Trong số các dự án trọng điểm chậm tiến độ, đội vốn thời gian qua được báo chí, dư luận xã hội và các cơ quan chức năng nhắc đến nhiều nhất phải kể đến Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Dự án này được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư gần 8.800 tỷ đồng và được phê duyệt điều chỉnh năm 2016 với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Dự án được khởi công năm 2011 và dự kiến hoàn thành năm 2015. Tuy nhiên sau 8 lần sai hẹn về đích mà đến nay dự án vẫn chưa thể đưa vào khai thác.
Ngoài ra, dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội, cũng là những cái tên được nhắc đến đầy tai tiếng trong thời gian qua với những khoản đội vốn chục ngàn tỷ, chậm tiến độ hàng chục năm trời khiến đồng tiền đi vay chưa phát huy hiệu quả, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Có lẽ không khó để có thể điểm danh hàng loạt dự án kiểu như thế này nhưng câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại sao lại có thể để các dự án đội vốn kéo dài nhiều năm? Bất bình hơn là cho đến nay cũng không thấy một cơ quan hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cuối cùng cho những sai phạm này.
Vì sao chậm tiến độ, đội vốn?
Trong nhiều lần giải trình tại nghị trường Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải từng thừa nhận, một trong những nguyên nhân của tình trạng này được cho là do quy mô các dự án lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp. Có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam như các dự án đường sắt đô thị, trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện.
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Trung ương cho rằng, cách giải thích theo kiểu “quy lỗi tập thể” như vậy là rất khó chấp nhận. Bởi nếu so với nhiều dự án khác chẳng hạn như sân bay Long Thành, Đồng Nai thì mức đầu tư nghìn tỷ, hay hàng chục nghìn tỷ chưa phải là quá lớn. Theo ông Nhưỡng, nguyên nhân chủ yếu của vấn nạn này liên quan đến công tác từ tham mưu xây dựng báo cáo khả thi đến quá trình dự báo hiện còn rất yếu kém. Ngoài ra, việc lựa chọn các nhà thầu của chúng ta cũng chưa đến nơi đến chốn. Đặc biệt, bất cập lớn nhất hiện nay là thời gian chuẩn bị dự án quá lâu, thậm chí có những dự án mất cả chục năm trời. Đây cũng có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến các dự án bị đội vốn, chậm tiến độ. Vì thời gian chuẩn bị càng kéo dài sẽ có nhiều biến động dẫn đến dự toán lập ban đầu không còn sát thực tế.
Liều thuốc nào trị dứt điểm tình trạng “chôn”vốn, “lụt” tiến độ?
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải làm rõ cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm với từng dự án, vì sao chọn nhà đầu tư thiếu năng lực, chính quyền địa phương quan liêu... để từ đó có chế tài xử lý. Còn nếu vẫn tiếp tục duy trì kiểu “quy lỗi tập thể” thì những dự án đội vốn sẽ còn lặp lại và dần trở thành điều bình thường”.
Theo ông Nhưỡng, với dự án hiện tại, cần thiết phải thành lập ngay các Hội đồng đánh giá một cách độc lập, để nhìn nhận rõ ràng những vướng mắc khó khăn, những hạn chế, sai phạm và chỉ ra nguyên nhân của sai phạm đó. Chỉ bằng cách đó mới có thể truy đến cùng trách nhiệm của từng cơ quan và cá nhân cụ thể. Còn đối với những dự án đầu tư mới, yếu tố quan trọng nhất là phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch và xác định trách nhiệm ngay từ đầu ở từng khâu cụ thể. Khi đó sai ở công đoạn nào, mức độ sai như thế nào, thiệt hại bao nhiêu sẽ rất dễ dàng trong việc quy trách nhiệm.
Dự án đội vốn, chậm tiến độ, ngoài việc lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội thì có lẽ thiệt hại lớn nhất là làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Đã đến lúc dư luận mong lắm một động thái quyết tâm hơn nữa của Chính phủ trong câu chuyện này!