĩ tại tầng 2.
Dồn quân cho trận chiến hồi sức
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ nguyên nhân khách quan khiến dịch bệnh đợt này vẫn lây lan rộng và kéo dài là do biến thể virus Delta. Biến thể này lây lan rất nhanh và mạnh do virus phát tán trong không khí, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn các chủng virus trước làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt trong các khu vực không gian kín, ít lưu thông như phòng họp, nhà máy, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người.
Đợt dịch xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố lớn có mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thống huyết mạch của cả nước, nhiều khu công nghiệp trọng điểm, di biến động dân cư giữa các địa phương lớn. Dịch lây lan mạnh tại các khu vực dân cư có mức sống và điều kiện sinh hoạt, ăn ở rất hạn chế.
Chưa bao giờ ngành y tế huy động một lực lượng lớn như vậy. Cả công và tư đều vào cuộc, nhiều tỉnh thành cử cán bộ y tế y tế "chia lửa" với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Các bệnh viện lớn cũng đều dồn quân cho trận chiến tại Thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ có ngành y mà cả hệ thống chính trị đang dồn sức để khống chế dịch.
Với tinh thần trách nhiệm rất cao, chỉ trong vòng 20 ngày thành phố đã xây dựng xong 3 bệnh viện dã chiến 13, 14, 16 và chỉ trong vòng 1 tuần đã phối hợp với Bộ Y tế thành lập xong 3 trung tâm hồi sức để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch trong bối cảnh số ca mắc và tử vong ngày một tăng...
Ba trung tâm hồi sức tích cực có quy mô 1.500 giường, bao gồm Trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7), quy mô 500 giường; Trung tâm hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại quận Tân Phú, quy mô 500 giường; Trung tâm hồi sức Bệnh viện Việt Đức đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh), quy mô 500 giường đã chính thức đi vào hoạt động ngày 7/8.
Các trung tâm hồi sức này cùng với sự hỗ trợ từ một số bệnh viện trung ương khác như Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Lão khoa trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện K đã góp phần giải tỏa bớt những khó khăn, căng thẳng về thu nạp và điều trị các bệnh nhân có diễn biến nặng tại địa bàn.
Thực tế cho thấy hơn 2 tháng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội bằng nhiều mức độ, hơn 4 tuần áp dụng những biện pháp quyết liệt nhất theo Chỉ thị 16, dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh với biến chủng Delta vẫn đang diễn biến rất phức tạp, với số ca mắc mới vẫn còn cao, tỷ lệ tử vong chưa giảm... Tuy nhiên, với các biện pháp đang được đẩy mạnh triển khai, Thành phố hy vọng sẽ có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, ngày 10/8, Chính phủ lần đầu tiên đưa ra một mốc thời gian cho Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo đó địa phương này cần phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, lực lượng chức năng trên địa bàn khẩn trương phối hợp và thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế triển khai chiến lược cách ly, chăm sóc, điều trị các ca F0 tại nhà (Homestay Care) mà trọng tâm là xét nghiệm tại nhà, điều trị tại nhà và an sinh tại nhà. "Do đó, thành phố phải tổ chức xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm tại cộng đồng, tại nhà để kịp thời phát hiện các F0 và hướng dẫn điều trị tại nhà đồng thời cấp phát thuốc (theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế) và cung cấp lương thực, thực phẩm cho F0 tại nhà, để không làm lây nhiễm ngoài cộng đồng," lãnh đạo Thành phố nhấn mạnh.
Trong “chiến dịch” kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều trị để giảm nhanh số ca tử vong, Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi sự đồng lòng, chung sức của người dân trong phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giãn cách giữa người với người, học cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bản thân và đồng ý tiêm vaccine ngay khi đến lượt.