Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa có giải pháp xử lý rốt ráo. Qua tìm hiểu, chưa đầy 3 năm nay (từ năm 2017), người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười của Long An đã tự đào đất ruộng để làm ao ương cá tra giống, với diện tích 3.550ha. Tập trung nhiều nhất ở huyện Tân Hưng (1.799ha), Tân Thạnh (1.338ha), Vĩnh Hưng (gần 200ha), Mộc Hóa (86ha), Thạnh Hóa (gần 90ha)…
Để đào ao nuôi khoảng 1ha, người dân phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng, số tiền không nhỏ. Nhưng hiện nay, việc ương nuôi cá không hiệu quả, nhiều người bị lỗ vốn, thậm chí còn mang nợ ngân hàng. Nếu như nuôi tiếp thì sợ lỗ, còn bỏ ao, treo ao thì lãng phí, không có tiền để trả nợ ngân hàng; còn muốn san lấp lại thì không phải hộ nào cũng có chi phí để làm.
Thế là nhiều người đành làm liều thả nuôi tiếp, có người thì chuyển qua nuôi ếch, lươn; cũng có người nuôi cá lóc, cá rô để kiếm sống qua ngày. Cũng có người gom hết phần tiền tích lũy còn lại, rồi vay mượn thêm để san lấp lại các ao làm lúa hoặc trồng cỏ nuôi bò, nhưng rất bấp bênh.
Điển hình như ông Ba Pha, ở ấp 3 Gò, xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng), cách đây 3 năm, thấy nhiều hộ đào ao nuôi cá tra bột có lời nên bắt chước làm theo. Ông thuê máy móc đào gần 2,5ha đất lúa cập kinh KT7 (kênh Tân Thành - Lò Gạch) để nuôi cá. Song, chưa đầy 3 năm thì lỗ trắng tay, lại nợ vay ngân hàng nên đành phải bán hết các ao này cho một người ở An Giang để họ khai thác đất hầm, chở về An Giang làm gạch. Không chỉ có ông Pha, mà ông Lành, ông Gul, ông Linh, ông Trãi… (cùng ngụ xã Hưng Điền), cũng cùng nhau bán ao cho người ta khai thác đất hầm với diện tích hơn 6ha.
Ngày 24-9, một chủ đất khác ở gần đất của ông Pha cũng bán đất ruộng cho khai thác đất hầm. Ở huyện Tân Hưng, không chỉ có xã Hưng Điền người dân bán đất ruộng, đất ao cho khai thác đất hầm, mà các xã Vĩnh Châu B, Vĩnh Lợi, Hưng Điền B… nhiều hộ dân cũng “tranh nhau” bán hàng chục ao cá cho người khác khai thác đất hầm. Đi dọc theo tuyến kinh T7 (từ chợ Hưng Điền B vào khoảng 3km), có hàng chục ghe sắt đậu dọc theo bờ kinh để chờ chở đất hầm khai thác từ đây, đưa về An Giang bán cho các lò gạch; nhiều nhất vào thứ bảy, chủ nhật. Còn những khi có đoàn kiểm tra thì tình hình yên ắng hơn.
Điều đáng nói là khi người dân tự ý đào đất ruộng, làm ao để nuôi cá, vẫn không thấy chính quyền địa phương và ngành chức năng lên tiếng. Khi nuôi lỗ lã, nhiều người dân bán luôn ao nuôi cho người khác để khai thác đất hầm, kể cả đất đang làm ruộng... Song, ngành chức năng cũng không có phản ứng gì. Đến khi có người tố cáo tình trạng này, thì chính quyền địa phương mới “nhảy vào” xử lý như lập biên bản vi phạm, đề nghị xử phạt… Tuy nhiên, sau đó không thấy người dân nào bị xử phạt, hay những cá nhân, doanh nghiệp khai thác đất hầm bị phạt.
Chính vì chưa ai bị xử lý nghiêm, nên đến nay vẫn còn người dân bán đất hầm, trong khi những doanh nghiệp khai thác đất hầm vẫn ngang nhiên hoạt động. Thực tế tại huyện Tân Hưng, có một doanh nghiệp khai thác đất hầm trái phép bị phát hiện, nhưng mấy tháng nay chưa xử phạt xong. Khi đặt vấn đề xử lý tình trạng khai thác đất hầm trên địa bàn huyện Tân Hưng trong thời gian qua như thế nào, ông Lê Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Tân Hưng, cho rằng: “Trách nhiệm xử phạt vụ này thuộc thẩm quyền của tỉnh”. Còn theo ông Phạm Tùng Chinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Long An, việc xử lý sẽ do cấp huyện(!?.