Quá trình đồng NDT số
NHTW Trung Quốc (PBOC) bắt đầu nghiên cứu về tiền số vào năm 2014 và thành lập Viện Nghiên cứu tiền số năm 2017. Và ngay sau khi tháng 6-2019 Facebook đã công bố sách trắng về tiền số Libra, thì vào mùa hè cùng năm, PBOC bắt đầu phổ biến các thông tin về tiền số của mình: Nhân dân tệ (NDT) số - hay tiền số thanh toán điện tử DCEP.
Nói cách khác, DCEP là tiền pháp định dạng số của đồng NDT và chịu điều chỉnh bởi luật hiện hành đối với PBOC.
Vào tháng 5-2020, Thống đốc PBOC Yi Gang nói không có thời gian biểu cho việc ra mắt chính thức của DCEP, nhưng cho biết các thử nghiệm của DCEP đang diễn ra ở 4 TP Thâm Quyến, Tô Châu, Xiong’an, Thành Đô và các địa điểm sẽ diễn ra Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022.
Tháng 11-2020, một thử nghiệm đã được thực hiện tại Thâm Quyến. Trước đó, vào tháng 10, TP này đã tiến hành xổ số để tặng NDT số trị giá 10 triệu NDT (1,5 triệu USD).
Gần 2 triệu người đã đăng ký và 50.000 người đã giành giải thưởng. Những người chiến thắng đã tải xuống “ứng dụng NDT số”, đồng NDT số ra mắt với mệnh giá 200NDT (31USD) và sử dụng tại hơn 3.000 điểm ở Thâm Quyến.
Ngày 4 -12-2020, chính quyền TP Tô Châu thông báo sẽ phát 100.000 gói kỹ thuật số màu đỏ, mỗi gói chứa 200NDT, với tổng trị giá 20 triệu NDT, cho người dân thông qua hình thức xổ số. Kể từ tháng 5-2020, một số nhân viên chính phủ Tô Châu đã nhận được trợ cấp đi lại dưới dạng tiền số.
Trong một phát biểu ngày 2-11-2020, Thống đốc Yi Gang cho biết hơn 2 tỷ NDT đã được chi tiêu bằng cách sử dụng NDT số trong 4 triệu giao dịch ở Trung Quốc. Người dân đã sử dụng nhiều phương thức thanh toán, bao gồm mã vạch, nhận dạng khuôn mặt và giao dịch chạm - di chuyển (tap-to-go).
Trong tương lai, danh sách TP thí điểm có thể thêm Thượng Hải, Hải Nam, Thanh Đảo, Đại Liên và Tây An.
Sau đó, Giám đốc Điều hành Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) Eddie Yue, cho biết PBOC và HKMA đang chuẩn bị thử nghiệm việc sử dụng DCEP cho các khoản thanh toán xuyên biên giới.
Mô hình DCEP.
Hàm ý chính sách cho Việt Nam
Cho đến nay, nhiều quốc gia đã tiến hành nghiên cứu và đang ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển CBDC của mình. Mặc dù các lợi ích cũng như rủi ro của CBDC bán lẻ (sử dụng rộng rãi) vẫn chưa được chứng minh, nhưng với việc phát hành DCEP Trung Quốc kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong hệ thống thanh toán, hoạt động của ngân hàng, thậm chí cả hoạt động của thị trường vốn.
Ngoài ra, thông qua DCEP Trung Quốc sẽ gia tăng sức mạnh mềm của mình ở phạm vi quốc tế khi đưa NDT trở thành đồng tiền thanh toán và dự trữ ở tầm quốc tế. Dù còn quá sớm để khẳng định sự thành công của DCEP, việc Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hành CBDC có hàm ý chính sách quan trọng.
Thứ nhất, khảo sát công bố vào tháng 1-2021 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) về sự phát triển của CBDC, cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc phát triển và thử nghiệm CBDC, đi trước các quốc gia phát triển khác như Mỹ, Anh, Canada.
Với việc này Trung Quốc sẽ tạo ra hiệu ứng mạng đối với các nền kinh tế mới nổi khác trong việc phát triển CBDC. Tuy nhiên, có điểm cần lưu ý việc một quốc gia sử dụng mô hình CBDC của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của quốc gia này với Mỹ, do các xung đột về tài chính và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Điều này có hàm ý quan trọng đối với Việt Nam, do đó Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Tài chính coi các CBDC như một thành phần mới nổi của hệ thống tài chính quốc tế, để có các đánh giá về rủi ro của nó.
Thứ hai, nhiều công ty ở Việt Nam có mối quan hệ với lĩnh vực công nghệ, tài chính của Trung Quốc với tư cách là nhà đầu tư, đối tác, công ty con hoặc người nhận đầu tư từ Trung Quốc.
Do đó, các cơ quan quản lý cần có các đánh giá về mối quan hệ này, đồng thời thu hút và kết hợp chuyên môn từ cộng đồng trong và ngoài nước để nắm bắt về sự phát triển của DCEP. Thứ ba, tham gia các hoạt động thiết lập tiêu chuẩn CBDC trên toàn cầu. Một báo cáo của BIS (2020) do 8 NHTW viết, đã nêu ra các động cơ và rủi ro khi phát hành CBDC.
Việc sử dụng DCEP có nghĩa trực tiếp cung cấp dữ liệu cá nhân cho Trung Quốc, như ứng dụng TikTok thu thập thông tin cá nhân của người dùng. |
Thứ tư, thúc đẩy các hoạt động học thuật chuyên sâu về CBDC. Đầu tháng 3 Bộ Tài chính đã thành lập tổ nghiên cứu về tài sản ảo và tiền ảo, đây là bước đi phù hợp. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học - Công nghệ cần cung cấp các khoản tài trợ cho các nghiên cứu chuyên sâu về CBDC.
Các chủ đề tập trung bao gồm tác động đối với chính sách tiền tệ, ổn định tài chính, thương mại bán lẻ, thương mại quốc tế, bảo mật tài chính, tiếp cận tài chính. Các cơ quan quản lý nên khuyến khích việc chia sẻ các kết quả nghiên cứu của các bên liên quan để tận dụng tác động lan tỏa từ các cụm nghiên cứu, bao gồm khu vực công và khu vực tư nhằm có thêm các hiểu biết về sự phát triển của công nghệ tài chính nói chung.
Cuối cùng, quan tâm đến việc giám sát rủi ro từ việc thu thập dữ liệu người dùng của DCEP trong tương lai. Bởi việc sử dụng DCEP có nghĩa trực tiếp cung cấp dữ liệu cá nhân cho Trung Quốc, như ứng dụng TikTok thu thập thông tin cá nhân của người dùng.
Các nhà hoạch định chính sách nên lưu ý về việc sử dụng DCEP có mở rộng sang các cộng đồng người dùng có các hoạt động kinh tế - xã hội với Trung Quốc tại Việt Nam.